+
Aa
-
like
comment

LiveMint: “Việt Nam rồi sẽ chiếm lĩnh toàn cầu”

Bảo Trâm - 22/10/2020 09:58

LiveMint, một trang báo Ấn Độ, gần đây đã đăng tải một bài viết cung cấp chi tiết về những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong cuộc đua toàn cầu nhằm thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc và trở thành trung tâm sản xuất mới cho các nhà đầu tư quốc tế.

Theo LiveMint, Việt Nam và Bangladesh đang làm tốt trong cuộc đua toàn cầu để thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trở thành cứ điểm sản xuất mới. Nội dung bài viết còn nhấn mạnh, Ấn Độ cần nhanh chóng hành động để có thể bắt kịp trong “cuộc đua” này.

Theo bài viết, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được những dấu ấn đặc biệt trong nỗ lực trở thành “con hổ” châu Á, đánh dấu sự phát triển kinh tế nhanh chóng tương tự như Hàn Quốc, Trung Quốc vài thập kỷ qua.

Cụ thể, trong tháng 9, xuất khẩu Việt Nam đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn tượng hơn nữa, xuất khẩu máy tính, linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc, phụ kiện tăng 63% trong quý 3/2020. Trong đó, hơn một nửa sản lượng của Samsung đến từ Việt Nam.

Tờ LiveMint khẳng định, Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc “chạy đua” thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu. Trước đó, chiến lược gia về các thị trường mới nổi của Morgan Stanley, ông Ruchir Sharma cũng là gọi Việt Nam là “phép màu châu Á thế hệ mới”.

Theo lý giải của tờ LiveMint, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, đây là tỷ lệ cao nhất trong nhóm các quốc gia mới nổi hiện nay.

Giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital, ông Bill Stoops nhận xét, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Mười năm trước, xuất khẩu Việt Nam nghiêng về dầu thô và nông nghiệp. Nhưng đến năm ngoái, cá là mặt hàng duy nhất nằm trong số top 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam mà không qua chế biến. Ông Bill Stoops nhận định: “Thị trường lao động của Việt Nam rất rộng. Do vậy, tôi không lo ngại về khả năng thu hút thêm vốn FDI của Việt Nam”.

Những chiến lược mới tương tự như chiến lược “Trung Quốc +1” cách đây một thập kỷ đã nổi lên. Trong quá khứ, chiến lược “Trung Quốc +1” đã ra đời trong bối cảnh các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của mình từ các tỉnh duyên hải về sâu trong nội địa – nơi có chi phí sản xuất thấp hơn.

Tuy nhiên, việc di dời khỏi khu vực duyên hải cũng là một vấn đề nan giải. Do vậy, các công ty này tìm cách di chuyển cơ sở sản xuất của mình sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Myanmar (Symington, 2013).

Gần đây, theo báo cáo của McKinsey với tiêu đề “Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu”, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Chỉ trong năm 2019, thế giới đã phải trải qua khoảng 40 sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu, gây ra vô số thiệt hại nặng nề. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã làm tăng thêm tính bất ổn trong chuỗi cung ứng này.

Do vậy, các công ty đang tìm cách đa dạng hóa các cơ sở sản xuất. Theo đó, Chính phủ các quốc gia châu Á cũng tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư. Theo cuộc khảo sát vừa qua của Goldman Sachs, Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng đối với các doanh nghiệp có ý định đa dạng hóa cơ sở sản xuất, theo sau đó là Ấn Độ. Giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital trước đó cũng đánh giá cao cách thúc đẩy phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.

Theo LiveMint, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh trên thị trường như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh… đều có “mục đích của rùa nhưng tốc độ của thỏ”.

Bảo Trâm (Lược dịch theo LiveMint)

Bài mới
Đọc nhiều