+
Aa
-
like
comment

Lính Trung Quốc vác Thanh Long yển nguyệt đao ra nghênh chiến với Ấn Độ ở biên giới

10/09/2020 10:16

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ mới đây đã đăng tải hình ảnh lính Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đang tiếp cận vị trí của quân đội Ấn Độ với các vũ khí trong đó có súng, gậy sắt, trường đao…

Nguồn tin của Hãng thông tấn ANI trong quân đội Ấn Độ cho biết các hình ảnh trên được chụp tại khu vực Ladakh vốn do Ấn Độ kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tờ Times of India dẫn các nguồn tin chính phủ đưa tin rằng khoảng 50-60 binh sĩ PLA vào tối thứ Hai đã có ý đồ tiếp cận các trận địa của quân đội Ấn Độ gần Hồ Pangong ở phía đông Ladakh, nhưng quân đội Ấn Độ đã đáp trả bằng một cách cứng rắn và bên kia (PLA) cuối cùng đã phải rút lui. Báo cáo nói rằng lính PLA được trang bị súng, côn, gậy dài, giáo mác, và thậm chí cả dao gắn vào đầu những cây gậy dài, tương tự như “Quan đao” (đao của Quan Vũ thời Tam Quốc).

Các nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ chỉ ra rằng PLA đêm hôm đó đã chuẩn bị số vũ khí này, có thể định lặp lại vụ xung đột nghiêm trọng bùng phát giữa quân đội hai nước ở thung lũng Galwan tối hôm 15/6. Trong cuộc xung đột tồi tệ nhất ở biên giới Trung-Ấn trong 45 năm qua đó, PLA đã tấn công quân đội Ấn Độ bằng đá, Lang nha côn và gậy sắt, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ; phía Trung Quốc từ chối tiết lộ số người chết và bị thương về phía họ.

Gậy sắt hàn đinh lính PLA dùng để tấn công lính Ấn Độ trong vụ xung đột ngày 15/6 (Ảnh Đa Chiều).

Các cơ quan truyền thông Ấn Độ cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc liên lạc điện thoại cấp lữ đoàn vào ngày 8/9. Khi được hỏi về các loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc sử dụng, một viên đại tá Trung Quốc nói rằng vũ khí cận chiến mà lính của ông mang theo là “một phần của văn hóa võ thuật Trung Quốc”.

Trong khi đó, theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 10/9, sau khi xảy ra “vụ nổ súng của quân đội Ấn Độ” phá vỡ kỷ lục 45 năm không có tiếng súng ở biên giới giữa quân đội hai nước, dư luận ngày càng lo ngại về việc xảy ra trận chiến quy mô lớn giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng nếu Ấn Độ dám bắn thì “Trung Quốc cũng phải có quyết tâm và chuẩn bị bắn”.

Đa Chiều dẫn lại tuyên bố của Chiến khu Miền Tây PLA cáo buộc quân đội Ấn Độ nổ súng hôm 7/9 và quân đội Ấn Độ sau đó ra tuyên bố bác bỏ, nói chính PLA mới là bên nổ súng trước. Sau đó, một số cơ quan truyền thông Ấn Độ đã tiết lộ các bức ảnh chụp lính PLA mang vũ khí. Một ngày sau, 8-9, báo The Times of India dẫn nguồn tin quân đội Ấn Độ tố ngược lính Trung Quốc mới là bên nổ súng chỉ thiên khi cố áp sát lực lượng Ấn ở phía đông cao nguyên Ladakh.

Trưa cùng ngày, tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu lên Twitter cáo buộc Ấn Độ vi phạm hiệp ước không dùng vũ khí ở biên giới giữa hai nước, đồng thời doạ nếu xung đột vũ trang nổ ra, quân Ấn “sẽ chịu thất bại thảm hại hơn năm 1962”.

Ý ông này nhắc đến là cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, khi đó Trung Quốc chiến thắng về quân sự nhưng cuối cùng cũng phải rút về đường biên giới cũ trước xung đột.

Tuyên bố trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng Ấn Độ. Nhiều người nhắc ông Hồ quân đội Ấn đã đẩy lùi thành công PLA trong các vụ chạm trán ở Nathu La và Cho La năm 1967, cho thấy năng lực quân sự của họ đã cải thiện hơn.

2 giờ sau dòng tweet đầu, tổng biên tập Hồ Tích Tiến lại viết tiếp, rằng Ấn Độ “đánh giá thấp Trung Quốc như hồi năm 1962”, nếu nghĩ Trung Quốc “không dám chiến tranh là một tính toán sai lầm”.

“PLA đã lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất, nếu xung đột nổ ra họ tự tin sẽ đánh bại quân đội Ấn”, ông Hồ Tích Tiến khoe.

Cao nguyên Ladakh, nơi Ấn – Trung đang tranh chấp, có độ cao lớn, oxy loãng và nhiệt độ cực lạnh. Tác chiến trong điều kiện đó nằm trong chương trình huấn luyện của Trường Chiến tranh độ cao (HAWS) của quân đội Ấn.

Những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên tuyến biên giới dài gần 3.500km chưa phân định đã kéo dài âm ỉ kể từ cuộc chiến năm 1962. Mặc dù lấy LAC làm ranh giới tạm thời, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh đều tố cáo bên còn lại gây hấn trước.

Căng thẳng bắt đầu tăng cao vào giữa tháng 5 năm nay khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc dồn quân tới các khu vực tranh chấp, âm mưu thay đổi hiện trạng.

Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ cố tình gây căng thẳng ở biên giới để thu hút sự chú ý của người dân, giảm các chỉ trích nhắm vào chính quyền trong bối cảnh Ấn Độ trở thành vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới.

T.H

Bài mới
Đọc nhiều