Lính biên phòng gác chuyện riêng, trở thành lá chắn thép
Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề Chiến sĩ quân hàm xanh vì bình yên miền biên viễn. Cuộc tọa đàm diễn ra ngay tại đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của 2 khách mời: Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị; Thượng tá Hoàng Hữu Thiện – Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Thưa thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 2 tỉnh của nước bạn Lào, đồng thời là địa phương miền Trung có trên 73km bờ biển và 6km quanh đảo Cồn Cỏ. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị trên tuyến biên giới đất liền và biển đảo diễn ra như nào?
Tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị cơ bản được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được đảm bảo, hệ thống đường biên cột mốc được bảo vệ vững chắc.
Tuy nhiên nổi cộm là hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có tổ chức, đường dây từ nước thứ 3 tập kết vào khu vực giáp biên, bắt mối để vận chuyển vào Việt Nam cũng như đi nước thứ 3 để tiêu thụ. Những đối tượng buôn bán ma túy có tổ chức rất chặt chẽ và tinh vi, thủ đoạn gian manh, thậm chí sử dụng vũ khí nóng để chống trả rất nguy hiểm.
Thứ hai là tình hình di cư tự phát và kết hôn không giá thú của nhân dân hai bên biên giới, xuất phát từ mối quan hệ thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới Việt – Lào. Vấn đề này đặt ra không ít khó khăn trong công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới của BĐBP.
Thứ ba là các đối tượng lợi dụng tôn giáo đến để tuyên truyền, lôi kéo vận động đồng bào, từ đó kích động rồi gây mất an ninh trật tự, mất đoàn kết trong khu vực dân cư.
Trên biển, ngoài các hoạt động xâm phạm vùng biển của ta để đánh bắt, khai thác hải sản cũng như thực hiện các ý đồ khác của tàu thuyền nước ngoài, một số tàu trong tỉnh cũng như lân cận đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán xăng dầu, buôn bán vật liệu nổ, sử dụng thuốc nổ đánh cá…
Vấn đề tranh chấp ngư trường, tông va trên biển thời gian vừa qua diễn ra khá phổ biến khiến lực lượng BĐBP phải nắm chắc tình hình để kịp thời làm tốt công tác điều tra, xử lý cũng như phối hợp với các bên liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân để xử lý tốt các vụ việc xảy ra.
BĐBP là lực lượng chủ công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nơi biên giới. Thượng tá Hoàng Hữu Thiện chia sẻ gì về những tháng ngày căng mình chống dịch?
BĐBP tỉnh Quảng Trị nói chung và đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nói riêng triển khai đồng loạt các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn dịch có hiệu quả nhất.
Giữa tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi dốc sức lực, vật lực, tăng cường cho cửa khẩu. Có những ngày lượng người về lên đến 1.500-1.700 người nên chúng tôi làm việc 24/24h, lo cơm nước, động viên bà con yên tâm đến khu cách li; rà soát tất cả các hệ thống đường mòn lối mở, tham mưu cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường lực lượng ở tuyến 2 lên để cùng phối hợp.
Chúng tôi đã thành lập 26 chốt trải dài 16,5km đường biên. Ngoài hoạt động tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, BĐBP còn tuyên truyền vận động bà con, đặc biệt các thôn bản thường có mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới.
Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia có gặp khó khăn không khi trên đất liền vẫn xảy ra tình trạng di cư tự do 2 bên biên giới, các loại tội phạm – nhất là buôn bán ma túy, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép ở biên giới vẫn diễn biến khá phức tạp, thưa Thượng tá Hoàng Hữu Thiện?
Bên cạnh những thuận lợi trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn.
Trên tuyến biên giới có rất nhiều đường mòn lối mở. Cư dân có mối quan hệ thường xuyên, thân thuộc nên việc qua lại làm ăn kinh tế với Lào trước đây trong thời gian xảy ra dịch bệnh bị chi phối, tác động lớn.
Chúng tôi phải vừa ngăn chặn, vừa tuyên truyền kể cả tác động đến cấp lãnh đạo chính quyền của địa phương hai bên. Bên bạn cho đồng bào ta thuê đất để canh tác trồng chuối, mình thì có con giống, nhân công. Khi trồng xong đến mùa thu hoạch thì xảy ra đại dịch, khiến hai bên rất khó qua trao đổi thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ được tuyên truyền, bà con đã dần yên tâm và chấp nhận thực tế ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch.
8 tháng ròng rã chống dịch, đồn trưởng Hoàng Hữu Thiện có thể chia sẻ những khó khăn mà lực lượng biên phòng đối mặt để thực sự trở thành là chắn thép nơi biên cương?
Chúng tôi đặt nhiệm vụ phòng chống Covid-19 lên hàng đầu. Cho nên thời gian qua, nhiều đồng chí phải gác lại chuyện riêng tư, có những chiến sĩ phải hoãn cưới nhiều lần, có người không thể về nhà vĩnh biệt người thân trong giây phút sinh li tử biệt.
Khó khăn tới đây là khi mùa mưa bắt đầu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chiến sỹ cũng như công tác tuần tra biên giới.
BĐBP tỉnh Quảng Trị thực hiện công tác đối ngoại vùng biên như thế nào để nhân dân 2 bên biên giới hiểu rõ hơn về chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế xã hội, thưa Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn?
Khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị chủ yếu có đồng bào dân tộc Pa Kô và Vân Kiều sinh sống, có mối quan hệ thân tộc/dân tộc lâu đời hai bên.
Quảng Trị là một trong những tỉnh đầu tiên đề ra chủ trương tổ chức kết nghĩa giữa các thôn bản của Việt Nam với các bản, cụm bản của nước bạn Lào đối diện. Đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Trị tổ chức kết nghĩa được 24 cụm bản hai bên biên giới.
Thứ hai là qua các công tác giao ban kết nghĩa, thăm thân thì các đơn vị, nhân dân Việt Nam trực tiếp tham gia giúp bạn phát triển KT-XH cũng như xóa đói giảm nghèo.
Các đồn biên phòng tại tỉnh Quảng Trị tổ chức kết nghĩa với các đồn trạm đối diện của lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào. Đến nay có 9/14 đồn biên phòng kết nghĩa với các đồn trạm bảo vệ biên giới của bạn.
Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh trích ngân sách gần 3 tỷ đồng để mua các trang thiết bị tặng lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào; mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho bộ đội, công an của các đồn cửa khẩu quốc tế của Lào; chuyển giao kĩ thuật công nghệ…
Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn có thể chia sẻ kết quả của việc thực hiện một số chương trình, phong trào “Mái ấm cho người nghèo biên giới’, “Xuân biên cương ấm lòng dân bản”?
Với chúng tôi, “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em”. Vừa thấu hiểu, cũng như vừa để tri ân với đồng bào các dân tộc trong quá trình phát triển hoàn thành nhiệm vụ của mình, các đơn vị BĐBP đã thực hiện nhiều mô hình, hoạt động giúp đỡ bà con dân tộc ở biên giới như “Mái ấm cho người nghèo biên giới’, “Xuân biên cương ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”…
BĐBP tỉnh Quảng Trị còn có mô hình riêng như “Ổ bánh mì biên giới”, “Tiết học biên giới”, “Ánh sáng đường biên”… Mục đích chung là giúp đỡ đồng bào biên giới phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, qua đó giúp cho vùng biên phát triển vững mạnh và ngược lại, nhân dân sẽ tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ BĐBP thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.
Điểm chung của các phong trào do BĐBP tổ chức phát động là huy động được sự tham gia của nhiều cấp ngành, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể.
Chúng tôi giúp nhân dân xây dựng nhà, mua bò giống cấp cho hộ khó khăn, giúp họ có cơ sở phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình “nâng bước em đến trường”, các đồn biên phòng nhận đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng cho tới lúc tốt nghiệp phổ thông.
BĐBP tỉnh Quảng Trị đang nhận đỡ đầu 93 cháu, trong đó có 9 cháu người Lào, nhiều cháu đã tốt nghiệp phổ thông và trúng tuyển vào trường trường cao đẳng, đại học.
Xin hỏi Thượng tá Hoàng Xuân Thiện, các anh vừa có trọng trách giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, an toàn trật tự biên giới vừa căng mình chống dịch, vậy điều lực lượng biên phòng mong mỏi lúc này là gì?
Lúc này điều chúng tôi mong muốn nhất, đó là ai ai cũng có ý thức tự giác phòng chống đại dịch, hi sinh cái nhỏ của mình để vì cộng đồng, vì sự bình yên của mọi người. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan ban ngành các cấp quan tâm hơn đến đời sống của bà con để giảm bớt khó khăn giữa thời đại dịch.
Thái An – Quang Thành – Đức Yên – Hiền Anh/VNN