Lĩnh án 25 năm tù, ông Lê Tấn Hùng được trả lại nhà ở Trương Định, quận 3
Sau hơn 1 tuần xét xử sơ thẩm, chiều 18.12, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Thiệt hại hơn 348,7 tỉ đồng
Về xử lý vật chứng, HĐXX nhận định hợp đồng chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty CP Phong Phú được xác lập trên cơ sở hành vi phạm tội của các bị cáo, vi phạm điều pháp luật cấm nên tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng và các phụ lục liên quan. Đồng thời giao UBND TP.HCM thu hồi dự án, chuyển SAGRI quản lý và sử dụng đúng quy định pháp luật.
HĐXX nhận định, trong vụ án, tội phạm hoàn thành khi bị cáo Lê Tấn Hùng đại diện SAGRI ký chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú vào ngày 22.12.2017 và hoàn tất việc cập nhật sang tên cho Tổng công ty CP Phong Phú trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 9.5.2018.
Về thiệt hại trong vụ án, HĐXX đánh giá cần xác định thiệt hại tại thời điểm Lê Tấn Hùng và các bị cáo thực hiện tội phạm, và theo kết luận định giá tài sản vào tháng 12.2019: Giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm ký Hợp đồng chuyển nhượng dự án (ngày 22.12.2017) là hơn 348,7 tỉ đồng. Trong khi, cáo trạng xác định thiệt hại hơn 672 tỉ đồng, tại thời điểm khởi tố vụ án để buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Với bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI), HĐXX tuyên trả lại bốn hộ chiếu mang tên ông, trả giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà của vợ chồng ông 22bis Trương Định và số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Trước đó, tòa tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 14 năm tù về tội tham ô tài sản và 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Tổng hợp hình phạt chung của 2 tội mà bị cáo Hùng phải chấp hành là 25 năm tù.
Không thực hiện đúng quy định
Về các sai phạm trong vụ án, HĐXX phân tích việc chuyển nhượng dự án trên trước hết phải tuân thủ quy định luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; luật Đất đai 2013; luật Kinh doanh bất động sản 2014; các thông tư, nghị định liên quan; điều lệ của SAGRI đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2012…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao từ năm 2015 – 2018, Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo và cùng các bị cáo tại SAGRI thực hiện hành vi trái pháp luật để chuyển nhượng toàn bộ dự án trên của SAGRI cho Tổng công ty CP Phong Phú, gây thiệt hại thất thoát đặc biệt lớn cho nhà nước.
Trong đó, trước khi chuyển nhượng vốn, đầu tư vốn của doanh nghiệp nhà nước thì phải tiến hành thẩm định giá, đấu giá, xác định phần vốn góp của SAGRI đã hợp tác đầu tư tại dự án với Tổng công ty CP Phong Phú có từ năm 2018. Phần tài sản của SAGRI đã đầu tư là toàn bộ 100% quyền sử dụng đất đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, có tài sản trên đất đã được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010. Tất cả tài sản tại dự án phải tiến hành thẩm định giá, đấu giá để xác định giá trị toàn bộ dự án, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Từ đó, SAGRI mới có căn cứ để xin phép UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng hay không… Tuy nhiên, các bị cáo không thực hiện thủ tục theo đúng quy định.
Bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo, yêu cầu, tác động các bị cáo tại SAGRI thực hiện các bước hoàn thiện hồ sơ, hợp thức hóa thủ tục liên quan của dự án để Lê Tấn Hùng ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú. Sau khi được chấp thuận, Lê Tấn Hùng đã ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở với số tiền theo thỏa thuận là 168 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 348,7 tỉ đồng.
Buộc phải biết quy định pháp luật
Đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn và các bị cáo tại Văn phòng UBND TP.HCM, sở ngành liên quan trong vụ án, theo HĐXX, tùy từng vị trí công tác của mình, trong phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, khi nhận được hồ sơ của SAGRI về việc xin chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở, là tài sản của nhà nước do UBND TP.HCM chủ sở hữu; biết dự án chưa được chuyển nhượng theo các quy định pháp luật. Thế nhưng, bị cáo Trần Trọng Tuấn yêu cầu cấp dưới tiến hành các bước kiểm tra hồ sơ, tham mưu, tổ chức họp hội đồng thẩm định, xin ý kiến và ký tờ trình kèm dự thảo Quyết định 6077 không đúng theo mẫu, thiếu các mục tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến ký Quyết định 6077 về việc chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án trái quy định, tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng ký kết hợp đồng, chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú.
Xét lời khai của bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn và một số bị cáo cho rằng không cố ý thực hiện hành vi phạm tội, không phải “biết sai mà vẫn làm”, HĐXX xét thấy khi pháp luật ban hành các quy định pháp luật liên quan, các bị cáo có hành vi năng lực dân sự, được tuyển dụng, đào tạo và có kiến thức về lĩnh vực phụ trách, thì buộc phải biết và phải thi hành. Do vậy, lý do các bị cáo nại ra không có căn cứ xem xét.
Đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ
HĐXX nhận định Lê Tấn Hùng là bị cáo chủ mưu và xuyên suốt trong 2 nhóm tội phạm. Các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm, tương ứng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công.
Tuy nhiên, khi lượng hình phạt, HĐXX đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo để có mức hình phạt thấp hơn so với mức mà đại diện Viện KSND TP.HCM (giữ quyền công tố tại phiên tòa) đề nghị. Bởi, hậu quả được ngăn chặn kịp thời, khi tài sản nhà nước được thu hồi; Lê Tấn Hùng và nhóm các bị cáo tội tham ô tài sản đã khắc phục toàn bộ hậu quả hơn 13,3 tỉ đồng tiền tham ô và nộp lại tiền thu lợi bất chính…
Hồng Anh