+
Aa
-
like
comment

Liệu Việt Nam có thể trở thành “cường quốc” trong lĩnh vực này?

Lan Hoa - 25/08/2022 10:17

Mới đây, trang Raconteur của Anh vừa đăng tải bài viết với nhận định Việt Nam đã và đang phát triển, với tiềm lực trở thành cường quốc về công nghệ trong thời gian tới.

Raconteur: Việt Nam đã và đang có tiềm lực trở thành cường quốc về công nghệ.

Kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh

Theo đánh giá, từ thuở sơ khai ban đầu, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã có những tiềm năng to lớn. Điều này được thể hiện qua sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đón nhận của người dân và cuối cùng là đại dịch đã thúc đẩy xu hướng phát triển của lĩnh vực này.

Cho đến nay, Việt Nam đã được so sánh ngang hàng với các đối thủ có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động và khả năng kết nối với Internet. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực (cùng với Indonesia) với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% trong giai đoạn 2015 – 2020.

Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức dương 16% – cao nhất khu vực ASEAN. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số).

Nhận định của Reconteur về tiềm lực trở thành cường quốc về công nghệ Việt Nam.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỷ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2019 luôn ở hai con số với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn là 25,4%, quy mô doanh thu năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều mô hình kinh tế số rất phát triển tại Việt Nam, với nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại thông minh, giúp người sử dụng có thể gọi xe, giao-nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình… Thậm chí, người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 21 tỉ USD.

Ngoài ra, mạng lưới 5G của Việt Nam cũng đang thử nghiệm, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021. Tại Việt Nam, mức giá cước dịch vụ Internet vừa phải, cước dịch vụ Internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đặc biệt, bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 đã phần nào thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn về cả hạ tầng lẫn viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Các giao dịch mua bán hàng hóa online và thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong những đợt dịch bùng phát, từ đó hình thành nên một thói quen mới cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Nỗ lực biến tham vọng thành hiện thực

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược.

Từ năm 2010, Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII năm 2021 của Việt Nam đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu trên, văn kiện đã nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam đến nay đã khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel… Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước – mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980 và gần đây là Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam đến nay đã khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành.

Một thuận lợi khác là hiện nay Việt Nam có khoảng trên 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng một số lượng khá lớn kỹ sư, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, Blockchain và Fintech… Nguồn nhân lực trẻ với những phẩm chất sáng giá như ham học, sáng tạo, kiên trì… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển công nghệ cao trong thời gian tới.

Raconteur nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và có cơ hội lớn để bứt phá vươn lên. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “cường quốc” công nghệ của thế giới.

Lan Hoa (Theo Raconteur)

Bài mới
Đọc nhiều