+
Aa
-
like
comment

Liều “vắc xin” cho doanh nghiệp

Thế Khoa - 09/08/2021 12:20

Trong những ngày căng thẳng và u ám vì dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn thấy loé lên những đốm sáng, những ngọn lửa thắp lên niềm tin. Từ việc chữa trị cho người bệnh, đàm phám mua vắc xin và tốc độ tiêm cho người dân, cho tới các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Thì hôm 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại tiếp tục chuẩn bị “liều vắc xin” giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị.

Dự hội nghị cùng Thủ tướng, còn có 2 Phó Thủ tướng; gần như toàn bộ các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan; cùng với đó là 63 lãnh đạo địa phương và 1.200 doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà hội nghị lần này được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt hết sức quan tâm, tập trung các tư lệnh ngành, địa phương cùng nhau ngồi lại “xắn tay áo” tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bởi thời gian qua, cơn bão dịch bệnh hoành hành khiến một số tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách xã hội. Tuy Chính phủ, Thủ tướng vẫn luôn trên tinh thần duy trì hoạt động của các doanh nghiệp với nhiều chỉ đạo, chính sách thuận lợi để nền kinh tế không bị đứt gãy. Ấy vậy mà, khi xuống các địa phương thì những chính sách đó đã bị sai lệch khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Đơn cử như các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải đau đầu với đủ thứ quy định, giấy phép con mà các địa phương nghĩ ra. Nào là phải có giấy xét nghiệm âm tính để được thông chốt; rồi giấy vận tải (hoặc giấy vận chuyển) đủ các nội dung địa chỉ đi, đến, hành trình vận chuyển và nơi dừng nghỉ dọc đường; hay câu chuyện dở khóc dở cười khi xe chở tả bỉm, băng vệ sinh bị chặn đường buộc phải quay đầu vì “không phải là mặt hàng thiết yếu”…

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, tại buổi làm việc trực tuyến với các đại diện doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: “các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Hàng núi công việc ngổn ngang trước mắt, phải chạy đua nước rút với thời gian để vừa chống dịch vừa giúp các doanh nghiệp tăng “sức đề kháng” vượt qua cơn bão đại dịch. Sau hội nghị này, chắc chắn sẽ tìm ra được loại “vắc xin” phù hợp, những giải pháp thiết thực, chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: “các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Tất nhiên, từ quyết định trong phòng họp tới thực tiễn cuộc sống luôn luôn có những khoảng cách. Nhưng rút ngắn lại khoảng cách này, thậm chí là xoá bỏ hoàn toàn khoảng cách đó, là việc một Chính phủ của dân, do dân và vì dân nhất định sẽ làm được và làm tốt.

Bởi Chính phủ làm tất cả không phải chỉ để chiến thắng dịch bệnh, mà còn để ngay trong khi cuộc chiến chống dịch như chống giặc đang diễn ra quyết liệt, thì “hậu phương“ của trận chiến đó – là hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn được bình an, vẫn được ổn định sản xuất, ổn định đời sống và thu nhập cho hàng chục triệu người lao động.

Hậu phương có vững chắc thì niềm tin vào chiến thắng nơi tiền tuyến càng vững chắc hơn. Thậm chí, hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới có thể dành chiến thắng trọn vẹn trong cuộc chiến không chỉ diễn ra ngày một ngày hai với dịch bệnh Covid-19.

Có thể thấy, Chính phủ đã “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm vì phía trước còn rất nhiều rào cản, khó khăn, thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, thách thức. Và đến lượt mình, cộng đồng doanh nghiệp “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng” như lời Thủ tướng nói, mà hãy cùng cả nước nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều