Liệu Ukraine có đủ sức chống lại ‘gã khổng lồ quân sự’ Nga?
Dù sở hữu lực lượng áp đảo Ukraine về cả số lượng lẫn chất lượng, quân đội Nga chưa chắc nắm phần thắng. Họ có thể đối mặt nhiều rủi ro nếu phát động chiến tranh toàn diện.
Trong cuộc xung đột với Georgia năm 2008, quân đội Nga tiến quân vào nước láng giềng phía nam với những trang bị từ thời Xô viết cùng năng lực hiệp đồng chưa thể so được với ngày nay. Thậm chí, một số máy bay của Nga bị chính quân mình bắn nhầm.
Nhưng chỉ 15 năm sau, quân đội Nga đã khoác lên một bộ mặt rất khác, hiện đại hơn rất nhiều. Lúc này, Điện Kremlin đã xây dựng được sức mạnh quân sự đáng chú ý và trong tình trạng sẵn sàng.
Nga vượt trội về mọi mặt
“Dù nền kinh tế Nga gặp trở ngại và ảnh hưởng toàn cầu tương đối suy giảm, sức mạnh quân sự của Nga thì không, thậm chí còn tăng lên”, Michael Kofman, chuyên gia phân tích quân sự Viện nghiên cứu CNA, Mỹ, nhận định.
Không nơi nào trên thế giới lúc này có thể cảm nhận được sức mạnh quân sự Nga rõ hơn tại Ukraine. Nếu kịch bản đáng ngại nhất thành hiện thực, Kiev sẽ đối mặt cuộc chiến tranh tổng lực do Moscow phát động. Sức mạnh quân sự của Nga thậm chí đã gia tăng đáng kể so với thời điểm Moscow sáp nhập Crimea.
Quân đội Nga hiện có những đơn vị dày dạn kinh nghiệm chiến đấu ở Syria, với trang thiết bị hiện đại, khả năng hiệp đồng tác chiến đã được củng cố, đi kèm năng lực tấn công tầm xa chính xác.
Nga cũng đã tái tổ chức một số đơn vị dành riêng cho cuộc chiến có thể nổ ra ở Ukraine, đồng thời phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại hơn, với sự tham gia của các nhà thầu tư nhân.
Bản thân Ukraine cũng đã củng cố sức mạnh quân sự. Từ năm 2014, Mỹ cam kết 2,75 tỷ USD viện trợ quốc phòng cho Ukraine, giúp Kiev cải tổ quân đội và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Quân đội Mỹ luân chuyển khắp Ukraine, gúp đào tạo cho lực lượng an ninh nước chủ nhà. Đồng thời, cuộc chiến chống lực lượng ly khai ở miền Đông giúp binh sĩ Ukraine có kinh nghiệm thực chiến.
Dẫu vậy, giới phân tích nhận định quân đội Ukraine vẫn bị Nga bỏ xa cả về chất lượng và số lượng trong trường hợp Moscow tấn công toàn diện. Ukraine thua kém trong mọi số liệu thống kê, từ máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa, quân số.
Ukraine hoàn toàn bất lợi về hải quân và không quân. Bởi không sở hữu hệ thống phòng không đủ mạnh, phần lớn sức mạnh quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine có thể bị xóa sổ ngay trong đợt tấn công phủ đầu bằng không quân và tên lửa của Nga.
Lúc này, Nga triển khai tên lửa đạn đạo Iskander tới biên giới Ukraine. Vũ khí này có thể mang tới đòn tấn công phủ đầu mạnh trước khi bộ binh Nga vượt qua biên giới.
“Ukraine sẽ phải dùng những hệ thống phòng không cũ kỹ, vốn là miếng mồi ngon cho chiến tranh điện tử. Nga có thể kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine và làm bất cứ điều gì Moscow muốn”, Kirill Mikhailov, chuyên gia quân sự của Conflict Inteligence Team, nhận định.
Những năm qua, quân đội Ukraine đã trưởng thành trong cuộc chiến tranh chiến hào chống lại lực lượng ly khai ở Donbass. Nhưng Ukraine sẽ phải cơ động nhanh chóng quân đội ở quy mô lớn hơn nhiều nếu Nga tấn công.
Tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận định quân đội Ukraine có thể theo kịp Nga trên mặt đất, nhưng hoàn toàn thất thế về chiến tranh trên không, trên biển hay hỏa lực tầm xa.
Quân đội Nga giờ cũng đã chuyên nghiệp hơn nhiều so với năm 2014. Năm 2019, Nga thông qua luật cấm quân nhân sử dụng điện thoại thông minh hay đăng bài trên mạng xã hội.
“Năm 2014, chúng ta có thể lần ra dấu vết gần như mọi đơn vị bởi một số binh sĩ trẻ gửi ảnh cho bạn gái, khoe khoang là họ đang vượt qua biên giới. Điều này gần như đã biến mất trong vài tháng qua”, ông Hodges nói.
Kế hoạch ấp ủ từ lâu
Không lâu sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga bắt đầu cải tổ lực lượng.
Một số đơn vị đã được thành lập mới, trong đó có Quân đoàn Vệ binh Liên hợp số 8, đại bản doanh ở Novocherkassk, chỉ cách biên giới Ukraine một giờ lái xe.
Trong quá khứ, Quân đoàn 8 từng tham gia chiến dịch Stalingrad, đẩy lui quân đội Quốc xã khỏi Ukraine và Ba Lan trong Thế chiến 2, sau đó trực tiếp đối đầu lực lượng NATO ở Đức suốt Chiến tranh Lạnh. Quân đoàn 8 giải thể cuối thập niên 1990.
Năm 2017, Tổng thống Putin tái lập Quân đoàn 8, mang ý nghĩa đầy tính biểu tượng trong bối cảnh Điện Kremlin cáo buộc chính quyền Kiev là phát xít.
Theo giới chức Ukraine, Quân đoàn 8 giám sát lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk. Chỉ huy Quân đoàn 8 đã vượt qua biên giới vào Ukraine năm ngoái để tiến hành một số hoạt động cùng quân ly khai.
Quân đoàn 8 với khoảng 18.500 binh sĩ có thể được sử dụng để đánh lui quân đội Ukraine khỏi vùng lãnh thổ mà lực lượng ly khai đang tạm chiếm, hoặc giúp Nga chiếm giữ những thành phố ven Biển Azov.
Nga cũng hồi sinh Quân đoàn Xe tăng số 1, một đơn vị trứ danh từ thời Liên Xô. Quân đoàn Xe tăng số 1 được trang bị những vũ khí hiện đại nhất, duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất. Vài tháng qua, đơn vị này đã di chuyển tới ngoại vi thành phố Voronezh, gần biên giới Ukraine.
Các chuyên gia nhận định công tác hậu cần trong đợt chuyển quân rầm rộ lần này cũng cho thấy những khả năng mới của quân đội Nga.
“Năm 2014, Nga tuyệt đối không có khả năng huy động nhiều đơn vị liên hợp từ khu vực miền Trung và miền Đông, đi dọc khắp đất nước để đến Belarus hay biên giới Ukraine. Nga chắc hẳn đã phải tập dượt trong nhiều năm”, Fred Kagan, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách American Enterprise Institute, nhận định.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cũng được Moscow sử dụng làm thao trường thử nghiệm các loại vũ khí, đặc biệt là không quân và tên lửa.
Quân đội Nga có truyền thống là đội quân đánh bộ luân chuyển hậu cần bằng tàu hỏa. Nhưng trong chiến dịch can thiệp ở Syria, Nga đã thử nghiệm khả năng tác chiến của không quân, cũng như hiệp đồng với lực lượng mặt đất.
“Mọi vũ khí có thể bay được đều được Nga thử nghiệm tại Syria. Một phần bởi Syria là thao trường phù hợp, một phần là nhằm phục vụ mục đích sâu xa, dài hạn hơn”, ông Kagan nói.
Ẩn số của cuộc chiến
Dù quân đội Nga đã hiện đại hóa đáng kể, vẫn còn đó những câu hỏi về thách thức không thể lường trước nếu Nga tấn công Ukraine.
Thực tế, chính Nga cũng có một số tính toán sai lầm trong căng thẳng với Ukraine năm 2014.
Quân đội Nga hiện vẫn có khoảng 30% là lính nghĩa vụ, trái ngược với số quân nhân hợp đồng. Ông Mikhailov, chuyên gia quốc phòng của Conflict Intelligence Team, cho rằng chính phủ Nga chưa chắc đã sẵn sàng đẩy số quân nghĩa vụ này vào chiến tranh do lo ngại sự phản đối trong nước.
Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, nhận định dù đang điều động khoảng 127.000 quân, con số này vẫn là quá nhỏ bởi Nga sẽ cần 1 triệu quân nếu muốn phát động chiến tranh toàn diện với Ukraine.
Trong khi đó, tướng Hodges cho rằng chiến tranh toàn diện với Ukraine đòi hỏi nguồn hậu cần nhiên liệu, đạn dược khổng lồ, đồng thời Nga sẽ đối mặt nguy cơ chiến tranh du kích, nổi dậy từ đa phần người dân nước láng giềng.
Và bất chấp sự vượt trội về hỏa lực hay công nghệ, Nga sẽ còn đối mặt những bất trắc khác vốn luôn tiềm ẩn trong mọi cuộc chiến tranh. Lịch sử có vô số ví dụ khi đội quân mạnh hơn sa lầy trước đối thủ nhỏ yếu bởi những giả định sa lầm và mục tiêu chính trị xa vời.
“Ukraine bị vượt trội hoàn toàn, nhưng có đủ những yếu tố không ngờ tới có thể đẩy cuộc chiến mà Nga phát động vào thảm họa”, Mason Clark, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ, nhận định.
Duy Anh