Liệu Trung Quốc có mạo hiểm làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Nga-Ukraine?
EU hy vọng Trung Quốc sẽ đứng ra hòa giải Nga-Ukraine. Đã hơn hai tuần kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra làm thay đổi mạnh mẽ cục diện địa chính trị châu Âu và ảnh hưởng đến tình hình Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Liệu ông Tập Cận Bình có sẵn sàng đứng ra hòa giải cho cuộc chiến Nga-Ukraine? Trang Deutsche Welle đã phỏng vấn 5 chuyên gia từ Trung Quốc, Nga và châu Âu để phân tích những lo ngại và tính toán của Bắc Kinh vốn thân thiết với Moscow nhưng luôn tỏ ra mập mờ trước cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Cách đây vài ngày, Josep Borrell, người đứng đầu các vấn đề an ninh và đối ngoại của EU, đã kêu lên rằng cả Châu Âu và Mỹ đều không thể trở thành người trung gian kiến tạo hòa bình trong cuộc chiến Nga-Ukraine, “vai trò này chỉ có thể là Trung Quốc”. Hôm Thứ Ba (8/3), Đức, Pháp và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo để thảo luận về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tại cuộc gặp lãnh đạo ba nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tiếp tục đối thoại và đàm phán, “duy trì sự kiềm chế tối đa”, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga “không lợi cho tất cả các bên”. Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc “mong muốn duy trì liên lạc và phối hợp với Pháp, Đức và EU, đồng thời phát huy tác dụng tích cực với cộng đồng quốc tế theo nhu cầu của tất cả các bên liên quan.”
Nhưng liệu Bắc Kinh có hành động cụ thể và đóng vai trò trung gian hòa giải? Deutsche Welle đã phỏng vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Trung Quốc, Nga và nhiều nơi khác. Họ đều cho rằng khả năng Trung Quốc đứng ra là không cao.
Các chuyên gia: Bắc Kinh ít có khả năng đứng ra trung gian
Danil Bochikov, một học giả tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Nga, cho rằng “Trung Quốc sẽ không muốn can dự vào cuộc xung đột này với tư cách là người hòa giải vì điều đó chắc chắn sẽ đẩy Bắc Kinh đến gần cuộc khủng hoảng”. Ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc, cũng cho rằng: “Mặc dù Trung Quốc không hài lòng với cách hành xử của ông Putin đối với Ukraine, nhưng nói về tổng thể, Trung Quốc cần dựa vào quan hệ đối tác quân sự chiến lược với Nga”. “Thật khó để tin rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng, hoặc có thể đóng vai trò kiềm chế Putin.”
Andrew Small, một thành viên cấp cao về xuyên Đại Tây Dương tại Chương trình Châu Á thuộc Tổ chức tư vấn Quỹ Marshall của Đức ở Washington, đồng ý với lập luận cho rằng Bắc Kinh “ngoài những biểu đạt chung chung về khát vọng hòa bình, sẽ không muốn can dự trực tiếp vào những chuyện người Nga muốn làm.”
“Nhìn theo cách khác, nếu Trung Quốc có hành động ở các khu vực xung quanh, thì Trung Quốc sẽ trông đợi điều gì từ Nga? Tất nhiên họ không muốn Putin cùng họ thực hiện một nỗ lực hòa giải thực sự”, Andrew Small cho rằng, dưới áp lực quốc tế – đặc biệt là của châu Âu – Trung Quốc có thể sẵn sàng đảm nhận “vai trò hòa giải giả vờ”, nhưng chỉ giới hạn ở những nhiệm vụ như kiểu giúp bắc cầu, chuyển lời mà thôi.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Sari Arho Havren, một nhà nghiên cứu chính sách về Trung Quốc của EU tại Mercator Institute for China Studies (Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator) ở Đức, nói rằng bà nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ thực sự can dự vào việc hòa giải, “bởi vì Putin không quan tâm đến thỏa hiệp, (hòa giải), xuất phát điểm sẽ rất khắc nghiệt đối với Bắc Kinh”.
Bà Didi Kirsten Tatlow, một chuyên gia về Trung Quốc tại Chương trình Châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nói: “Hy vọng ông Tập Cận Bình là một nhà hòa giải trung lập, thậm chí hiệu quả; tôi nghĩ đó là sai lầm”. Nhưng bà nói thêm: “Nếu Trung Quốc cho rằng họ có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát đối với châu Âu, thì họ có thể đồng ý đứng ra. Nhưng đối với châu Âu, đây không phải là một ý tưởng tốt về mặt chiến lược”.
Thử thách cho mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga
Đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine, các bài phát biểu của Trung Quốc luôn được cẩn trọng, nhắc lại lập trường chính thức mập mờ nước đôi của họ.
Học giả Bochkov của Nga cho rằng lập trường của Trung Quốc về cơ bản vẫn tiếp tục giọng điệu trong tuyên bố chung Trung-Nga vào tháng 2 năm nay. “Nga và Trung Quốc đều cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là do Mỹ và NATO gây nên. Do đó, quan điểm của Trung Quốc là ngầm ủng hộ Nga và không có gì không nhất trí.”
Sau khi ông Tập Cận Bình và ông Putin gặp nhau vào tháng 2 năm nay, hai bên đã cùng ra tuyên bố chung tái khẳng định lợi ích chung và mục tiêu chiến lược của hai nước. Cách đây vài ngày, ông Vương Nghị cũng nói rằng bất kể thế giới có những thay đổi ngắn hạn nào xảy ra, Trung Quốc cũng sẽ không bị phân tâm khỏi các ưu tiên và mục tiêu chiến lược dài hạn của mình.
Về vấn đề này, Kirsten Tatlow giải thích rằng Trung Quốc và Nga có mục tiêu chiến lược chung là “đánh bại các quốc gia dân chủ và thiết lập một trật tự mới”. Bà nói: “Bắc Kinh không phải là một bên trung lập trong tình huống này và Trung Quốc kiên quyết đứng về phía Nga. Bà nói, ông Tập Cận Bình quả thực cho rằng hiện nay ông ta có cơ hội thay đổi trật tự thế giới và cùng ông Putin xác lập cái gọi là thời đại mới.
Trung Quốc và Nga cùng hướng tới những mục tiêu chiến lược chung, nhưng vẫn còn nhiều khuất tất đằng sau mối quan hệ thân thiết giữa hai nước. Andrew Small chỉ ra rằng trước đây, việc Trung Quốc sẵn sàng nhận vai trò trung gian và phát huy vai trò quan trọng hơn đối với các nước kiểu “anh em nhỏ”. Với những nước này, rõ ràng là họ (Trung Quốc) đang phát hiệu lệnh”, nhưng đối với Nga thì lại khác.
Sari Arho Havren cũng nói, bà không nghĩ Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền “anh cả” của mình để gây sức ép lên Nga, đối tác “không có mức trần”, vì điều này sẽ phá vỡ quan hệ đối tác của họ với Nga.
Bắc Kinh sẽ làm gì tiếp theo?
Nhiều chuyên gia cho rằng, về cơ bản Bắc Kinh sẽ cân nhắc lợi ích lâu dài của chính mình, duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Nga, nhưng lại giữ khoảng cách an toàn nhất định.
“Hiện nay các bên đều đang xem xét kỹ lưỡng mọi động thái của Trung Quốc”, Bochikov nói – “Đối với Trung Quốc, lựa chọn tốt nhất và hợp lý nhất là duy trì quan hệ hữu nghị với Nga, đồng thời duy trì quan hệ kinh tế mạnh mẽ với phương Tây – Những điều này chỉ có thể thực hiện được nếu họ cách xa với thảm họa đang diễn ra (tức cuộc khủng hoảng Ukraine).”
Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục đưa ra những biểu hiện quanh co về vấn đề Ukraine, đồng thời, áp lực quốc tế và các biện pháp trừng phạt mà Nga phải đối mặt cũng mang đến cho Tập Cận Bình nguồn cảm hứng ngoài dự kiến.
Andrew Small cho biết ngay từ đầu, Trung Quốc đã muốn có một đối tác mạnh là Nga. “Họ muốn Nga xuất hiện với tư thế mạnh mẽ và họ muốn mối quan hệ đối tác mới, không hạn chế với một đối tác rất có năng lực. Họ có thể hợp tác chặt chẽ về năng lượng, công nghệ, quân sự, ngoại giao và mọi thứ”. Nhưng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Nga đã bị giáng đòn nặng, địa vị kinh tế bị yếu đi, những biến đổi khiến Nga đã không còn là nước Nga đối tác đầy năng lực như khi nước này ký tuyên bố chung với Trung Quốc vào đầu tháng Hai.
Tiến sĩ Sari Arho Havren nói: “Bắc Kinh luôn hy vọng cuộc chiến sẽ tự giải quyết được, không cần họ bị cuốn vào. Họ sẽ tiếp tục nói chuyện nhưng sẽ tránh mọi cách có thể bị Nga và các nước phương Tây hiểu nhầm để tránh bị trừng phạt thứ cấp”. Bà cũng nói thêm rằng tình hình kinh tế của Nga ngày càng xấu đi do các lệnh trừng phạt cũng mang lại cho Bắc Kinh những cơ hội mới”, chẳng hạn như: đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng và nguyên liệu trong tương lai, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào phương Tây, tăng cường tự cấp tự túc trong nước.”
Minh Ngọc