+
Aa
-
like
comment

Công chúa Huawei được tự do, “tình bạn” giữa Trung Quốc – Mỹ và Canada có được hàn gắn?

Huy Hoàng - 13/12/2022 16:25

Sau khi Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu vào năm ngoái, thì hôm 1/12 mới đây, các công tố viên Mỹ cũng yêu cầu thẩm phán bác bỏ cáo buộc cũng như các tội danh khác đối với Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei. Liệu sự kiện vừa qua có giúp hàn gắn mối quan hệ song phương giữa Trung – Mỹ, Trung – Canada đang trên bờ vực thẳm?

Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada vẫn căng thẳng kể từ vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Meng Wenzhou và các doanh nhân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor vào năm 2018

Bà Mạnh Vãn Chu vốn là con gái nhà sáng lập huyền thoại của tập đoàn Huawei. Bà là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc, có kinh nghiệm công tác tại nhiều nơi trên thế giới, do đó bà Mạnh là niềm tự hào không chỉ của người dân Trung Quốc mà còn là của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cũng vì vậy việc bà từng bị bắt giữ vào năm 2018 với nhiều cáo buộc không bằng chứng đã gây ra sự giận dữ rất lớn trong dư luận nước này.

Mặc dù bà Mạnh đã được trả tự do vào năm ngoái thế nhưng, đứng ở cương vị một người như bà, việc Mỹ cáo buộc những tội danh vô căn cứ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt, từ thanh danh của bà Mạnh cho đến các mối quan hệ làm ăn của bà ở nước ngoài. Đó là những tổn thất vô hình và không thể đong đếm được. Do đó, sự kiện các công tố viên Mỹ và Thẩm phán Mỹ khép lại vụ án của bà vừa qua có thể xem là đã gỡ rối phần nào căng thẳng giữa hai nước.

Bà Mạnh Vãn Chu khi đáp xuống sân bay Bảo An Thâm Quyến ngày 26/9/2021.

Hôm 2/12, Thẩm phán liên bang Mỹ Ann Donnelly đã chính thức bác bỏ cáo buộc gian lận tài chính nhằm vào bà Mạnh Vãn Chu. Động thái của thẩm phán Donnelly sẽ giúp khép lại vụ án liên quan bà Mạnh và khiến trường hợp này không bị đưa ra trước tòa nữa. Trong một bức thư gửi lên Thẩm phán Ann Donnelly ngày 1/11, công tố viên Brooklyn, bà Carolyn Pokorny cũng nêu rõ vì không có thông tin bà Mạnh vi phạm thỏa thuận, “Chính phủ Mỹ hủy bỏ cáo trạng thứ ba trong các vụ kiện này cho bị cáo Mạnh Vãn Châu”.

Mặc dù hiềm nghi đã được giải tỏa, thế nhưng những thiệt hại chung đối với đất nước tỷ dân vẫn là không thể đảo ngược. Trong đó gần thì có Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Tâm lý lo sợ đối với Huawei đã dâng cao kể từ sau khi Mỹ cáo buộc tập đoàn này là tai mắt của Chính phủ Trung Quốc. Những cáo buộc đó làm các nước e ngại khi đặt bút ký hợp đồng với Huawei. Các sản phẩm của Huawei cũng bị tẩy chay trên toàn cầu kể cả ở những quốc gia không ban hành những lệnh cấm khắt khe.

Mỹ cũng chịu từ bỏ dẫn độ giám đốc điều hành cấp cao của Huawei. Nhưng như thế vẫn đủ để xoay chuyển tình thế trong đối đầu ngoại giao Mỹ-Trung.

Cho đến nay, Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc tập đoàn này là do thám cho chính phủ và quân đội Trung Quốc, cho rằng Mỹ muốn cản trở họ tăng trưởng vì không công ty nào của nước này cung cấp công nghệ tương tự với mức giá cạnh tranh. Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ tấn công vào Huawei với lý do chính trị nhằm làm tổn hại sức mạnh kinh tế của nước này. Tuy nhiên, tới nay, những cáo buộc nhằm vào Huawei vẫn đang trong diện chờ xét xử tại Tòa án quận Mỹ tại Brooklyn, New York. Ngày xét xử vẫn chưa được ấn định.

Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei – bà Mạnh Vãn Chu

Không chỉ riêng cá nhân tập đoàn kể trên, mà những vụ bắt bớ còn gây một hệ quả khác lên kinh tế Trung Quốc, đó là các Startup Trung Quốc giờ đây đang có xu hướng tách mình ra khỏi quốc gia. Để tránh những phản ứng bất lợi của các chính trị gia cũng như dư luận quốc tế, các nhà khởi nghiệp ở Trung Quốc đã chuyển hẳn trụ sở chính ra khỏi Trung Quốc hoặc thành lập một đơn vị riêng biệt ở các quốc gia như Singapore. Một số tự đổi tên và bỏ luôn phần tham chiếu đến nguồn gốc Trung Quốc của họ hoặc phát triển các sản phẩm riêng biệt cho hai thị trường là Trung Quốc và quốc tế.

Ông Yifan He, người sáng lập và giám đốc điều hành của Red Date Technology, đã chuyển trụ sở chính của công ty đến Hồng Kông, một đặc khu hành chính của Trung Quốc với hệ thống tài chính và tư pháp riêng, trong khi vẫn duy trì đội ngũ kỹ sư của mình ở Bắc Kinh. Ông Yifan He nói: “Mọi người không tin tưởng các công ty Trung Quốc. Chúng tôi phải mất gấp đôi hoặc gấp ba lần thời gian để thuyết phục họ rằng chúng tôi đang làm thật, rằng chúng tôi không phải là đại lý cho chính phủ Trung Quốc”.

Chưa thể biết được xu hướng đang diễn ra này có khiến đất nước tỷ dân chảy máu chất xám không. Tuy nhiên, nếu có, nó sẽ trở thành một vết thương hở trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều