+
Aa
-
like
comment

Liệu ông Nguyễn Đức Chung còn ‘cửa’ để được giảm án tù?

14/12/2021 08:44

Nếu như ông Chung muốn được giảm án thì có thể nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, được xem là tình tiết mới để cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung

Chiều 13/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 8 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

HĐXX buộc cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải bồi thường 25 tỷ đồng, xác nhận gia đình bị cáo đã nộp 10 tỷ đồng. Khấu trừ số tiền gia đình bị cáo tự nguyện khắc phục, ông Nguyễn Đức Chung còn phải nộp 15 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự cho hay, việc gia đình cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ động nộp 10 tỷ đồng để khấu trừ trong trường hợp bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xem là tình tiết tại điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Trong bản án tuyên đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, HĐXX cũng đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, x, v, khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Cơ sở để bị cáo được giảm án

Trả lời câu hỏi, trường hợp ông Nguyễn Đức Chung kháng cáo và tiếp tục nộp tiền bồi thường thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ để xem xét giảm hình phạt?, luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:

Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới, HĐXX cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt cho bị cáo; giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

'Cửa' nào cho ông Nguyễn Đức Chung được giảm án tù?
Luật sư Đặng Hoài Vũ

Như vậy, có thể thấy, để bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm hình phạt thì một là phải có “căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo”; hai là “có tình tiết mới”.

Xét trong trường hợp này, bản án cấp sơ thẩm tuyên ông Nguyễn Đức Chung phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 356 với khung hình phạt từ 10 15 năm tù.

Tuy nhiên, HĐXX đã cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là 8 năm. Vì vậy, có thể đánh giá, cấp sơ thẩm đã tuyên án phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo.

Và để cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì phải có tình tiết mới, xét trên phương diện nhân thân bị cáo. Cụ thể là xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51.

Luật sư cho rằng, trước khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã chủ động nộp tiền bồi thường nên đã được tòa chấp nhận áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trường hợp ông Nguyễn Đức Chung kháng cáo và gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, đây được xem là tình tiết mới để cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Ngày 11/12, tại phiên tòa xét xử vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, người bào chữa cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, nhằm bảo lãnh cho trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị HĐXX tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án.

Sau khi luật sư của ông Nguyễn Đức Chung công bố việc gia đình bị cáo nộp 10 tỷ đồng, đại diện VKS thay đổi đề nghị đối với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Đại diện VKS đề nghị lại mức án đối với ông Chung từ 10-12 năm tù thành 8-10 năm tù.

Vì sao ông Chung được tuyên dưới mức thấp nhất khung hình phạt?

Như vậy, đây là vụ án thứ 2 ông Nguyễn Đức Chung được tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo truy tố.

Trước đó, ông Chung bị truy tố với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 10-15 năm tù. Tháng 12/2020, tại tòa sơ thẩm, ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ của ông Chung, HĐXX đã đưa khung hình phạt xuống khoản 2, tuyên ở mức thấp nhất của khung hình phạt này là 5 năm tù.

Tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C, HĐXX đã căn cứ tính chất, mức độ hậu quả hành vi, vai trò, thái độ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, từ đó áp dụng Điều 54 BLHS để áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với tất cả các bị cáo.

Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng đều khai nhận những hành vi đã thực hiện nhưng các bị cáo đều cho rằng có thể có những sai sót và nhận thức là không làm sai. Vì vậy, HĐXX đánh giá bị cáo Giang và Hùng đã thành khẩn và có thái độ ăn năn, là các tính tiết giảm nhẹ được áp dụng theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS.

HĐXX cũng đánh giá cao thái độ và nhận thức tích cực của bị cáo Giang và Hùng trong quá trình điều tra, nhất là sự hợp tác của hai bị cáo này với cơ quan điều tra nhằm làm sáng tỏ vụ án và ghi nhận làm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo theo quy định tại điểm t, khoản 1, Điều 51 BLHS.

Quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Đức Chung đã tự nguyện nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả cho các bị cáo nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS.

Về nhân thân, ông Chung từng bị xử phạt 5 năm tù đối với hành vi phạm tội xảy ra sau khi thực hiện các hành vi trong vụ án này nên không coi đó là tiền án, tiền sự nhưng cần tổng hợp, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung các bản án theo quy định.

HĐXX đánh giá, các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu. Quá trình công tác, bị cáo Chung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, sự phát triển về kinh tế xã hội chung của thành phố.

Bị cáo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có thân nhân trong gia đình là người có công với cách mạng, có tiền sử bị bệnh hiểm nghèo.

Bị cáo Võ Tiến Hùng cũng đạt nhiều thành tích, sáng chế trong quá trình công tác, có thân nhân trong gia đình có nhiều cống hiến và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Bị cáo Nguyễn Trường Giang có bố mẹ đẻ từng tham gia cách mạng, có nhiều cống hiến trong ngành giáo dục và được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Đây là những tình tiết được HĐXX xem xét, đánh giá là các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm v, điểm x, khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS để quyết định khi cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo.

Các bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang là những người phạm tội với vai trò giúp sức, làm theo chỉ đạo. Bị cáo Hùng còn phạm tội trong vai trò là người đứng đầu, cấp dưới chịu sự điều hành, chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi nên áp dụng hình phạt thấp hơn bị cáo Chung.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều