Làn sóng trỗi dậy của “Made in Vietnam” có khiến Trung Quốc hoảng loạn?

Mới đây, trang Straits Times vừa đăng tải bài viết với nhận định “Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn so với Trung Quốc”. Đặc biệt, những mặt hàng “made in Vietnam” đã và đang khiến thế giới tin dùng hơn cả đã giúp ngành sản xuất Việt Nam bước lên tầm cao, khiến Trung Quốc phải e dè.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm giống như một mô hình thu nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc, vì hai quốc gia giống nhau về các giai đoạn phát triển và cách thức chuyển đổi cơ cấu. Tuy nhiên do có nhiều lợi thế, Trung Quốc đã đi nhanh hơn Việt Nam, cơ bản đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt đến đỉnh cao của sản xuất và xuất khẩu. Giai đoạn trước năm 2015, khi nhắc đến Việt Nam, các chuyển gia chỉ miêu tả Việt Nam giống như “quá khứ” của Trung Quốc hay “tham chiếu’’ cho Trung Quốc.

Nhưng thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc cạnh tranh kinh tế căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc dường như đã dần cảm nhận sức mạnh của người bạn láng giềng cùng đồng hành với mình. Bởi cơn đau đầu do hoài nghi ‘Việt Nam giành danh hiệu công xưởng thế giới” chưa dứt, Trung Quốc lại đang lo sợ trước sự phục hồi và bứt tốc mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Straits Times, nỗi lo sợ của Trung Quốc xuất hiện sau khi Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố số liệu quý II/2022. Số liệu mới cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 5,03% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua Trung Quốc với mức tăng chỉ đạt 4,8%. Ngoài ra, nguồn thu từ hoạt động thương mại nước ngoài của Việt Nam đã đạt mức 176,35 tỷ USD trong quý II, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động ngoại thương trong quý II/2022 của Trung Quốc chỉ tăng 10,7% tính theo đồng nhân dân tệ.

Chưa kể, các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đang mạnh dạn rút tiền ra khỏi Trung Quốc và rót tiền vào thị trường Việt Nam. Với hàng loạt các lợi thế rõ ràng như: giá thuê đất và nhà xưởng phải chăng, nguồn nhân công dồi dào, cùng các chi phí quản lý và vận hành hợp lý, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng, mở rộng xưởng sản xuất.

Đơn cử, từ năm 2019 đến 2021, tập đoàn Apple đã giảm số lượng nhà máy sản xuất của mình ở Trung Quốc đại lục từ 48% xuống 42%. Phần lớn các nhà máy bị cắt giảm này đã được chuyển sang Việt Nam. Hay theo thông tin từ trang AJU Business Daily của Hàn Quốc, công ty LG Display thuộc tập đoàn LG dự kiến sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư từ các ngân hàng trong và ngoài nước để mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy của họ ở Việt Nam.

Với cơ cấu dân số đang ở tỷ lệ “vàng”, Việt Nam hoàn toàn phù hợp với việc phát triển các ngành công nghiệp sản xuất. Đồng thời, với việc xuất hiện của nhiều tập đoàn, công ty sản xuất lớn và sự quan tâm đầu tư dành cho các cơ sở dạy nghề, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn lao động sản xuất (kỹ sư, công nhân) tốt nhất trong khối các nước đang phát triển.

Đặc biệt, về các điểm đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên mức độ thuận lợi kinh doanh, chất lượng hậu cần, chi phí tiền lương, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như những thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu và FDI, Việt Nam được đánh giá là nước có khả năng cạnh tranh cao nhất trong khu vực. Điều này giúp gia tăng thị phần xuất khẩu ấn tượng trong những năm gần đây.

Ngoài ra, việc Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, nền kinh tế lớn khác nhau trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Anh (UKVFTA), Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…qua đó đã tạo môi trường thuận lợi để quan hệ thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, trong khu vực, Việt Nam luôn được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế, được thúc đẩy nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của phát triển sản xuất và tiềm năng xuất khẩu. Như theo đánh giá của AXA Investment Managers Asia, việc Việt Nam hội nhập thành công trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là “chìa khóa” để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.

Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh và bền vững nhất trên thế giới. Tương tự, trong báo cáo mới nhất với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng”, Ngân hàng HSBC cũng nhận định, với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, đến nay Việt Nam đã dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trên thế giới trong cả ngành hàng công nghệ và linh kiện điện tử.

Bảy tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể đã kéo tiêu dùng và sản xuất công nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của Việt Nam lại đang sôi nổi trở lại, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tốc độ nhanh chóng. Theo các chuyên gia, mặc dù chung một định hướng và phương thức phát triển kinh tế, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng “Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn so với Trung Quốc”.

Lan Hoa