+
Aa
-
like
comment

Liệu Hà Giang có lặp lại sai lầm của Sa Pa?

16/10/2019 17:15

“Họ không thể hiện được chính kiến, quan điểm riêng của mình mà chỉ để thỏa mãn cái cảm xúc nhất thời, vô tình tiếp tay cho sai phạm”.

Đó là ý kiến của một chuyên gia liên quan đến việc nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama thu hút được khá đông khách, nhất là giới trẻ đến chụp hình, tham quan trước khi các cơ quan liên ngành của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã trực tiếp tới công trình 7 tầng của Panoramo tại Mã Pì Lèng để kiểm tra và yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh mới đây.

Nhiều ý kiến cho rằng "check in" ở một công trình "3 không" như Mã Pì Lèng Panorama là tiếp tay cho sai phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng “check in” ở một công trình “3 không” như Mã Pì Lèng Panorama là tiếp tay cho sai phạm.

Những sai phạm.

Thực tế những ai đã qua Mã Pì Lèng mới có thể cảm nhận hết cả sự hùng vĩ và rợn gáy của hẻm vực sâu gần ngàn mét. Để hướng tới sự an toàn cho du khách, nhiều năm trước điểm dừng chân và đặt bia tưởng nhớ công lao của các thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc đã được xây dựng ở điểm cao nhất con đường qua Mã Pì Lèng.

Đèo Mã Pì Lèng không chỉ là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia mà còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Chiếu theo Luật Di sản, nghiêm cấm tất cả các hoạt động chiếm đoạt, làm sai lệch di sản, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích danh lam thắng cảnh.

Khu vực đèo Mã Pì Lèng không cho phép xây dựng mà chủ yếu khai thác cảnh quan, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái. Hơn nữa, chuyện nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama không đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn xây 7 tầng như lưỡi giáo đâm toạc thiên nhiên, đa phần ý kiến dư luận đều lên tiếng phản đối cũng là lẽ đương nhiên.

Việc bảo vệ công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn chắc chắn rất khó vì nó vừa là một di sản thiên nhiên cần được bảo vệ nhưng đồng thời là môi trường sống của người dân, nơi người dân thực hiện các sinh kế của mình. Cộng đồng có thể hỗ trợ, nhưng cộng đồng cũng có thể vì những mối lợi rất nhỏ mà xâm phạm tới di sản.

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch ở các vùng đất di sản, TS.Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: “Bên cạnh những công trình du lịch hào nhoáng có khi là cuộc sống rất khó khăn của người dân bản địa, khi không gian sinh kế bị thu hẹp, không gian văn hóa bị phá vỡ. Vì vậy, mọi quyết định phê duyệt dự án du lịch đều phải được tính toán kỹ càng trên cơ sở soi chiếu tới lợi ích của cộng đồng, và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật”.

Với một di sản như vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải kêu gọi được cộng đồng chung tay hỗ trợ bảo vệ di sản. Lẽ ra các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kêu gọi người dân, cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ di sản, thay vì để những công trình “3 không” như Mã Pì Lèng Panorama mọc lên.

Nên giữ lại hay xóa sổ?

Công trình “3 không” bị phanh phui, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang. Vì các cơ quan quản lý tỉnh Hà Giang không ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, để các cơ quan báo chí, mạng xã hội lên tiếng mới vào cuộc xử lý. Và khi xảy ra sự cố rồi không có thông tin tuyền truyền, cảnh báo, ngăn cấm người dân đến nhà hàng sử dụng dịch vụ vì có thể gây ra mất an toàn, làm xấu đi hình ảnh địa phương.

Cũng cần nhìn thẳng rằng, 1 cái nhà hàng đó tạo được bao công ăn việc làm cho bà con người dân tộc hay chỉ làm giàu cho chủ quán đó? Cái thu hút ở Mã Pì Lèng chính là cảnh quan hoang sơ hùng vĩ của đồi, núi vực thẳm. Nên, đừng so sánh Mã Pì Lèng với Fansipan hay Yên Tử, Bà Nà Hill… bởi cảnh quan mỗi địa phương khác hẳn nhau.

Chưa kể giờ là một cái Panorama sau này rồi sẽ có rất nhiều “Panorama phẩy” mọc lên phá vỡ sự hoang sơ hùng vĩ của đèo, thì còn ai muốn đến nữa, chưa kể hàng quán kéo theo rác thải, nước thải thi nhau đổ hết xuống bên dưới vực và vào thẳng dòng sông Nho Quế- những hệ lụy này dường như ai cũng có thể thấy trước được.

Ấy thế mà, vẫn có những ý kiến biện minh cho việc giữ lại và xây dựng thêm những điểm dừng chân tương tự như vậy. Đèo Mã Pì Lèng với địa hình đồi dốc quanh co như vậy ở nhiều quốc gia họ làm những trạm dừng chân để có sự cố khách có thể nghỉ lại và đồng thời còn có những đoạn đường cứu nạn.

“Đã đến lúc cần làm quy hoạch không chỉ cho đèo Mã Pì Lèng mà làm quy hoạch với cả tuyến đường Hạnh Phúc để con đường không chỉ nối các vùng miền biên viễn mà còn giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người. Đấy là phát triển bền vững” – một kỹ sư xây dựng công trình nói.

Cũng theo vị kỹ sư này, lúc này cần có cái nhìn rất bình tĩnh, đánh giá đúng mức. Không nên đẩy những vấn đề cho một chủ đầu tư mà các cơ quan chức năng Hà Giang, giới kiến trúc sư cần vào cuộc. Có nhiều phương án kiến trúc tạo điểm nhìn hài hoà với cảnh quan du lịch. Có thể cải tạo lại mặt đứng công trình cho thân thiện với môi trường đặc biệt phải đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho người sử dụng.

Thậm chí, để tuyên truyền cho việc giữ lại nhà hàng sai phép này, người ta không ngần ngại tung chiêu “khỏa thân”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc khỏa thân ở Mã Pì Lèng và lên tiếng xin lỗi mọi người chỉ là chiêu trò, đã được lên kế hoạch từ trước nhằm đánh bóng tên tuổi và phục vụ cho lợi ích cá nhân chứ không có chuyện “bảo vệ môi trường”, nói thẳng ra đó là “truyền thông bẩn” mà người ta cố tình tạo ra.

Kỳ quặc thêm ở chỗ, việc nhiều người tìm đến nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama trong bối cảnh nơi đây  là công trình sai phép, không đúng quy định pháp luật, đang bị lên án mạnh mẽ cho thấy một bộ phận đang có tư tưởng “adua”, hùa theo một đám đông cụ thể để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình. Điều đó không những không góp thêm được gì cho sự phát triển của địa phương, mà còn vô tình “tiếp tay” cho sai phạm và cơ quan chức năng gặp khó trong việc xử lý.

Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý lãnh đạo quản lý – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Đình Tấn cho rằng: “Đây chính là một hiện tượng bất bình thường trong xã hội. Một sự kiện đã bị nhiều người lên tiếng phản đối lại càng khiến cho người ta tò mò, thích thú, muốn tìm đến để thể hiện cái tôi của mình. Họ không thể hiện được chính kiến, quan điểm riêng của mình mà chỉ để thỏa mãn cái cảm xúc nhất thời, vô tình tiếp tay cho sai phạm”.

Qủa thật, chưa rõ những lợi ích mà công trình này mang lại cho địa phương, như số tiền thuế (nếu có) bao nhiêu, nhưng người ta sẽ không thể bào chữa được cho việc tàn phá môi trường, vi phạm Luật di sản văn hóa, Luật xây dựng, Luật đầu tư, song trùng với nó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý có liên quan.

Dù nói gì đi nữa, câu chuyện phát triển du lịch ở những vùng như Hà Giang, Sa Pa… hay bất cứ đâu muốn mang tính bền vững đều phải gắn với câu chuyện phát triển cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng, chứ không phải chỉ là để các doanh nghiệp tới đó thu lợi.

Vì vậy, chuyện duy trì hay phá dỡ công trình sai phạm này đã đến lúc cần phải dứt khoát chứ không thể mang cái sai phạm ra để “cù cưa” với pháp luật, không thể tìm cách hợp thức hóa để rồi “phạt cho tồn tại”. Hãy nhớ, Sa Pa đã rơi vào cái gọi là “thảm họa của xây dựng”, liệu Hà Giang có lặp lại sai lầm này hay không?

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều