+
Aa
-
like
comment

Liệu châu Âu có thể từ bỏ khí đốt của Nga?

Bảo Trâm - 25/06/2022 11:25

Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra thời hạn cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, nhưng các rào cản kinh tế và hậu cần có thể khiến nỗ lực này trở nên khó thực thi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên đường ống Dòng Chảy Phương Bắc (Nord Stream).

EU, Anh và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với các ngân hàng Nga và các cá nhân có liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục duy trì nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, EU đã thanh toán cho Nga hơn 20 tỷ euro để nhập khẩu khí đốt. Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố một chiến lược đầy tham vọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ giờ cho tới cuối năm 2022 – nhưng mức độ khả thi của kế hoạch đó như thế nào?

Năm 2021, 34% lượng khí đốt của EU được nhập khẩu từ Nga, chủ yếu bằng đường ống. Tổng cộng, EU đã nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm 2021. Ủy ban châu Âu muốn cắt giảm 2/3 kim ngạch nhập khẩu này vào cuối năm nay thông qua việc tăng cường nhập khẩu từ các nguồn cung khác và giảm nhu cầu khí đốt trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Khoản tiết kiệm lớn nhất trong kế hoạch của EU đến từ việc tăng nhập khẩu LNG mà EU hy vọng có thể thay thế 50 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, 10 tỷ m3 khác có thể được thay thế bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt qua đường ống dẫn từ các đối tác thương mại khác như Na Uy và Algeria. Việc tăng sản lượng biomethane từ các nguồn như chất thải thực phẩm và phân bón cũng có thể tạo nguồn cung thay thế 3,5 tỷ m3.

Trong lĩnh vực nhà ở, EU có thể giảm nhập khẩu tới 14m3 khí đốt của Nga nếu tất cả các hộ gia đình trong EU giảm 1°C nhiệt độ trong nhà. Việc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà có thể làm giảm nhu cầu thêm 2,5 tỷ m3, trong khi việc tăng gấp đôi số lượng máy bơm nhiệt được lắp đặt trong năm nay có thể tiết kiệm thêm 1,5 tỷ m3. Trong lĩnh vực năng lượng, EU hy vọng năng lượng tái tạo có thể thay thế tới 20 tỷ m3 khí đốt trong năm nay.

Trạm nén khí của đường ống Yamal-Europe gần Nesvizh, Belarus. Ảnh: AP.

Kế hoạch của EU yêu cầu hàng trăm triệu hộ gia đình trong toàn khối cùng giảm 1°C nhiệt độ trong nhà. Nhưng điều này sẽ chỉ tạo ra sự khác biệt thực sự trong những ngôi nhà sử dụng hệ thống sưởi bằng khí đốt.

Theo dữ liệu từ dự án nghiên cứu Odyssee-Mure, 85% năng lượng để sưởi ấm trong nhà tại Hà Lan đến từ khí đốt. Tuy nhiên, ở Phần Lan và Thụy Điển, nơi các hộ gia đình dựa vào sự kết hợp của hệ thống sưởi tại khu vực – bao gồm các lò hơi quy mô công nghiệp phân phối nhiệt cho các gia đình – hệ thống sưởi bằng điện và bếp đốt bằng củi, khí đốt cung cấp ít hơn 1% lượng nhiệt sưởi ấm tại hai nước này. Ở Anh, 75% hệ thống sưởi sử dụng khí đốt, trong khi mức trung bình của EU là 39%. Nhà sử dụng hệ thống sưởi điện có thể giúp tiết kiệm thêm vì khoảng 1/5 lượng điện sản xuất ở EU đến từ các nhà máy chạy bằng khí đốt.

Jason Palmer, Giám đốc công ty tư vấn Cambridge Energy Group có trụ sở tại Anh, cho biết: “Giảm nhiệt độ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém để giảm tiêu thụ khí đốt”. Palmer tin rằng trong ngắn hạn, sự thay đổi hành vi sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến nhu cầu khí đốt so với việc nâng cấp kỹ thuật cho các hộ gia đình. Ông cho biết thêm: “Hạn chế về nguồn cung – cũng như về người lắp đặt, vật liệu và thiết bị – có nghĩa là không thể nâng cấp hàng triệu ngôi nhà trong một năm”.

Ngoài ra, việc đẩy nhanh tốc độ lắp đặt máy bơm nhiệt, vốn tạo ra hơi ấm bằng cách sử dụng chất lỏng làm mát và điện – chẳng hạn như tủ lạnh đảo chiều – và có thể chạy bằng nguồn năng lượng không dùng khí đốt, cũng nằm trong kế hoạch của EU. Khối này dự kiến tăng gấp đôi tốc độ lắp đặt máy bơm, đòi hỏi thêm 1,8 triệu ngôi nhà phải được trang bị lại vào năm 2022. Tuy nhiên, theo Gross, việc lắp đặt hàng triệu máy bơm nhiệt mới trước khi kết thúc năm 2022 là điều hoàn toàn không thực tế do những hạn chế của chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cho một chương trình như vậy.

Các đường ống dẫn khí đốt do Gazprom điều hành ở Kasimov, Nga. Ảnh: Bloomberg.

Trong lĩnh vực sản xuất điện của châu Âu, các quốc gia và công ty đang chuẩn bị thay thế một phần nguồn cung khí đốt bằng cách sử dụng các nhiên liệu khác trong mùa Đông này. Khoảng 20% điện năng của châu Âu đến từ khí đốt, ngay cả sau khi được thay thế một phần vào mùa Đông năm 2021 do giá cao. Sự thay thế hơn nữa sẽ đến từ việc tăng cường sử dụng than và các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời.

Tiêu thụ than của châu Âu đã tăng trong năm 2021 và có khả năng sẽ tăng trở lại do giá khí đốt cao và nguy cơ thiếu hụt. Theo nghiên cứu từ Aurora Energy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Oxford, bằng cách vận hành các nhà máy than ở công suất tối đa và kéo dài tuổi thọ của những nhà máy dự kiến đóng cửa, EU có thể thay thế lượng khí đốt tương đương với 12 tỷ m3 trong mùa Đông năm 2022.

Mặc dù là một trong những bước chuyển đổi dễ thực hiện nhất, nhưng EU đã không muốn công khai thúc đẩy sử dụng than do nhiên liệu này có lượng khí thải cao hơn. Việc tìm kiếm than để đáp ứng nhu cầu gia tăng này có thể gặp nhiều khó khăn. Thị trường than toàn cầu đang trong trạng thái thắt chặt và EU đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, mà sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng các mục tiêu khí hậu của EU sẽ không thay đổi – cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 – vì vậy việc tăng cường tiêu thụ than đá có lẽ chỉ là hiện tượng tạm thời.

Việc EU chuyển hướng sang năng lượng sạch trong dài hạn sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lượng gió và mặt trời có tác động hạn chế trong ngắn hạn, do việc phát triển các cơ sở mới cần thời gian thực hiện lâu dài.

Anise Ganbold, trưởng bộ phận hàng hóa của Aurora Energy cho biết: “Ngay cả khi bạn có nhiều năng lượng gió và mặt trời hơn, thì bạn cũng cần một nguồn cung năng lượng không liên tục. Bạn cũng cần cả pin nữa”. Theo tính toán của bà, năng lượng gió và mặt trời chỉ có thể thay thế dưới 1 tỷ m3 khí đốt vào mùa đông.

Đặc biệt, trong ngành năng lượng tái tạo, các công ty đang yêu cầu chính phủ đẩy nhanh thời gian cấp phép cần thiết để họ có thể phát triển các dự án nhanh hơn. Thời gian xây dựng một trang trại điện gió có thể kéo dài từ 3 đến 11 năm đối với các dự án phức tạp nhất. Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, có thể khiến tình hình thêm phức tạp.

Châu Âu nhập khẩu tới hơn 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô đều đến từ Nga.

Mads Nipper, Giám đốc điều hành công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch, cho biết: “Trong ngắn hạn, năng lượng tái tạo sẽ không đóng một vai trò quan trọng, vì bạn không thể xây dựng một trang trại gió trong vòng 9 tháng”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu các chính phủ đẩy nhanh quy trình lập kế hoạch và phê duyệt các dự án năng lượng sạch mới, thì điều đó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn.

Lĩnh vực hạt nhân gần đây đã được hồi sinh do cuộc khủng hoảng năng lượng, một điều gây bất ngờ đối với một ngành công nghiệp đã suy giảm trong nhiều năm ở châu Âu. Bỉ mới đây đã quyết định kéo dài tuổi thọ của 2 lò phản ứng hạt nhân đã được lên kế hoạch đóng cửa. Tại Anh, chính sách năng lượng mới của chính phủ bao gồm các kế hoạch cho 8 lò phản ứng mới. Và Phần Lan đã khai trương một nhà máy hạt nhân mới vào tháng 3/2022.

Fabian Rønningen, nhà phân tích tại Rystad Energy, cho biết: “Đã có rất nhiều thay đổi chính sách mới khiến mọi người khó theo kịp”.

Những biện pháp này sẽ có tác động lớn trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, chúng khó có thể mang lại hiệu quả. Việc tiếp tục bảo trì các lò phản ứng trong năm 2022 sẽ làm giảm sản lượng điện hạt nhân ở Pháp. Từng là một nhà sản xuất điện hạt nhân lớn, Đức vẫn đang trên đà đóng cửa các lò phản ứng còn lại vào tháng 12/2022.

Trạm phân phối khí đốt Gaz-System ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. Ảnh: Reuters.

Với các kế hoạch của EU, bao gồm các nội dung từ khả thi đến hoàn toàn phi thực tế, nhiều chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp cuối cùng – phân bổ năng lượng và cắt điện trong mùa Đông năm nay – là điều gần như không thể tránh khỏi nếu châu Âu thực sự nghiêm túc về việc loại bỏ thói quen sử dụng khí đốt của Nga.

Jason Feer, trưởng bộ phận tình báo kinh doanh tại Poten & Partners, cho biết: “Không có giải pháp khắc phục nhanh chóng cho bất kỳ vấn đề nào trong số này. Trong bất kỳ kịch bản hợp lý nào, châu Âu dường như cũng không thể thay thế lượng khí đốt mà họ nhập khẩu từ Nga. Hệ quả cuối cùng là thị trường và các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết định ai phải gánh chịu hậu quả từ sự thiếu hụt năng lượng”.

Bảo Trâm (Theo Financial Times)

Bài mới
Đọc nhiều