+
Aa
-
like
comment

Liên tiếp quấy đảo vùng biển, Trung Quốc lại quấy đảo vùng trời Biển Đông

09/06/2021 14:37

Trung Quốc từ lâu đã tìm cách vận động để vô hiệu hóa các Vùng thông báo bay (FIR) đã được phân định từ trước trong Biển Đông để thay bằng các FIR do họ quản lý điều hành, bao trùm lên hầu hết vùng trời Biển Đông vì mục tiêu hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý trong Biển Đông.

Hành vi đáng ngờ

Bộ Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia ngày 1/6/2021 cho biết, 16 chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia vào trưa 31/5 và có lúc tiếp cận không phận của Malaysia thuộc bang Sabah, Đông Malaysia. Các máy bay quân sự này không hồi đáp các liên lạc từ phía Malaysia và đã thực hiện các hành vi “đáng ngờ” tạo thành mối đe dọa đối với chủ quyền và an toàn bay của Malaysia.

Máy bay huấn luyện Eagle-208 của Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF)  đã được lệnh xuất kích khẩn cấp để theo dõi cảnh báo. RMAF cho biết, các máy bay quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc  (PLA) đã tạo thành một đội hình chiến thuật và bay ở độ cao cách mặt đất từ 7 đến 8.000m với tốc độ 537 km/h. Bản đồ đường bay cho thấy, đội hình bay của các máy bay PLA đã bay về phía nam sau khi đi qua Vùng thông thông báo bay Singapore ( FIR Singapore), đi vào FIR Kota Kinabalu ở Sabah rồi quay trở lại, có lúc đã xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia khoảng 110 km.

Liên tiếp quấy đảo vùng biển, Trung Quốc lại quấy đảo vùng trời Biển Đông - Ảnh 2.
Hình ảnh máy bay Trung Quốc do phía Malaysia chụp được. Các máy bay Trung Quốc đã không đáp lại tín hiệu liên lạc của Maylaysia. Ảnh: Không quân Malaysia.

Như vậy, theo thông tin  của Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia, máy bay quân sự của Trung Quốc chủ yếu  đã bay vào vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của  Malaysia ở Nam Biển Đông và bay vào vùng thông báo bay Kota Kynabalu ở Sabah (xem sơ đồ).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 2/6, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 1/6 cho biết ông sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Âu Dương Ngọc Tịnh (Ouyang Yujing) tới để yêu cầu giải thích về vụ việc máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia. Ông cũng sẽ liên lạc với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để bày tỏ với Trung Quốc rằng Malaysia rất quan tâm đến vụ việc này.

Ngoại trưởng Hishammuddin nhấn mạnh rằng lập trường của Malaysia là rất rõ ràng: Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào, nhưng điều đó không có nghĩa là thỏa hiệp về an ninh quốc gia; Malaysia sẽ tiếp tục bảo vệ phẩm giá và chủ quyền của mình.

Liên tiếp quấy đảo vùng biển, Trung Quốc lại quấy đảo vùng trời Biển Đông - Ảnh 1.
Đường bay của 16 máy bay Trung Quốc hôm 31/5. Nguồn: Không quân Malaysia.

Ngược lại, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia cùng ngày 1/6 ra tuyên bố rằng đây là hoạt động huấn luyện bay thường lệ của Không quân Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Các máy bay quân sự Trung Quốc đã “chấp hành nghiêm các quy định liên quan của luật pháp quốc tế và không đi vào không phận của các nước khác. Theo luật pháp quốc tế liên quan, máy bay quân sự của Trung Quốc được hưởng quyền tự do bay trên không phận liên quan. Trung Quốc và Malaysia là hai nước láng giềng hữu nghị và Trung Quốc mong muốn tiếp tục các cuộc tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.

Phân tích trên cơ sở luật pháp quốc tế

Những tuyên bố trái ngược từ hai phía được báo chí công bố nói trên có lẽ cần được phân tích một cách khách quan dựa trên cơ sở của các quy phạm pháp luật quốc tế có liên quan đến lĩnh vực hàng không. Thiết nghĩ, chúng tôi xin cung cấp thông tin và tâp trung  phân tích để làm sáng tỏ các quan điểm nói trên ở hai nội dung pháp lý liên quan sau đây:

Thứ nhất: Về chủ quyền quốc gia đối với vùng trời: 

Theo  Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, vùng trời là khoảng không nằm trên phạm vi vùng đất (lãnh thổ đất liền), vùng biển ( gồm nội thủy và lãnh hải) và hải đảo (thuộc chủ quyền quốc gia). Giống  như nhiều quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) năm 2013 đã quy định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.”(Điều 1).

Như vậy, vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia là một bộ phận không tách rời của Lãnh thổ quốc gia. Phạm vi vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia được giới hạn bởi Biên giới quốc gia. (Biên giới quốc gia thực chất là sự liên kết nhiều bề măt để tạo nên một hình khối, trong đó chứa đựng vùng đất, vùng nước, vùng trời, lòng đất thuộc lãnh thổ quốc gia. Các bề mặt này có phương thẳng đứng đi từ tâm quả đất, qua đường biên giới quốc gia, rồi lên không trung, bao gồm: Mặt phẳng, mặt cong và một mặt cầu – giới hạn độ cao vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia).

Để phân định phạm vi vùng trời theo định nghĩa nói trên, cũng xin được  lưu ý rằng, phạm vi vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia ở trên phần lãnh thổ đất liền và trên lãnh thổ biển (nội thủy, lãnh hải) có thể dễ xác định hơn  phạm vi vùng trời thuộc chủ quyền trên các hải đảo nằm giữa biển; bởi vì: Thứ nhất, một số đảo đang trong tình trạng có sự tranh chấp chủ quyền phức tạp giữa các bên liên quan; thứ hai, vẫn còn có sự  giải thích và áp dụng  khác nhau về hiệu lực để phận định các vùng  biển, vùng trời  của các thực thể địa lý theo quy định tại Điều 121, UNCLOS1982.

Vì vậy, sau khi đánh chiếm một số thực thể địa lý, không phải là đảo, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt  Nam, các nước tranh chấp chủ quyền, nhất là Trung Quốc, đã tìm mọi cách cải tạo, xây dựng, cố tình biến chúng thành đảo để xác lập các vùng biển xung quanh và vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia ở phía trên.

Cũng cần  lưu ý thêm rằng, lãnh thổ trên đất liền chỉ có một loại, còn trên biển thì có 2 loại khác nhau: Đó là các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia (bao gồm lãnh hải và nội thủy) và các vùng biển  thuộc quyền chủ quyền quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng  đặc quyền kinh tế, thềm lục địa). Theo đó, khoảng không gian ở trên vùng đặc quyền kinh tế không phải là vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia; do đó, phương tiện bay của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có quyền tự do bay.

Có lẽ vì những lý do phức tạp và nhạy cảm đó mà các bên liên quan đều tính toán cân nhắc khi đưa ra các tuyên bố có vẻ mâu thuẫn và không thật sự rõ ràng nói trên; chẳng hạn:

Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia công bố  rằng máy bay Trung Quốc đã bay vào vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia tại khu vực mà Maylaysia đã  xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Malaysia phần phía Nam Trường Sa vào tháng 12 năm 1979; trong đó có đảo An Bang và Thuyền Chài (đã từng do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ); sau đó, năm 1983 – 1984  cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân; năm 1988, họ đóng thêm 2 bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm. Đến nay, số điểm đóng quân của Malaysia lên đến 7 điểm nằm ở phần phía Nam Trường Sa, tất cả đều là những rạn san hô. Trong khi đó, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 1/6/2021 lại nói máy bay quân sự Trung Quốc đã “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia…”.

Ngược lai, Trung Quốc lại  biện  minh rằng đây là “hoạt động bình thường của Không quân Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”. Không ai còn lạ lẫm với  lời  biên  minh “truyền thống” này của Trung Quốc. Bởi vì, người ta đều biết rằng  từ lâu Trung Quốc có  yêu  sách chủ quyền đối với  hầu  hết diện tích  Biển  Đông được bao bọc bởi đường “lưỡi bò” mà họ đã công bố và đang tìm mọi cách để hợp thức hóa trên thực tế.

Thứ hai, Vùng thông báo bay (FIR) và  trách nhiệm và nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên trong Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) khi máy bay của  họ bay vào vùng FIR:

Đây là căn cứ  pháp lý rất quan trọng để đánh giá các máy bay quân sự Trung Quốc có “chấp hành nghiêm các quy định liên quan của luật pháp quốc tế” hay không?  Trước hết, cần hiểu FIR là gì và việc phân chia phạm vi FIR, cũng như trách nhiệm quản lý điều hành FIR của các  thành viên được ICAO phân công ra sao?

FIR là vùng thông báo bay (FIR-Flight Information Region), một khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động sẽ được cung cấp. Các nguyên tắc cơ bản của ICAO về phân định ranh giới FIR được quy định tại phụ lục N của nghị quyết 27.10 Đại hội đồng ICAO. FIR được lập từ năm 1947. Sự phân chia trách nhiệm giữa các đơn vị FIR là do thỏa thuận của các nước liên hệ và phải thông qua Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).

FIR mang tên vùng chứ không mang tên quốc gia nên không mang ý nghĩa về chủ quyền quốc gia, mặc dù FIR có thể bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia của nước được phân công điều hành FIR. Vì vậy, một quốc gia có thể thành lập một hay nhiều FIR tùy thuộc vào tình hình cụ thể của nước đó. Ngược lại, vùng trời của nhiều quốc gia vẫn có thể được sắp xếp vào một FIR.

Trong các vùng FIR, dịch vụ thông báo bay là dịch vụ cung cấp các chỉ dẫn và tin tức hữu ích để tiến hành các chuyến bay một cách an toàn và hiệu quả; và dịch vụ báo động là dịch vụ được cung cấp nhằm mục đích thông báo cho các cơ quan có liên quan về máy bay cần sự giúp đỡ của các cơ quan tìm kiếm – cứu nguy và hỗ trợ của các cơ quan này theo yêu cầu.

Vì vậy, tất cả các loại máy bay khi bay vào phạm vi FIR nào đó  bắt buộc phải  cung cấp cho các Trung tâm quản lý bay các thông tin theo yêu cầu của các Trung tâm này vô điều kiện. Rõ ràng là  quốc gia nào quản lý điều hành FIR nghĩa là họ phải cung cấp các dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động theo quy định và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó.

Các máy bay Trung Quốc ngang nhiên bay vào phạm vi FIR liên quan đến vùng trời trên Biển Đông, như: FIR HaNoi, FIR HoChiMinh, FIR Singapore, FIR Kota Kynabalu ở Sabah… là hành vi vi phạm Điều lệ  ICAO, bất chấp quy chế chặt chẽ của FIR, đồng nghĩa với việc xem thường tính mạng tài sản của con người tham gia hàng không.

Điều quan trong hơn, việc quản lý điều hành  FIR có ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa  quốc phòng, an ninh quốc gia, nhất là phạm vi đó lại nằm trong khu vưc đang tồn tại những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp về địa- chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lược…

Chính vì vậy, Trung Quốc từ lâu đã tìm cách vận động thông qua tổ chức ICAO để vô hiệu hóa các FIR đã được phân định từ trước trong Biển Đông để thay bằng các FIR do họ quản lý điều hành, bao trùm lên hầu hết vùng trời Biển Đông vì mục tiêu hợp thức hóa yêu sách chủ quyền của họ trong Biển Đông.

Đúng như hãng tin Reuters của Anh bình luận: “Trung Quốc đang thúc đẩy mở rộng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Năm 2020, một tàu thăm dò của Trung Quốc và một tàu khoan thăm dò dầu khí của Malaysia đã đối đầu trong suốt một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Từ mấy tháng trước đây, Philippines cũng đã cáo buộc hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố, Manila cũng đã liên tục phản đối ngoại giao với Trung Quốc, cho rằng những tàu đánh cá này do dân quân biển vận hành…”.

Do đó, có thể thấy rằng mục đích tăng cường điều máy bay xuống quấy rối Biển Đông trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang triển khai một cuộc diễn tập ở quy mô chiến dịch có sự hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, trên không, cùng với  những hoạt động dân sự, kinh tế, chính trị, pháp lý, ngoại giao… nhằm chuẩn bị cho một tấn công xâm lược mới, độc chiếm Biển Đông, biến hầu hết  vùng biển, vùng trời, hải đảo trong Biển Đông trở thành “ao nhà” để họ dễ bề thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” trong bối cảnh nhân loại đang phải đương đầu, vật lộn với đại dịch Covid-19…

Trần Công Trục

Bài mới
Đọc nhiều