+
Aa
-
like
comment

Liên minh tình báo “Ngũ nhãn” gia tăng đối đầu Trung Quốc

15/06/2020 06:47

Giới quan sát nhận định liên minh tình báo “Ngũ nhãn” gồm 5 nước Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đang thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trên nhiều “mặt trận”.

Liên minh tình báo Ngũ nhãn gia tăng đối đầu Trung Quốc - 1
(Từ trái sang phải) Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AAP)

SCMP dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng liên minh “Ngũ nhãn” và Trung Quốc đang đối đầu trên nhiều lĩnh vực, từ cách ứng phó dịch Covid 19, vấn đề Hong Kong và mạng lưới 5G. Giới quan sát nhận định, các nước trong liên minh dường như hiểu được rằng nếu họ đối đầu riêng rẽ với Trung Quốc thì nỗ lực đối phó Bắc Kinh sẽ khó thành hiện thực.

Các dấu hiệu cho thấy sự hợp tác giữa liên minh tình báo bắt đầu từ 2 năm trước khi Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ.

Vụ việc đã khiến Trung Quốc nổi giận và cho rằng đây là động thái nhằm kiểm chế sự phát triển kỹ thuật của quốc gia Đông Á. Trong vài tuần sau, Bắc Kinh đã bắt 2 công dân Canada với cáo buộc phạm tội liên quan tới an ninh quốc gia Trung Quốc.

Mỹ, trong khi đó, áp hàng loạt lệnh hạn chế về giao lưu khoa học và kỹ thuật với Trung Quốc, ban hành quy tắc hạn chế cấp thị thực cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc lây lan ra khắp toàn cầu khiến hàng triệu người nhiễm và hàng trăm nghìn người tử vong.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã “giấu dịch” và khiến mầm bệnh lây lan gây thiệt hại nghiêm trọng cho thế giới. Trong khi đó, Australia đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19.

Tháng trước, Mỹ và Anh chỉ trích quyết định của Trung Quốc khi tính áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong. Anh tuyên bố sẵn sàng để ngỏ hàng triệu thị thực cho người Hong Kong và mở ra con đường trở thành công dân Anh.

Georgina Downer, nhà tư vấn địa chính trị và chiến lược của công ty Tenjin (Australia), cho biết có những dấu hiệu rõ ràng rằng 5 nước “Ngũ nhãn” đang gia tăng đối phó với Trung Quốc.

“Sự thay đổi nhanh chóng về mặt chính sách liên quan tới mạng lưới 5G ở Anh và sự đồng thuận giữa các nước “Ngũ nhãn” về việc lập nhóm D10 gồm các quốc gia dân chủ có chung chí hướng hợp tác trong lĩnh vực 5G là ví dụ”, Downer nhận định.

Chuyên gia trên cho rằng chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc được xem là yếu tố đã khiến các nước “Ngũ nhãn” phối hợp hơn trong việc đưa ra những cân nhắc chiến lược về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước.

Bà Downer cho rằng hiện có “một nỗ lực đồng lòng và công khai hơn giữa các nước “Ngũ nhãn” trong việc tập trung vào hợp tác kinh tế giữa các nước chia sẻ các giá trị và tư duy chiến lược”.

Chuyên gia Li Lianjun từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng các thành viên của liên minh “Ngũ nhãn” đang hợp tác chặt chẽ hơn. Ông Li cho biết ông không ngạc nhiên nếu nhóm G7 mở rộng cũng hoạt động cùng nhau theo hướng đối đầu với Trung Quốc.

Ông John Blaxland, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng sự đồng thuận của các thành viên trong liên minh “Ngũ nhãn” là dấu hiệu cho thấy lối “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc (ám chỉ những nhà ngoại giao có quan điển cứng rắn) đã gây tác dụng ngược.

Ông Blaxland cũng cho rằng sự hợp tác trong tương lai sẽ không chỉ dừng ở 5 nước. Trung Quốc tháng trước đã đánh thuế 80,5% lúa mạch Australia, nhưng Ấn Độ đã đồng ý tăng nhập mặt hàng này từ Canberra. Ngoài ra, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng có quan hệ thân thiện với liên minh “Ngũ nhãn” và họ có thể hợp tác để ứng phó với Tủng Quốc.

Hai tuần trước, Ấn Độ và Australia đã nhất trí cho phép 2 bên tiếp cận căn cứ quân sự của nhau.

Đức Hoàng/DT

Bài mới
Đọc nhiều