Liên kết vùng – “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long có vị thế, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng lại đang đứng trước thách thức lớn trong lịch sử tồn tại. Các thách thức này đến từ bên ngoài, đồng thời cũng xuất phát từ nội tại bên trong của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, vấn đề liên kết nội bộ, liên kết Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế lân cận là điểm nghẽn cần tập trung giải quyết, hướng tới lợi ích chung.
Sự cần thiết và ý nghĩa của liên kết vùng
Liên kết vùng là thuật ngữ dành cho những khu vực tiếp giáp với nhau, có liên quan và bổ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực nào đó. Sự phân bố và liên kết này giúp việc quản lý dễ dàng và thống nhất hơn. Nhờ đó mà các bộ phận trong liên kết vùng có thể dễ dàng hỗ trợ để đạt được mục tiêu chung hơn so với việc tập trung vào một cá thể duy nhất.
Trên thế giới, liên kết trong nội vùng, giữa các vùng và giữa các quốc gia với nhau trong phát triển kinh tế, giao thông vận tải, gìn giữ hòa bình, phòng chống tội phạm, chống biến đổi khí hậu… không phải là vấn đề mới. Liên minh châu Âu (EU) được thế giới công nhận là tổ chức liên kết khu vực thành công nhất hiện nay với quá trình từ liên kết kinh tế chuyển sang chính trị – xã hội, phát triển thành thể chế siêu quốc gia. Hay liên kết của khu vực ASEAN, CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand đã minh chứng cho xu thế đó.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, liên kết vùng sẽ giúp khu vực này khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn, từ đó toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết phát triển với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước…
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng…”.
Thực trạng liên kết vùng tại đồng bằng sông Cửu Long
Liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Những văn bản này đã tạo hành lang pháp lý và thay đổi tư duy liên kết vùng. Một số địa phương như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau đã thống nhất thỏa thuận hợp tác 11 lĩnh vực liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; Các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An đã thống nhất một số nội dung liên kết trong phát triển vùng Đồng Tháp Mười; các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh đã tổ chức Hội thảo về chủ đề “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long”; Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký kết hợp tác về mặt nguyên tắc với 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long,… Đó là những dấu hiệu tốt cho sự chuyển biến về nhận thức dẫn đến hành động cụ thể trong liên kết sản xuất, liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình logistics, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn những hạn chế: Nhận thức, tư duy về liên kết vùng của các cấp chính quyền địa phương trong vùng tuy đã nâng lên nhưng vẫn còn mờ nhạt, dừng lại ở ý tưởng, chưa xác định rõ nội dung, trách nhiệm, thời gian thực thi các cam kết và chưa theo kịp nhu cầu đổi mới mạnh mẽ về mô hình sản xuất dưới tác động của hội nhập, và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Sự liên kết lỏng lẻo chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Câu chuyện rõ nhất có thể thấy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, mỗi địa phương đưa ra biện pháp phòng, chống dịch và quy định khác nhau, khiến cho giao thông đi lại gặp muôn vàn khó khăn, chính sự thiếu thống nhất dẫn tới hàng hóa, nông sản bị đứt gãy từ cánh đồng đến nhà máy. Điều này đã khiến cho nhiều nông sản của người dân không thể tiêu thụ, thiệt hại lớn về kinh tế
Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn trong điều kiện các nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều bất cập nên đang gặp phải các điểm nghẽn cần được tháo bỏ. Trong đó nổi lên ba điểm nghẽn là thiếu vốn đầu tư, thiếu sản phẩm quy hoạch tích hợp và chưa vận hành được một cơ chế điều phối phát triển vùng, liên vùng một cách hiệu quả.
Những tồn tại, vướng mắc do chồng chéo, níu kéo nhau của hơn 2.500 bản quy hoạch ngành và địa phương trong vùng đang tạo ra sự chia cắt. Quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch ngành, địa phương chưa đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng sông Mêkông. Thiếu các sản phẩm quy hoạch tích hợp, bài bản đang cản trở các dòng vốn đầu tư.
Cho đến nay, vẫn chưa thể chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và tiểu vùng ven biển phía Đông. Trong khi yêu cầu thu hút các nguồn vốn khác cho các chương trình, dự án liên kết vùng theo hình thức hợp tác công – tư đang rất cần những cơ chế, chính sách mới.
Cần những giải pháp căn cơ
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Do vậy, tăng cường liên kết là một quan điểm mang tính tất yếu, khách quan của quy hoạch phát triển vùng. Đặc biệt, năm 2022 đang mở ra có ý nghĩa rất quan trọng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách mới phục hồi và tăng tốc sau đại dịch. Các tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ vận hành các kịch bản phục hồi kinh tế và thích ứng trong điều kiện bình thường mới, càng đặt ra yêu cầu cao hơn về tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên vùng.
Để việc thực hiện liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách thực chất, đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ về thể chế phát triển vùng và liên kết vùng. Theo đó, cần khẩn trương xây dựng và ban hành Luật về liên kết vùng. Luật về liên kết vùng cần cụ thể các nội dung liên quan đến hình thức liên kết; nội dung liên kết; cơ cấu tổ chức điều phối; quy chế hoạt động của tổ chức điều phối vùng; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; cơ chế phân chia và xác định lợi ích hay rủi ro giữa các bên tham gia; trình tự và thủ tục thực hiện liên kết… Ngoài ra, Luật liên kết vùng có thể xem xét đề cập tới các nội dung về cơ chế thưởng/khuyến khích cho những sáng kiến liên kết hay liên kết mang lại hiệu quả chung cho toàn vùng hoặc cho quốc gia; và cơ chế phạt liên kết.
Hai là, hoàn thiện cơ chế điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế.
Ba là, đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cho các địa phương kỹ thuật trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thế mạnh của địa phương và có sự liên kết vùng nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư.
Bốn là, xây dựng quy hoạch vùng theo hướng phải là quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành đơn lẻ (quy hoạch hệ thống giao thông, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất…) phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể, có như vậy mới tránh khỏi lãng phí và sự chồng chéo trong các quy hoạch. Đặc biệt, trong quy hoạch vùng cần phải đổi mới quan niệm, đó là sự “phá vỡ” ranh giới hành chính, điều này đã được các cơ quan chức năng chú ý khi quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội với không gian mở rộng ra các tỉnh lân cận trong khoảng bán kính từ 50 – 100 km. Tương tự như vậy, quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận cũng có bán kính lan tỏa tương tự.
Năm là, phát triển vùng là một quá trình lâu dài và phức tạp, cho nên cần nhận thức đầy đủ về vị trí vai trò của công việc này; cần bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thuộc các cơ quan xây dựng chính sách có đủ trình độ, năng lực xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, các chính sách phát triển vùng.
Diệu Hương