+
Aa
-
like
comment

Lịch sử hùng ca đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”

27/09/2019 16:40

Trong suốt lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay, câu chuyện “ra ngõ gặp anh hùng” đã không phải là câu chuyện xa lạ hay hiếm hoi ở một đất nước vĩ đại này. Những con người bình thường khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh, khi đất nước lâm nguy thì sẵn sàng vào sinh ra tử để giữ vững truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam – đó chính là lòng yêu nước.

Huyền thoại phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy

Ngày 26-9, tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân; Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không – Không quân; Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, quận Tân Bình; Ban tổ chức Lễ tang và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng về nơi an nghỉ cuối cùng.

bac-bay-1335310
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

Hàng nghìn người viếng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy

Từ 5 giờ 30 phút, đông đảo người thân, gia đình, Ban tổ chức lễ tang, đại diện lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, cựu chiến binh, đồng chí, đồng đội, bạn bè, bà con lối xóm của Đại tá Nguyễn Văn Bảy đã có mặt dự lễ truy điệu.

Tại Lễ truy điệu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, thành tích cũng như những chiến công lừng lẫy của người anh hùng huyền thoại. Sinh ngày 2-2-1936 tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, được thừa hưởng truyền thống từ mảnh đất quê hương, năm 17 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Bảy (tên thật Nguyễn Văn Hoa) theo Việt Minh tham gia kháng chiến và trở thành bộ đội địa phương tại huyện Lai Vung. Sau khi tập kết ra miền Bắc, ông tiếp tục học văn hóa và sau đó là học viên lái máy bay. Trở thành phi công lái máy bay Mig-17 từ tháng 10-1962, ông trải qua nhiều chức vụ từ Trung đội trưởng đến Sư đoàn trưởng và Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Trong cuộc chiến đấu không đối không chống lại cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ, ông đã trực tiếp bắn hạ 7 máy bay chiến đấu của Mỹ, gồm 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4. Với những chiến công xuất sắc, ngày 1-1-1967, phi công Nguyễn Văn Bảy được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến viếng người anh hùng, phi công huyền thoại có đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn. Đồng chí Bí thư Thành ủy ghi trong sổ tang: “Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Bảy là người sĩ quan và đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh luôn tự hào và noi gương Anh hùng, phi công Nguyễn Văn Bảy”.

Lịch sử hùng ca đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”

Người chiến sĩ cộng sản như phi công Nguyễn Văn Bảy và hàng triệu người lính với tinh thần sẵn sàng xả thân cho lý tưởng, dám quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc là hình ảnh quen thuộc đối với mọi người Việt Nam thời gian qua, đã trở thành nhân vật tiêu biểu của khuynh hướng văn học cách mạng và tiếp đó là của cả nền văn học dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ đầy “bão táp” và hào hùng, kết tinh những giá trị cao đẹp của dân tộc và nhân loại.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng nói: “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”. Thật vậy, yêu nước là truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam.

anhung1
Hàng triệu người lính đã hy sinh cho đất nước đứng lên

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Những thắng lợi vĩ đại của Quân đội ta, dân tộc ta phản ánh đúng quy luật lịch sử, quy luật chiến tranh – “mạnh được, yếu thua”. Những chiến công chói lọi: Điện Biên Phủ (năm 1954), “Điện Biên Phủ trên không” (năm 1972), Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự tiếp nối tất yếu của chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa – những mốc son vàng trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bản hùng ca lịch sử của Quân đội ta, dân tộc ta cũng là khúc khải hoàn ca của thời đại, của nhân loại, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên toàn thế giới, của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc ở khắp năm châu trong thế kỷ XX.

Chính niềm tin đã làm nên sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc đối đầu lịch sử không cân sức giữa dân tộc Việt Nam và “hai đế quốc to”. Những hy sinh xương máu của cả một dân tộc đã tạo nên bản anh hùng ca bất tử của các thế hệ con người Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công, trong đó 1.146.250 liệt sỹ; 49.609 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 789.201 thương binh; 1.253 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạnh; 186.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam; hơn 4,1 triệu người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc. Đặc biệt, hiện có trên 1,47 triệu người có công đang hưởng ưu đãi hàng tháng.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó biết bao câu chuyện của những con người anh hùng. Họ đã cùng nhau vào sinh, ra tử và giờ đây cùng viết tiếp câu chuyện về tinh thần yêu nước trong thời bình. Câu chuyện về một phố phường ở Hà Nội có 29 vị tướng và 16 anh hùng lại càng cho chúng ta thấy một sức sống, một tinh thần mà những con người lịch sử đã và đang viết tiếp.

Tại phường Khương Mai, đã có 26 vị tướng và cũng có 16 cán bộ, chiến sỹ được phong Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) và có tới trên 1.900 hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB).

Trong đó còn có những anh hùng nổi tiếng trận mạc như Trung tướng Phạm Phú Thái, một phi công huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (bộ đội tên lửa, từng chỉ huy tiểu đoàn bắn rơi 2 máy bay B52 chỉ trong 10 phút); Trung tướng phi công Phạm Tuân (người từng bắn rơi máy bay B52 và sau này bay vào vũ trụ); Thiếu tướng Mai Văn Cương (bắn rơi những 8 máy bay Mỹ)…

Ngay như ở con ngõ nhỏ phố Nguyễn Ngọc Nại) đã có đến 2 AH LLVTND. Họ ở cạnh nhà nhau, cùng sinh năm 1950, cùng nhập ngũ khi mới 17 tuổi, cùng là thương binh, cùng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng từng là đại biểu Quốc hội, cùng từng là Phó Tư lệnh Quân khu 1 và đều mang hàm Trung tướng. Nay họ sinh hoạt trong chi hội CCB. Đó là Trung tướng Nguyễn Như Hoạt và Trung tướng Dương Công Sửu.

Như vậy cũng có thể nói, do cuộc chiến tranh đã kéo dài nhiều năm trên đất nước ta, chuyện “ra ngõ gặp Anh hùng”, “ra ngõ gặp tướng” như vừa kể thực ra cũng rất dễ hiểu và rất đời thường. Nay, khi hòa bình thực sự đã trở lại được 30 năm, chúng ta sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến họ, tri ân họ…

Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc nào phát huy được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc thì dân tộc đó sẽ phát triển. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và âm mưu đồng hóa của các thế lực ngoại bang. Trong những cuộc kháng chiến đó, yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng… đã thực

sự trở thành những vũ khí tinh thần quan trọng. Cũng vì lẽ ấy mà Giáo sư Trần Văn Giàu từng viết: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta lãng quên và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều