+
Aa
-
like
comment

Lịch sử đất nước Việt Nam đều được xây dựng từ hành động quân dân một ý chí

Đinh Lực - 21/04/2020 11:48

Qua những gì Việt Nam đã và đang làm được hôm nay, những gì xây dựng từ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã làm bừng sáng một Việt Nam kiên cường, vượt khó, không chủ quan và bình tĩnh. Một đất nước trọn đời vì dân và Đảng – nhân dân chung một ý chí.

Lịch sử đất nước Việt Nam đều được xây dựng từ hành động quân dân một ý chí

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) được nhân dân Việt Nam suy tôn gọi ông là Đức Thánh Trần, được công nhận là một trong mười vị tướng tài của thế giới. Ông là người đã soạn ra sách “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” để dạy cho các tướng sĩ về phép dùng binh.

Trong “Hịch tướng sĩ” ông viết để khích lệ vua – quân trên dưới một lòng, ông đã tuyên bố với các tướng sĩ:

“Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng vui cười”.

Giá trị tư tưởng lòng yêu nước xuyên suốt thời đại lịch sử Việt Nam

Hay trong “Binh thư yếu lược”: “Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc đến chữa; trong quân có người chết, tướng phải thương xót đau buồn. Quân đi thú xa, thì (tướng) phải sai vợ con đến nhà thăm hỏi. Phàm có khao thưởng thì phải chia đều cho quan và quân. Khi có cất đặt chức vị gì, thì phải họp cả tướng tá lại bàn. Mưu đã định rồi mới đánh giặc; cho nên tướng với quân có cái ơn hòa rượu và hút máu”.

Trần Quốc Tuấn còn trao truyền lại bài học lịch sử “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức. Vả lại, khoan thư sức dân là kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đó thực sự là chiếc “chìa khóa vàng” để các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai cùng nhau chung sức, chung lòng dựng nước và giữ nước.

Trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có 2 câu thơ nổi tiếng, câu thơ mang đậm giá trị truyền thống nhân văn, kết tinh giá trị dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử chống xâm lăng bờ cõi của nhân dân ta.

“Tướng sĩ một lòng phụ tử
Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”

Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc thời nào cũng vậy, yếu tố kiên quyết tạo nên sự thành công và chiến thắng là tinh thần to lớn của quân – dân, tướng – sĩ trên dưới một lòng.

“Tướng sĩ một lòng phụ tử” được Lê Lợi, Nguyễn Trãi phát huy, phát triển lên ở tầm cao hơn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thời bấy giờ. Chính vì thế mà nhân dân đoàn kết “bốn cõi một nhà”, để xã tắc giang sơn, tổ quốc vẹn toàn.

Đến thời đại giải phóng dân tộc thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thừa các giá trị truyền thống đoàn kết “một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân là kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”… để rồi đúng kết thành tình đoàn kết, sức mạnh quật cường.

Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đều được xây dựng bởi ý chí quật cường, lòng dũng cảm và đức hy sinh của hàng triệu những người anh hùng dân tộc và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

Cả nước đoàn kết không ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19

Trong những ngày này, dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều quốc gia trở đối mặt với khó khăn, Việt Nam cũng không phải là quốc gia ngoại lệ. Nhưng điều tạo nên giá trị to lớn nhất của dân tộc Việt Nam hơn hết nhiều quốc gia khác trên thế giới, cũng là tạo nên sự thành công ban đầu của Việt Nam là sự đoàn kết, chung tay trên dưới một lòng chống dịch.

Từ cuộc chiến vô tiền khoáng hậu với dịch bệnh từ đầu tháng 1 tới nay, chúng ta đã luôn cùng nghĩ về hai chữ lòng dân. Lòng dân được xây dựng từ niềm tin, từ chỉ thị của những người đứng đầu Đảng, Chính phủ và đội ngũ y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ ngày đêm không quản ngại khó khăn vào tuyến đầu chống dịch.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Đó là từ mệnh lệnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 20/3, nhận định những ngày chiến đấu với dịch bệnh là những ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc.

Đó là từ những quyết sách của Thủ tướng chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch bệnh và ngày nào ông cũng cùng toàn dân “đếm” các ca nhiễm mới. Cùng nhân dân chống lại dịch bệnh bằng các quyết định về vấn đề kinh tế, xã hội, an sinh xã hội.

Cuối năm 2019, tham dự hội nghị Chính phủ với địa phương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta đạt được điều chúng ta mong muốn. Đây không phải vơ vào, không phải thành tích chủ nghĩa, nói không có căn cứ mà nói có sách, mách có chứng. Tôi nhiều lần nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như hiện nay”.

Kết quả này thể hiện ở mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 7% cao hơn mục tiêu đề ra, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD.

“Đã bao giờ chúng ta có con số quy mô GDP thế này? Bình quân đạt 2.800 USD/người, con số này rất có ý nghĩa và điều chưa từng có trong lịch sử”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngoài ra, công tác xử lý phòng chống tham nhũng số cán bộ đảng viên vi phạm diện Bộ Chính trị, Trung ương quản lý đã lên đến trên 80 người. Tuy những người này không giữ được chữ liêm, không giữ phẩm chất lãnh đạo của người đầy tớ nhân dân. Nhưng thật vui vì sự nghiêm minh của Đảng, vì lòng dân ngày càng đồng thuận sắt son với Đảng.

Năm 2020 diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng để cùng chung tay chống dịch. Công tác phòng chống dịch của Việt Nam không những được nhân dân đồng thuận, mà còn được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Người xưa thường nói: thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận thì nước nhà hưng thịnh, việc gì cũng thành công.

Còn tục ngữ Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Ba tháng chống dịch Covid-19 trôi qua là 3 tháng mà cả hệ thống chính trị trên cả nước cùng nhân dân chung tay chủ động, sáng tạo, kiên gian bền chí để chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 giống như thử thách tinh thần quả cảm, giá trị đoàn kết của dân tộc Việt Nam như trong lịch sử đất nước đã tạo nên mốc son Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, hay xa hơn là Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa… của cha ông.

Hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đầu tàu kinh tế của đất nước, vừa thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế vừa cùng chống dịch Covid-19. Hà Nội trở thành điểm mấu chốt, chốt chặn tiền tiêu chống dịch, là điểm tựa cho cả nước ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Các tỉnh, thành phố khác bằng nhiều cách khác nhau đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế cùng cả nước sát sao trong công tác chống dịch. Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đặt đất nước như trong “thời chiến” vừa chiến đấu chống giặc Covid-19 vừa thực hiện “mục tiêu kép” để phát triển kinh tế – xã hội.

Qua những gì Việt Nam đã và đang làm được hôm nay, những gì xây dựng từ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đã làm bừng sáng một Việt Nam kiên cường, vượt khó, không chủ quan và bình tĩnh. Một đất nước trọn đời vì dân và Đảng – nhân dân chung một ý chí.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều