+
Aa
-
like
comment

Lịch sử cho thấy Trung Quốc không có vùng biển chủ quyền nào ở bãi Tư Chính

04/10/2019 17:11

Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải khu vực tranh chấp hay có chồng lấn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Ngày 3/10/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam về nhóm tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép. Trước phát biểu ngày 18/9 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/9/2019.

Khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này.

Bãi Tư Chính là cụm rạn san hô ở nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Bãi dài 63 km, rộng 11 km, phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33,88 km vuông. Nơi nông nhất nằm đầu mút phía bắc bãi Tư Chính, có độ sâu 16 m.

Về mặt hành chính, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không liên quan tới quần đảo Trường Sa. Việt Nam lắp đặt một số cụm dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật (nhà giàn DK) tại khu vực này kể từ năm 1989.

Về sau, mẫu nhà giàn mới có thiết kế rộng rãi và vững chắc hơn, ứng dụng kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Hiện có ba nhà giàn của Việt Nam đang hoạt động tại bãi Tư Chính gồm DK1/11, DK1/12 và DK1/14 được hoàn thành trong giai đoạn 1994-1995.

Trong họp báo chiều nay, khi được hỏi về việc Trung Quốc vừa phát hành bộ phim tài liệu “Nam Hải Nam Hải” chứa nhiều thông tin sai sự thật về Biển Đông, người phát ngôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế là không có lợi cho quan hệ hai nước”, bà Hằng nói.

Lịch sử là “nỏ thần” và tuyên ngôn của Việt Nam

Trong khi đó, theo Giáo sư Diến, soi chiếu từ vị trí địa lý để xem xét trên khía cạnh pháp lý, đặc biệt là chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – bản “Hiến pháp về Đại dương” và Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, được thành lập theo UNCLOS 1982 – bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Diến giải thích, bãi Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An Bắc) nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Trong khi đó, theo UNCLOS, một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven

bờ được quyền có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý và có vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa là không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đằng sau 2.500m nước một khoảng cách là 100 hải lý.

Như vậy, vùng thềm lục địa của Trung Quốc không thể kéo dài đến bãi Tư Chính. Không thể nói bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc. Trong khi đó, cũng chiểu theo UNCLOS, bãi Tư Chính nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, cũng đã bác bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các thực thể ở ngoài khơi Biển Đông, bao gồm một số thực thể ở Trường Sa chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý; không một thực thể nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS).

Từ lâu, Việt Nam cũng đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính. Ngay từ năm 1971, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm 1988, Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đã phân lô và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò, khai thác dầu khí tại đây.

Đến năm 1994, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với một công ty năng lượng lớn của Mỹ là ExxonMobil để khai thác lô dầu khí ở bãi Thanh Long cùng nằm trong phạm vi bãi Tư Chính. Từ năm 1989 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập Cụm Kinh tế, Khoa học và Dịch vụ có các trạm, nhà chòi, giàn khoan và đèn biển để tạo thuận tiện và hỗ trợ cho giao thông hàng hải, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học và các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như theo đúng UNCLOS.

Các bản đồ của Trung Quốc qua các thời kỳ đều xác định đảo Hải Nam là “thiên nhai, hải giác”, tức địa phận cuối cùng của Trung Quốc. Rõ ràng chính sử cũng như thư tịch, tài liệu của chính Trung Quốc đã được ghi chép khách quan, tôn trọng sự thật về Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều