Lệnh ngưng bắn đổ vỡ lần hai, các thành phố gần thủ đô Kiev liên tục bị bắn phá
Vệ binh quốc gia Ukraine và lực lượng được Nga hậu thuẫn buộc tội lẫn nhau khiến nỗ lực ngưng bắn lần 2 và thiết lập hành lang nhân đạo ở thành phố Mariupol, miền nam Ukraine thất bại.
Một thành viên thuộc Trung đoàn vệ binh quốc gia Azov phát biểu trên đài truyền hình Ukraine 24 rằng, binh lính Nga và các tay súng ly khai thân Nga đang bao vây thành phố cảng Mariupol cũng như tiếp tục bắn phá những khu vực đáng lẽ phải an toàn theo thỏa thuận đã đạt được giữa Moscow và Kiev.
Ngược lại, hãng tin Interfax dẫn lời một quan chức trong chính quyền nước Cộng hòa Donetsk tự xưng ở vùng ly khai Donbass, miền đông Ukraine cáo buộc các lực lượng của Kiev đã không tuân thủ lệnh ngừng bắn. Quan chức ly khai này nói, chỉ có khoảng 300 người đã rời Mariupol, trong khi nhà chức trách ban đầu dự định sơ tán hơn 200.000 người khỏi thành phố.
Theo Reuters, Hội đồng thành phố Mariupol trước đó thông báo, lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ bắt đầu có hiệu lực trong thời gian từ 12h đến 21h ngày 6/3 theo giờ địa phương (từ 17h ngày 6/3 đến 2h sáng 7/3 theo giờ Việt Nam). Thị trưởng Mariupol bày tỏ mong muốn sơ tán 400.000 cư dân khỏi thành phố đang bị tấn công bằng xe buýt hoặc phương tiện riêng.
Giới chức địa phương tiết lộ, một đoàn xe buýt phục vụ kế hoạch trên đã tập trung ở Zaporizhzhya, cách Mariupol khoảng 3 giờ lái xe. Tuy nhiên, đoàn xe không thể đến đích và cuộc di tản lần này đã thất bại.
Đây là lần thứ hai Nga và Ukraine cố gắng dàn xếp hành lang nhân đạo này nhưng bất thành. Hôm 5/3, hai bên cũng đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngưng bắn để cho phép người dân sơ tán khỏi Mariupol và Volnovakha, một thành phố phía nam khác của Ukraine.
Andriy Ignatov, một quan chức trong Hội đồng thành phố Mariupol tuyên bố, bạo lực vẫn tiếp diễn trong và xung quanh đô thị này hôm 6/3.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân Nga đã phá hủy hoàn toàn sân bay ở tỉnh miền trung Vynnytsia.
“Tôi hiện mới được thông báo về một vụ tấn công tên lửa nhằm vào Vynnytsia. 8 quả tên lửa chống lại Vynnytsia, thành phố hòa bình và tốt bụng, chưa từng đe dọa Nga theo bất kỳ cách nào. Một vụ tấn công tên lửa tàn nhẫn và độc ác. Sân bay đã bị phá hủy hoàn toàn. Bọn họ (Nga) tiếp tục hủy hoại cơ sở hạ tầng và cuộc sống của chúng tôi, những thứ mà chúng tôi, cha mẹ, ông bà của chúng tôi và nhiều thế hệ người Ukraine đã xây dựng”, ông Zelensky nói trong một thông điệp video mới đăng tải trên Twitter.
Lãnh đạo Kiev cũng nhắc lại đề nghị thiết lập một vùng cấm bay ở phía trên Ukraine, nhằm “tạo ra một vùng nhân đạo không tên lửa, không bom đạn”.
Ông khẩn thiết kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây trợ giúp Ukraine: “Chúng tôi là con người và nhiệm vụ nhân đạo của các bạn là bảo vệ chúng tôi, bảo vệ dân thường và các bạn có thể làm điều này. Nếu các bạn không làm, nếu các bạn ít nhất không trao cho chúng tôi các máy bay chiến đấu để chúng tôi có thể tự vệ thì kết luận duy nhất còn lại là, các bạn cũng muốn chúng tôi bị giết một cách từ từ. Đây cũng là trách nhiệm của các chính khách trên thế giới, các lãnh đạo phương Tây, ở hiện tại và mãi mãi”.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4/3 khẳng định, liên minh hiện không cân nhắc giải pháp lập vùng cấm bay trong không phận Ukraine, vì không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tin, động thái có thể dẫn tới “một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu”.
Hôm 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết, Moscow sẽ coi việc các nước lập vùng cấm bay ở Ukraine là “tham gia vào cuộc xung đột quân sự”.
Tình cảnh người dân 2 bờ cuộc chiến
Khủng hoảng Nga – Ukraine không chỉ khiến người dân Ukraine lâm vào tình cảnh khốn khổ, ly tán mà còn tạo gánh nặng, áp lực nặng nề lên đời sống người dân Nga.
Có tín hiệu tích cực tối thiểu từ vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine tại Belarus hôm 3-3. Hai nước ít nhất đã tìm được tiếng nói chung về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, trên thực địa, giao tranh giữa lính Nga và lính Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, với phía Nga đang chiếm nhiều ưu thế. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sẽ đạt bằng được mục tiêu tại Ukraine bất kể hoàn cảnh nào, theo đài RT.
Đáp trả lại hành động của Nga tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt ngặt nghèo và chưa từng có lên Nga, với mục đích “cô lập nước Nga về chính trị, tài chính và kinh tế”. Nhóm các nền kinh tế tiên tiến G7 hôm 4-3 cũng cảnh báo sẽ trừng phạt tiếp nếu Nga không xuống thang căng thẳng tại Ukraine.
Dân Ukraine khổ đau vì chết chóc, ly tán
Kể từ ngày 24-2, khi những chiếc xe tăng chở lính Nga vượt qua biên giới, người dân Ukraine sớm nhận ra rằng cuộc sống của họ đã bị xáo trộn hoàn toàn. Từ khi xung đột nổ ra, tiếng còi báo động không kích đã trở thành “một phần âm thanh” cuộc sống của người dân Ukaine, mọi sinh hoạt của họ dường như đã chuyển xuống các hầm trú bom, ga tàu điện ngầm. Bao trùm họ là nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng khi phải đối mặt với chết chóc giao tranh.
Số liệu từ chính phủ Ukraine và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cập nhật tới ngày 4-3 cho thấy dưới các đợt phóng tên lửa, các cuộc không kích, pháo kích và các vụ nổ, khoảng 2.000 dân thường Ukraine đã thiệt mạng.
Không những lo sợ cái chết, họ – những dân thường Ukraine vẫn đang mắc kẹt bên trong cuộc chiến – phải chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm, thuốc men. Đài DW mô tả rằng tại Kiev, lần đầu tiên sau nhiều thập niên người dân thủ đô phải sống trong tình trạng khan hiếm thuốc men, bánh mì và các thực phẩm thiết yếu khác. Ở khu vực trung tâm Kiev, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi trước các siêu thị, tuy nhiên không còn bánh mì, trái cây hay rau củ mà họa chăng chỉ còn bánh ngọt, thuốc lá và rượu.
Tại TP Kherson ở miền Nam Ukraine hiện đã bị phía Nga kiểm soát, người dân mô tả tình cảnh ở đây như “một thảm họa nhân đạo”. Khắp TP là sự hỗn loạn và nỗi lo sợ khi đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và thuốc men. Tình hình còn tệ hơn tại TP Mariupol thuộc tỉnh Donetsk, phía đông nam Ukraine. Phó thị trưởng Sergei Orlov ngày 3-3 cho biết nơi đây đã phải đối mặt với các cuộc pháo kích liên tục trong 26 giờ, đồng thời cảnh báo rằng khoảng 400.000 cư dân TP hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, theo đài CNN. Ông Orlov cho hay: “Họ (phía Nga) đang phá hủy TP của chúng tôi với tất cả vũ khí, từ pháo binh, từ máy bay ném bom, từ tên lửa chiến thuật, từ hệ thống tên lửa phóng loạt. Toàn TP đã mất điện, chúng tôi không có nguồn cấp nước, không có hệ thống vệ sinh, không có hệ thống sưởi”.
Một lượng lớn dân thường Ukraine, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, chọn cách di tản ra nước ngoài hoặc di chuyển về các khu vực tây Ukraine nhằm tránh giao tranh. Do lệnh tổng động viên, mọi nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi đất nước. Nhiều gia đình, cặp đôi Ukraine đã buộc phải nói lời chia tay trong nước mắt.
Theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cập nhật ngày 4-3, hơn 1,2 triệu dân thường Ukraine, trong đó hơn nửa triệu trẻ em đã phải di tản khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này. Song UNHCR cảnh báo nếu tình hình xung đột tại đây tiếp tục gia tăng thì khả năng sẽ có tới khoảng 4 triệu người Ukraine – bằng 1/10 dân số nước này – phải rời bỏ đất nước trong vài tuần tới. Châu Âu thậm chí còn đưa ra dự đoán kinh khủng hơn rằng sẽ có tới 7 triệu dân thường Ukraine tìm đường di tản nhằm tránh xung đột, tờ Economist đưa tin.
Dân Nga khốn khổ, lao đao vì trừng phạt
Trong khi người dân Ukraine khổ đau vì chết chóc, ly tán thì tại Nga, người dân nước này đang dần cảm nhận những khó khăn đến từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga, mà theo đánh giá của hãng tin AP là có quy mô và mức độ khắc nghiệt chưa từng có. Hàng loạt quốc gia phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga cũng như hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại tệ của Moscow.
Về các giao dịch tài chính, người dân ở thủ đô Moscow và các TP khác nói rằng các lệnh trừng phạt thực sự đã chạm đến cuộc sống thường ngày của họ. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2, đồng rúp Nga đã giảm tới 30% giá trị so với đồng USD, đài RT thông tin. Chuyện chuyển đổi từ đồng rúp sang ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn. Giá trị tiền tiết kiệm, tiền lương bị giảm nhanh chóng chỉ trong vài ngày. Vì hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không hoạt động, người dân gặp khó khi rút tiền và không thể mua nhiều mặt hàng nhất định. Truyền thông ghi nhận nhiều ngày qua luôn có hàng dài người mòn mỏi xếp hàng trước các trụ ATM để chờ đợi được rút tiền.
Giá cả hàng hóa cũng bắt đầu tăng lên, đặc biệt là các loại thiết bị điện tử và phụ tùng, khi Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng công nghệ, thuốc men và nhiều mặt hàng khác từ nhập khẩu. Nhiều mặt hàng nhất định trở nên khó mua hơn do một số công ty như Apple, Nike, H&M thông báo dừng hoạt động bán hàng ở Nga. Hàng loạt công ty quốc tế rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga. Các hãng tàu lớn nhất thế giới gồm MSC và Maersk tạm ngừng vận chuyển đến và đi từ Nga. Các hãng máy bay Boeing và Airbus đã ngừng cung cấp thiết bị và hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga.
Ngoài ra, dưới tác động của lệnh cấm bay từ phương Tây cũng như từ Nga, hàng chục ngàn người Nga vẫn còn đang mắc kẹt ở nước ngoài.•
Tuấn Anh