Lệnh ‘cấm cửa châu Âu’ của Trump gây hỗn loạn
Hành khách giận dữ chờ đợi hàng giờ để kiểm tra y tế tại các sân bay Mỹ, sau khi Trump bất ngờ cấm người đến từ châu Âu.
Chỉ hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mối đe dọa từ Covid-19 chỉ là “trò lừa bịp” của phe Dân chủ. Chính quyền của ông thậm chí cũng trì hoãn việc xét nghiệm nCoV cho người Mỹ trên diện rộng.
Khi Trump cuối tuần trước bất ngờ ra lệnh “cấm cửa châu Âu” trong vòng 30 ngày kể từ nửa đêm 13/3, hàng nghìn người Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã vội vã lên máy bay về nước trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Nhưng chờ họ ở quê nhà là hàng giờ xếp hàng chờ đợi làm thủ tục và kiểm tra y tế trước khi vào Mỹ.
Chính phủ Mỹ bắt đầu áp dụng chương trình “giám sát nhập cảnh tăng cường” đối với công dân và thường trú nhân trở về từ châu Âu, buộc hành khách phải khai báo y tế và đo thân nhiệt.
Nhưng mọi thứ dường như không được như kỳ vọng của Trump, khi lệnh cấm và chương trình giám sát y tế gây ra tình cảnh hỗn loạn ở nhiều sân bay Mỹ tối 14/3, với hàng nghìn hành khách mệt mỏi, giận dữ chờ đợi suốt nhiều giờ để qua cửa kiểm tra y tế. Dean Obeidallah, cựu công tố viên Mỹ, bình luận trên CNN rằng thực tế này cho thấy một thất bại của Trump trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ann Lewis Schmidt, hành khách trở về từ Iceland, cho biết khi tới sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago, mọi người phải xếp hàng đợi kiểm tra hộ chiếu, sau đó lại tiếp tục xếp hàng chờ kiểm tra y tế.
“Có vẻ họ đang làm ngược. Nếu ai đó bị sốt, họ lẽ ra không được xếp hàng cùng chúng tôi suốt 4 tiếng thế này”, Schmidt nói, thêm rằng mọi người phải đứng chen chúc với nhau. “Nếu không được kiểm tra y tế trước, chúng tôi giờ có nguy cơ nhiễm rất cao”.
Tại sân bay quốc tế Fort Worth ở Dallas, hành khách cũng buộc phải xếp hàng dài, thậm chí một số người phải chờ đợi 7 tiếng để được kiểm tra, trong khi vài người xung quanh họ “đang ho và hắt hơi”.
Hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York cho biết họ thậm chí còn không có nước rửa tay và phải dùng chung bút. Ít nhất một hành khách đã được đưa tới bệnh viện khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm nCoV, làm dấy lên lo ngại virus lây lan giữa những người phải xếp hàng chờ đợi ở sân bay.
Hành khách Kimberley Harris cho biết cô nhìn thấy nhiều người ở sân bay Fort Worth đã rời khỏi hàng chờ kiểm tra y tế và chuyển sang đứng cùng hàng với những người không thuộc diện phải kiểm tra, vi phạm các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt mà giới chức Mỹ đang cố thực hiện.
Những đám đông đứng chen chúc nhau đang trái ngược với lời kêu gọi về giữ khoảng cách xã hội an toàn mà các chuyên gia y tế và chính Tổng thống Trump đưa ra.
Những điều mà nhiều người mô tả như trong phim kinh dị hoặc viễn cảnh ngày tận thế giờ đang diễn ra ngay trên chính nước Mỹ. Điều gì đã gây ra tình trạng quá tải và hoảng loạn ở sân bay Mỹ? Bình luận viên Obeidallah cho rằng đây là hệ quả của những quyết sách thiếu hoạch định cụ thể của Trump.
Khi dịch Ebola bùng phát năm 2014, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã ra lệnh áp dụng chương trình kiểm tra y tế tương tự với những người Mỹ trở về từ vùng dịch. Trump lúc đó chê bai chính sách này của Obama là “trò đùa”, dù hành khách Mỹ năm 2014 không bị mắc kẹt nhiều giờ ở sân bay như bây giờ.
Theo Obeidallah, nếu chính quyền Trump lên kế hoạch một cách phù hợp khi áp dụng lệnh cấm, quá trình kiểm tra y tế ở sân bay có thể diễn ra một cách trơn tru. Nhưng thay vào đó, nó trở thành một mớ hỗn độn, có thể khiến nhiều người Mỹ nhiễm nCoV.
James Fallows, bình luận viên của The Atlantic, cho rằng khi đề ra “chương trình giám sát nhập cảnh tăng cường”, các quan chức trong chính quyền Trump chỉ nghĩ rằng đây là cách giúp người Mỹ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nCoV từ bên ngoài, nhưng không tự hỏi mình về những gì sẽ xảy ra sau đó.
“Điều gì xảy ra khi dòng người theo lẽ thường tình sẽ đổ xô về Mỹ cùng lúc, trước khi các hãng hàng không ngừng bay? Điều gì xảy ra khi sân bay quá tải, dẫn tới những hàng người dài dằng dặc? Điều gì xảy ra nếu một người trong số đó nhiễm nCoV? Các quan chức Mỹ dường như chưa đặt ra những câu hỏi này”, Fallows viết.
Nhiều quan chức Mỹ đã phải lên tiếng khi chứng kiến tình trạng lộn xộn ở sân bay. “Đám đông đứng chen chúc và hàng người xếp dài ở sân bay O’Hare là điều không thể chấp nhận và cần được giải quyết ngay lập tức”, Thống đốc Illinois J.B. Pritzker viết trên Twitter và kêu gọi Tổng thống Trump cùng Phó tổng thống Mike Pence “phải làm gì đó ngay lập tức”.
“Chính quyền đã không có sự chuẩn bị sau khi Tổng thống ra lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu”, Dick Durbin, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Illinois, bày tỏ quan ngại trên Twitter.
Trump lập tức đăng bài trên Twitter, đáp trả những lời chỉ trích gay gắt. “Chúng tôi đang thực hiện kiểm tra y tế một cách chính xác ở các sân bay. Xin lỗi vì đã gây ra sự gián đoạn và chậm trễ. Chúng tôi đang cố gắng tiến hành nhanh nhất có thể nhưng quan trọng là phải thận trọng và cẩn thận. Chúng tôi phải làm như vậy. An toàn là trên hết”, ông viết.
Mark Morgan, đại diện Cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP) Mỹ, cũng ra tuyên bố thừa nhận rằng việc chờ đợi ở nhiều sân bay hôm 14/3 là điều không thể chấp nhận. Ông cho biết CBP “liên tục có sự điều chỉnh khi cần thiết” và sẽ tiếp tục làm như vậy.
“Với tình trạng khẩn cấp quốc gia hiện nay, chúng tôi rất tiếc phải gây ra sự gián đoạn và tăng thời gian làm thủ tục cho hành khách. CBP đang làm việc suốt ngày đêm để giảm thiểu những bất tiện đó”, Morgan nói.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Tổng thống Trump không có những động thái chuẩn bị để thực hiện chính sách họ đưa ra, trong khi việc hàng nghìn công dân và thường trú nhân từ châu Âu sẽ ồ ạt trở về Mỹ là điều có thể dự đoán trước.
Theo Obeidallah, chính quyền Trump đáng lẽ nên thiết lập một hệ thống vận hành hiệu quả và năng suất, đồng thời đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn giữa những người xếp hàng chờ, thay vì để những người khỏe mạnh đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm.
Các dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19 hay Ebola chính là bài kiểm tra khả năng lãnh đạo và xử lý khủng hoảng của người đứng đầu nước Mỹ. “Trump tới nay có vẻ chưa vượt qua được bài kiểm tra này”, Obeidallah nhận định.
Hồng Anh (Theo CNN)