Lên thảo nguyên M’Drắk thăm Đặng Lê Nguyên Vũ cuối tháng 10
Đặng Lê Nguyên Vũ hẹn tôi ở M’Drắk vào một ngày cuối tháng 10, sau khi tôi ngỏ ý muốn lên thăm anh.
Tính từ lần tôi gặp Vũ gần nhất, đã hơn 1 năm. Tính từ lần tôi lên M’Drắk gần nhất, cũng đã hơn 7 năm. Dù mốc thời gian cách xa nhau, lần gặp lại này, cả Vũ và M’Drắk đã khác. Rất khác.
Gặp lại chiếc xe màu nhà binh
Theo kế hoạch mà nhân viên của Đặng Lê Nguyên Vũ chuyển cho tôi, thay vì bay lên Đắk Lắk như lần trước, tôi sẽ bay ra Cam Ranh, sau đó sẽ có người đón đưa lên M’Drắk. Quãng đường mới dài hơn 50 km, tôi được giải thích là vì “Đắk Lắk ít chuyến bay” khi gặng hỏi sao không chọn con đường ngắn nhất. Tôi đang nôn nóng muốn gặp Đặng Lê Nguyên Vũ. Sau lần gặp tháng 9 năm ngoái với loạt bài Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi và Vũ chưa gặp lại. Dù sau đó và cho đến cả cuộc gặp này, Vũ chưa hề nhắn tin, gọi điện hay chuyển lời gì đến tôi nhưng tự trong lòng, tôi có gì đó vẫn áy náy với anh.
9 giờ sáng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, 14 giờ 30 tôi có mặt tại trạng trại của Đặng Lê Nguyên Vũ. Cuối tháng 10, Đắk Lắk vẫn nắng nóng nhưng gió từ núi, từ hồ mang hơi nước thổi vào mát rượi. Vẫn đất, sỏi nhưng đường sá dễ đi hơn, không gồ ghề ổ voi, ổ gà như trước. Ngay lối rẽ lên vào trang trại, một vọng gác bằng gỗ được dựng lên tự bao giờ. Thấy xe chúng tôi tiến vào, người thanh niên bên trong đứng dậy cúi đầu chào. 2 bên đường, lau sậy mọc dầy, hoa trắng phất phơ trước gió như cảnh trong các bộ phim dã sử. Tôi mở kính ngắm nghía, mùi núi rừng lẫn vào gió nồng nàn, lạ lẫm. Một phiến đá lớn khắc dòng chữ “Nhà trên đồi” vừa kịp chạy qua tầm mắt thì cũng là lúc xe chúng tôi đỗ xịch trước một ngôi nhà lớn trên đỉnh đồi. Chưa định hình được địa thế nhưng tôi biết, đây không phải là căn nhà nhỏ Vũ ở trước kia tôi đã đến.
Ở trang trại của Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt nhiên không có đồ nhựa. Trong phòng nghỉ, mọi vật dụng như sữa tắm, kem đánh răng, dầu gội đầu… đã chuyển sang chai lớn, sử dụng nhiều lần thay vì sử dụng một lần như các khu nghỉ dưỡng khác. Ở đây cũng có một bảng nội quy về bảo vệ môi trường cho các du khách
Tôi mở cửa xe, chưa kịp nhảy xuống thì đập vào mắt là chiếc ô tô sơn màu nhà binh đậu ngay trước ngôi nhà. Chiếc xe nổi bật trong không gian khoáng đạt của núi rừng. “Ồ, xe đẹp quá, của ai vậy” “Dạ, xe của Tập đoàn ạ” – cậu lái xe trả lời. Một cảm giác thân thuộc ùa về trong tôi. Tôi vẫn nhớ những chiếc xe sơn màu nhà binh đậu trước cửa tòa nhà của Tập đoàn Trung Nguyên trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM).
Hồi đó trụ sở Báo Thanh Niên còn ở Cống Quỳnh, tôi ngày ngày chạy xe qua Bùi Thị Xuân nên thường xuyên gặp “đoàn xe nhà binh” của Vũ. Đặng Lê Nguyên Vũ thích màu quân đội. Không chỉ trang phục, đến cả xe hơi trong công ty Vũ cũng cho sơn màu nhà binh, như một cách nhắc nhở nhân viên trong Tập đoàn về tính kỷ luật. Vũ bảo, phải có kỷ luật, không phải kỷ luật thường mà kỷ luật nhà binh thì hệ thống mới mạnh, mới đi xa được. Nhưng từ khi thiền, Vũ chuyển sang màu trắng. Từ trang phục, giày vớ, nơi ăn, chốn ngủ… đều trắng hết. Thế nên gặp chiếc xe màu nhà binh, được “độ” thêm phía sau nhiều thiết bị trông khá hầm hố khiến tôi có cảm giác như gặp lại một Đặng Lê Nguyên Vũ mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng trước kia. Lẽ nào trở lại M’Drắk, “vua cà phê” đã hoàn nguyên? Suy nghĩ đó khiến tôi hào hứng hẳn lên dù vừa trải qua một hành trình gần 6 tiếng để có mặt tại vùng đất được ví như “Dubai phiên bản Việt” này.
Qua có công thức chữa lành tất cả mọi bệnh tật
Nhưng vẫn chưa thấy Đặng Lê Nguyên Vũ. Đón chúng tôi là các nhân viên của “Nhà trên đồi”. Tất cả đều mặc áo dài may bằng chất liệu vải cotton trắng, đi đứng nhẹ nhàng, gần như không phát ra tiếng động. Một cô nhắc chúng tôi thay giày, sử dụng dép cao su đã được chuẩn bị sẵn trước khi bước vào bên trong.
Đó là ngôi nhà được xây dựng từ chất liệu chính là gỗ và đá, mái hình chóp lợp bằng rơm thường thấy ở các vùng nông thôn. Toàn bộ nền nhà được rải đá dăm trắng, lối đi là những phiến đá lớn hơn, màu sẫm nổi bật. Chính giữa sảnh đặt một khối hình vuông bên trong là những gộc củi khô gác lên nhau, như cái bếp lửa. Phía tay trái tòa nhà là một quầy bar dài với nhiều loại máy pha cà phê, các loại cà phê, sách, một đĩa khoai lang luộc, trái cây…
Theo giới thiệu của các nhân viên ở đây, “Nhà trên đồi” được khánh thành đưa vào sử dụng hơn 1 tháng. Trước tôi, mới chỉ có một đoàn kiến trúc sư và thiền sư nổi tiếng của Nhật tới khảo sát để thiết kế một vườn thiền theo phong cách Nhật Bản tại trang trại. “Ngôi nhà này sang năm phục vụ du khách. Trung Nguyên đang thiết kế một tour đặc biệt dành cho những khách hiểu giá trị của thiên nhiên, của sự tĩnh lặng. Mỗi một quả đồi chỉ có một villa gồm 5 phòng, có phòng lớn cho cả gia đình, có phòng đơn cho khách lẻ hoặc cho những gia đình 3 thế hệ. Trừ khu riêng của Chủ tịch Tập đoàn thì du khách sẽ được cưỡi ngựa, hướng dẫn thiền, yoga… ở trong trang trại” – nhân viên này nói.
Sau gặp Đặng Lê Nguyên Vũ, anh gọi đó là “Cung cấp lối sống minh triết”. “Vì Qua có công thức chữa lành cái thân mà không có nền y học hiện đại nào làm được. Sau này chỉ có gãy tay, gãy chân… còn mọi bệnh tật đều có thể chữa bằng nguồn năng lượng gốc hết. Giống như Nguyên Hằng, mầm bệnh mầm đồ chỉ cần 7 ngày lên đây là hết. Đo đi, huyết áp, đường huyết… tất cả các chỉ số trước khi lên núi nếu có, xuống núi là hết tất. Sạch trơn hết. Cung cấp lối sống minh triết, tối giản nhất nhưng tối ưu nhất. Qua dạy cho họ cái cách mà họ luôn luôn có cái họ muốn” – Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích. Vũ đang ấp ủ xây dựng M’Drắk Eden thành “Địa đàng thực chứng”, nơi mọi người được trải nghiệm các mô hình mẫu, ngôi nhà kiểu mẫu, cộng đồng – buôn làng kiểu mẫu… Sẽ thực hiện “lối sống minh triết” từ ăn tỉnh thức, mặc tỉnh thức, ở tỉnh thức nhằm tiêu trừ các vấn nạn đau khổ, đói nghèo, bệnh tật và tạo nên những cá nhân mẫu, gia đình mẫu…
Nhân viên ở đây cho biết, giá tour đang được xây dựng nhưng sẽ bao gồm toàn bộ sinh hoạt ăn ở của khách. Thực phẩm sạch do trang trại cung cấp. Người lớn được cưỡi ngựa, hướng dẫn yoga, thiền; trẻ em có cơ hội khám phá một vùng núi đồi hoang sơ, các loại cây cỏ truyền thống. Ở đây tuyệt nhiên không có ti vi, wifi… vì chủ nhân muốn du khách nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn để hòa mình với thiên nhiên.
“Vùng đất này 6 tháng nắng, 6 tháng mưa nên sẽ có nửa năm không đón khách, để duy tu bảo dưỡng. Đây là khu nhà đầu tiên, sang năm xây thêm 1 khu nữa, cũng trên đồi để khách có sự riêng tư. Theo quy hoạch tối đa M’Drắk Eden chỉ có 5 khu villa, 1 khu từ 3 – 5 phòng, sức chứa từ 8 – 12 khách. Khách sẽ được đưa đón tại sân bay và khi chia tay sẽ được tặng những sản vật của M’Drắk như tinh dầu xả, mật ong…” – nhân viên này cho biết.
Khu vực “giới nghiêm”, quay lại thôi
Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã hơn 1 tiếng trôi qua, vẫn không thấy Đặng Lê Nguyên Vũ. Cũng không thấy tín hiệu nào cho biết chúng tôi sẽ được dẫn đi gặp Vũ hay Vũ sắp tới. Nhận thấy vẻ sốt ruột của tôi, cô nhân viên nhẹ nhàng nói: “Em đưa chị Hằng về phòng nghỉ ngơi nhé”. “Không cần đâu, anh Vũ ở đâu nhỉ?” “Dạ, em đã báo Chủ tịch rồi ạ” “Vậy bao giờ chị sẽ gặp anh Vũ” “Dạ, chị chờ khi nào nhận được tin em sẽ báo lại” – cô trả lời và nhắc: “Chị Hằng nhắn chào Chủ tịch một tiếng cho Chủ tịch vui”. Ôi trời, lại còn thế nữa. Rõ ràng là Đặng Lê Nguyên Vũ và tôi có hẹn. Tôi tranh thủ lên trang trại, cứ tưởng sẽ gặp Vũ ngay, thế mà… Nhưng tôi chưa kịp nhắn tin chào Đặng Lê Nguyên Vũ thì nhận thông báo mới “Chủ tịch nhắn chị cứ nghỉ ngơi thiện lành đi rồi sáng mai 7 giờ Chủ tịch gặp chị”.
Tôi tưởng mình nghe lộn. Điều này nằm ngoài dự tính của tôi. Nhớ lần trước tôi lên M’Drak, chuyến bay trễ nên khoảng 19 giờ tôi mới có mặt tại trang trại. Vũ đợi tôi ở cái hiên nằm cheo leo trên đồi nhìn xuống. Chúng tôi vừa ăn tối, vừa nói đủ thứ chuyện trên đời đến khuya. Lần này thì… trang trại đã khác. Vũ lại quá khác. Chỉ có tôi vẫn mang tâm thế cũ. Vẫn chờ đợi một cuộc gặp gỡ thân mật, chờ đợi một bữa tối với chủ nhân. Theo kế hoạch thì khoảng 10 giờ sáng mai tôi sẽ từ trang trại ra sân bay. Nên tối nay là hoàn hảo cho một cuộc gặp gỡ. Thâm tâm tôi nghĩ, hẹn sáng mai, nếu có gì đột xuất, lên tới M’Drắk rồi lại chẳng thể gặp Đặng Lê Nguyên Vũ thì buồn quá. Tôi lấy máy nhắn tin cho Đặng Lê Nguyên Vũ “đòi” gặp luôn buổi tối rồi xách đồ về phòng thấp thỏm chờ đợi. Một lát nhân viên của Vũ thông báo “Chủ tịch nói 7 giờ tối sẽ gặp chị”. Tôi thở phào dù chẳng có một bữa tối thân mật như tưởng tượng.
Còn vài tiếng đồng hồ trước khi tới giờ gặp, tôi đề nghị được đi một vòng thăm qua trang trại. Anh Sơn, tổng quản lý tại M’Drắk làm hướng dẫn viên chở chúng tôi lên khu chuồng ngựa. Ở đây giờ chỉ còn khoảng 50 con, tất cả là giống ngựa Ả Rập, đời thứ 2 được sinh ra tại trạng trại. “Chủ tịch mới cho bớt một khu du lịch hơn trăm con” – anh Sơn nói và bụm tay lên miệng : “Bọn em hú là ngựa chạy lại. Nhưng chỉ cần thấy Chủ tịch là chúng dồn về hết ngay. Chủ tịch yêu chúng và chúng biết điều đó. Trước kia, ngày nào Chủ tịch cũng lên đây nhưng giờ thì ít lắm” – anh Sơn giải thích.
Đặng Lê Nguyên Vũ rất yêu ngựa. Tôi nhớ năm 2009 khi đang ấp ủ dự án “Thánh địa cà phê toàn cầu” Vũ đã nhập mua rất nhiều ngựa về đây. Hồi đó Vũ chưa ghiền xì gà như bây giờ. Thú vui của Vũ là đọc sách và cưỡi ngựa. Mỗi khi mệt mỏi, Vũ lại trốn vào phòng sách vài ngày đọc hoặc về trang trại ở Đắk Lắk cưỡi ngựa. Vũ nói anh mê ngựa và chó Phú Quốc vì sự thông minh “có đẳng cấp” và tính trung thành của 2 loài này. Giờ M’Drắk chỉ còn ngựa, không còn chó Phú Quốc nữa…
Rời chuồng ngựa, chúng tôi hướng sang khu nhà cổ, ngôi nhà Vũ ở trước đây. Nhưng vừa chạy được một đoạn, Xe dừng lại và quay đầu. “Chủ tịch đang ở gần đây, khu này giới nghiêm rồi” “Sao vậy” “Mỗi lần Chủ tịch về M’Drắk thì toàn bộ khu vực này ngoại bất nhập, kể cả người làm vườn để giữ yên tĩnh tuyệt đối cho Chủ tịch” – anh Sơn giải thích và chỉ tay lên phía trước, nơi con đường dẫn vào khu vực giới nghiêm nói: “Tối là có cái xe đậu ngay ở đó cảnh giới. Ban đêm là bất khả xâm phạm, ban ngày Chủ tịch gọi mới vô. Một mình Chủ tịch ở trong đó, không ai được vào. Khu này muốn xâm nhập phải bơi qua hồ, sông. Mà bơi qua thì bảo vệ nhìn thấy. Ngoài mặt tiền có lối đi vào thì xung quanh là hồ hết”.
Chúng tôi đành quay lại khu “Nhà trên đồi” chuẩn bị cho cuộc gặp buổi tối.
>> Kỳ tới: Cuộc gặp gỡ trong hang đá
Nguyên Hằng/ Thanh Niên