Lên phương án di dời 150.000 dân trước khi bão số 7 đổ bộ
Dự báo trưa đến chiều nay, bão số 7 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Thái Bình – Nghệ An. Các tỉnh nằm trong khu vực bão
Thông tin này được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 và mưa lớn diễn ra sáng 14-10.
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết rạng sáng nay, bão số 7 đã vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo trưa đến chiều nay, bão sẽ vào đất liền các tỉnh Thái Bình – Nghệ An.
Nguy hiểm nhất trong sáng và chiều nay là có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 trên vịnh Bắc Bộ. Ven bờ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Trên đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đến Thanh Hóa và Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Hoàn lưu bão rộng nên mưa đã bắt đầu từ sáng sớm nay, lượng mưa tăng cường mạnh từ trưa nay. Mưa diễn ra tập trung ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt 200-300mm, lưu ý mưa lớn ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… có mưa rất lớn. Các hồ chứa ở khu vực này cũng chủ động để ứng phó để điều tiết xả lũ.
Khả năng trên thượng lưu sông Mã báo động 1, báo động 2. Sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có thể lên mức báo động 2, báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở các khu đô thị, trong đó Hà Nội.
Theo đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 6h sáng nay, 7 tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã cấm biển.
Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An lên phương án sơ tán hơn 150.000 dân trước khi bão đổ bộ (tỉnh Thanh Hóa 10.824 hộ/46.760 người nằm trong phạm vi cách bờ biển 200m; tỉnh Nghệ An 12.341 hộ/102.112 người; Nam Định: 1.100 người, Thái Bình: 3.019 người; Ninh Bình: 412 người). Riêng TP Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn.
Theo đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 14-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 tàu/115.607 người biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
“Hiện chỉ còn 330 tàu/700 người chủ yếu hoạt động ven bờ Quảng Ninh. Sáng nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh sẽ ra biển kiên quyết yêu cầu các tàu này về bờ để đảm bảo an toàn” – đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng nói.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết rút kinh nghiệm vụ tàu Vietship. Các địa phương có phương án neo đậu để đảm bảo an toàn.
“Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, chòi canh. Nếu chủ quan mà để xảy ra như tàu Vietship phải dùng trực thăng cứu là rất nguy hiểm. Đối với vấn đề sạt lở đất cũng vậy, chỗ nào có nguy cơ phải rà soát, di dời ngay, tránh hậu quả đáng tiếc” – ông Dũng nói.
Ông Vũ Xuân Thành, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nói với bão số 7 cần tập trung để ứng phó, đặc biệt các tàu thuyền tại Quảng Ninh còn hoạt động, do đó cần quyết liệt yêu cầu các tàu thuyền vào bờ.
“Các địa phương tiếp tục rà soát người dân ở ngoài đê biển, tàu thuyền, chòi canh. Kiên quyết không để người dân ở lại, cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn” – ông Thành nói.
CHÍ TUỆ/ TTO