Lên án hành động kích động nhân dân, kêu gọi chiến tranh
Những khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thay vì dùng vũ lực thì chúng ta chỉ ‘kịch liệt phản đối’ – đây được xem là vũ khí nguy hiểm cho Trung Quốc nhưng an toàn với Việt Nam. Thế nhưng, lợi dụng việc này các thế lực thù địch, phản động lại không ngừng la ó, kích động nhân dân, kêu gọi chiến tranh.
“Kịch liệt phản đối” không dùng vũ lực – vũ khí đập tan âm mưu của Trung Quốc
Thời gian qua, dựa vào sự kiện Trung Quốc thực hiện xây dựng quy mô lớn trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam; Bộ Quốc phòng Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không mới” (ADIZ) trên Biển Hoa Đông…
Đặc biệt, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hage, Hà Lan tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, trên các trang mạng xã hội, các Blog cá nhân và cả những kênh thông tin khác như Đài BBC tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do RFA… các thế lực thù địch, phản động lại “cấp tốc” đăng tải những bài viết bình luận với giọng điệu đầy hiềm khích.
Kêu gọi biểu tình, kêu gọi chiến tranh về biển Đông là hành động không thể chấp nhận
Mặt khác, lợi dụng các sự việc đó, chúng lôi kéo nhân dân thiếu thông tin để tụ tập, biểu tình, đổ lỗi cho Đảng ta, Nhà nước ta nhu nhược, Chính phủ ta hèn nhát, Quân đội ta yếu kém trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nguy hiểm hơn, chúng còn kêu gọi phát động chiến tranh. Chúng cho rằng, chỉ có chiến tranh mới giải quyết được vấn đề nói trên và rêu rao rằng, chiến tranh là cách thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt thiết tha nhất…
Dựa vào thực tế, nếu chúng ta nổ súng thì chưa chắc bên nào sẽ giành chiến thắng nhưng tất yếu cả hai đều bị thiệt hại về người và của; khi ấy Trung Quốc sẽ có cớ tấn công chúng ta, Việt Nam rơi vào bẫy của Trung Quốc là biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp, đưa hòa bình thành chiến tranh.
Với lại, trong xu thế toàn cầu hóa, thương mại hóa nếu Việt Nam nổ súng trước, chiến tranh xảy ra thì tổn thất về mặt kinh tế cho chúng ta cũng vô cùng lớn.
Việc tuyên bố ‘kịch liệt phản đối’ tưởng nhẹ nhàng nhưng là vũ khí rất lớn đập tan âm mưu thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu của Trung Quốc.
Theo luật pháp quốc tế, trong các hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, có nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu, một nguyên tắc mà một số nước lợi dụng để mạo nhận chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ mà họ đang chiếm đóng một cách bất hợp pháp.
Thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu được hiểu là thụ đắc chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ bằng chiếm hữu trên thực tế trong một thời gian dài và không có sự tranh chấp trực tiếp (Chiếm hữu trên thực tế Trong thời gian dài Không có sự tranh chấp trực tiếp = Chủ quyền lãnh thổ).
Để có được chủ quyền lãnh thổ tại một vùng tranh chấp thì Trung Quốc phải thỏa mãn ba yếu tố chiếm hữu trên thực tế, trong thời gian dài, không có sự tranh chấp trực tiếp. Nhưng ở đây, Trung Quốc chỉ đạt tối đa 2/3 tiêu chí đối với Quần đảo Hoàng Sa, một phần của Quần đảo Trường Sa và không bao giờ có được Chủ quyền lãnh thổ vì Việt Nam bác bỏ yếu tố thứ ba (không có sự tranh chấp trực tiếp) bằng những tuyên bố ‘kịch liệt phản đối’.
Như vậy, ý nghĩa của những tuyên bố ‘kịch liệt phản đối’ từ Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế thì các vùng tranh chấp nêu trên dù Trung Quốc đang chiếm hữu thực tế vẫn là lãnh thổ của Việt Nam.
Việt Nam sẽ làm mọi cách để bảo vệ hòa bình và chủ quyền lãnh thổ
Hơn 40 năm non sông thu về một mối, Tổ quốc ta liền một dải. Cùng với thời gian, đất nước ta đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy thế, những dấu tích lịch sử sau từng ấy năm và nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn đeo đẳng nhân dân ta mãi mãi. Không có mảnh đất nào, gia đình nào trên đất nước Việt Nam không phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
Nhưng vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nên khi “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, trên khắp đất nước ta từ già đến trẻ đều xung phong ra mặt trận, không quản gian khó, sẵn sàng hi sinh để giành, giữ Tổ quốc. Hành trang trong chiến đấu luôn có trong trái tim là khát vọng hòa bình. Đó luôn là lý tưởng cao đẹp để phấn đấu và hướng tới.
Đất nước chúng ta đang thay đổi từng ngày trên con đường hội nhập và phát triển. Chúng ta đang được hưởng những gì tốt đẹp của một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển. Dù cho trong quá trình phát triển ấy cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định, nhưng chúng ta đã và đang được thụ hưởng bầu không khí hòa bình trên đất nước Việt Nam. Chúng ta yêu hòa bình, chúng ta phải làm tất cả vì hòa bình. Đó là kết tinh lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta thật hào hùng, ghi nhận biết bao sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền đất nước, duy trì hòa bình, ổn định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Nhân dân ta luôn coi trọng hòa bình và không bao giờ muốn chiến tranh tái hiện trên mảnh đất Việt Nam. Bởi chiến tranh không phải là một trò đùa, hay là cuộc “tỷ thí” để khẳng định mạnh yếu, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người, của quốc gia dân tộc và của nhân loại. Dã tâm gieo rắc chiến tranh đồng nghĩa với việc cổ súy con người hủy hoại cuộc sống của chính đồng loại mình… đó là tội ác cần phải lên án, dù chỉ trong tư tưởng.
Cùng với đó, Luật pháp quốc tế không phải là một trò đùa và dân tộc Việt Nam với hơn 90 triệu dân đang một lòng hướng về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng mọi giá.
Ý chí đó đang hiện hữu trong từng quyết định của ngày hôm nay, trong từng lời tuyên bố đanh thép gọi thẳng tên Trung Quốc xâm lược biển đảo của ta; trong từng bài báo đã không còn né tránh bằng hai từ “tàu lạ”; trong cả những buổi hội đàm về Biển Đông mà ở đó là sự hiện diện của cả những gương mặt từng có những ý kiến trái chiều; trong cả quyết định từ chối nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam; cả khi chúng ta từ chối hòa mạng 5G của Huawei;…
Mới đây thôi, Hội nghị Trung ương 11 dẫu khép lại nhưng nhiều vấn đề hệ trọng được mở ra trong đó Biển Đông như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rất rõ, rất cụ thể phải: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền”. Khúc quân hành cùng yêu cầu của người đứng đầu Nhà nước là sức mạnh dân tộc đã đang được kết nối bởi Hoàng Sa, Trường Sa và Tư Chính.
Sách lược, chiến lược mỗi thời điểm, mỗi tình thế luôn khác nhau, được vận dụng một cách phù hợp, đó là điều bình thường của mọi cuộc đấu tranh. Sứ mệnh Tổ quốc đang trĩu nặng trên vai những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư can trường. Chúng ta đã hành xử theo pháp luật khi đấu tranh trên biển, thì không cớ gì, trong đất liền vốn dĩ là hậu phương vững chắc lại tự gây sóng gió, tự gây rối loạn.
Không chỉ chúng ta mà công luận quốc tế cũng đã thấy rõ các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tuy ít nhưng vẫn bình tĩnh, kiên quyết, thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia trước một lực lượng cậy đông, hung hăng, bất chấp phải trái. Hàng loạt tàu lớn các loại của Trung Quốc đang hùng hổ phô trương sức mạnh chẳng làm cho lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh sát biển Việt Nam sợ hãi, nao núng. Đây là gì, nếu như không phải là bản lĩnh của Việt Nam? Vậy thì xin hỏi vấn đề Biển Đông có thực sự “mờ nhạt”, có thực sự là “lãnh đạo Việt Nam coi như trên Biển Đông không hề có gì xảy ra” như ai đó đang rêu rao?
Đinh Lực