Lễ nhập kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Sáng 23/1, thi hài của thiền sư Thích Nhất Hạnh được đưa từ thất Lắng Nghe sang thiền đường Trăng Rằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
Lễ khâm liệm diễn ra trong khoảng 30 phút theo nghi thức truyền thống. Trước đó, tăng ni, phật tử được vào thất Lắng Nghe để nhìn ngài lần cuối.
Sau lễ khâm liệm, tăng ni, phật tử lần lượt vào viếng linh cữu của thiền sư đặt ở chánh điện thiền đường Trăng Rằm. Tất cả người dân, phật tử tham dự mang khẩu trang phòng dịch Covid-19.
Để tiện cho người dân, phật tử theo dõi, chùa Từ Hiếu đã chuẩn bị 6 màn hình led trong khuôn viên chùa.
Trước lúc viên tịch lúc 0h ngày 22/1 tại thất Lắng Nghe, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã căn dặn các đệ tử: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung”.
Thiền sư cũng dặn các đệ tử rằng “thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền”.
Thực hiện theo ý nguyện này, chùa Từ Hiếu thông báo lễ nhập kim quan (khâm liệm) thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra vào 8h ngày 23/1; lễ trà tỳ (lễ thiêu) lúc 7h ngày 29/1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong thời gian này, nhà chùa đề nghị khách đến thăm viếng cùng thực tập “tâm niệm cúng dường”, miễn phúng điếu vòng hoa, trướng liễn để toàn bộ tang lễ diễn ra trong sự im lặng, thanh tịnh và trang nghiêm.
Sau lễ trà tỳ, xá lợi thiền sư sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới (không xây bảo tháp đặt lọ tro) để thực hiện theo di nguyện của ngài.
Thông điệp chạm đến triệu trái tim của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Nhất Hạnh là một trong những bậc thầy tâm linh nổi tiếng và được kính ngưỡng nhất trên thế giới. Được các học trò gọi một cách thân thương là Thầy, Thiền sư đã sống một cuộc đời thật phi thường.
Thầy là tác giả của hàng trăm cuốn sách về thiền tập, thực hành chánh niệm và hoà bình, rất được ưa chuộng ở nhiều quốc gia, trong đó có những tác phẩm đã được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng.
Với thông điệp bình an, hạnh phúc và hoà giải, Thầy đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới. Điều cốt yếu trong những lời dạy của Thầy là bằng sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể học được cách sống trọn vẹn trong hiện tại, bây giờ và ở đây, thay vì bị kéo về quá khứ hoặc tương lai, và đây cũng là con đường để ta thực sự có được bình an trong tự thân và bình an trên thế giới.
Là người khởi xướng tư tưởng “đạo Bụt đi vào cuộc đời”, Thầy đã dành trọn tâm huyết để thực hành và hướng dẫn mọi người thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày, giúp chuyển hoá nỗi khổ niềm đau thành an lạc và hạnh phúc.
Phương pháp thực tập chánh niệm mà Thầy giới thiệu đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực giáo dục, tâm lý học, tâm thần học để giúp chữa trị các chứng bệnh trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Tăng thân Làng Mai đã trở thành những “viên đá lót đường” cho phong trào thực tập chánh niệm ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới.
Người biết duy trì chánh niệm có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi loài xung quanh bằng tình thương đích thực và sự hiểu biết đúng đắn, từ đó góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp, một thế giới đại đồng. Đó cũng là thao thức, là hạnh nguyện thẳm sâu của Thầy.
Thực tập chánh niệm cũng là một cách để tri ân Thầy và tiếp nối con đường đạo Bụt đi vào cuộc đời mà Thầy đã khởi xướng!
Minh Ngọc