+
Aa
-
like
comment

Lễ khai giảng cho ai?

27/08/2019 10:09

Lễ khai giảng một, hai năm học gần đây ít nhiều có đổi mới nhưng quán tính cũ còn nặng. Chuẩn bị kịch bản ngày khai giảng thường phụ thuộc vào chức vụ đại biểu về dự, có thể nói không ngoa: hầu hết vì đại biểu về dự khai giảng.

Lễ khai giảng cho ai? - Ảnh 1.
Lễ khai giảng đầy niềm vui của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TP.HCM) năm học 2018-2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trường nào có đại biểu về dự, giờ hiệu trưởng đang “vắt chân”… chạy! Ngày khai giảng, học sinh được tập trung sớm, tất nhiên trước đó mấy ngày đã có tập dượt hát Quốc ca, phát biểu của học sinh, các tiết mục văn nghệ, trò chơi; tập dượt cả nghi thức đón đại biểu, có trường còn cẩn thận cho học sinh tập… vỗ tay chào khách.

Từ đó, trong lễ khai giảng, vị trí trung tâm không thuộc về học sinh, các em đến khai giảng như tham gia một hoạt động trải nghiệm của nhà trường. Xúc cảm ngày khai giảng, từ trẻ mầm non đến học sinh phổ thông, thật nhạt nhòa.

Ký ức ngày đầu tiên đi học của nhiều thế hệ học sinh xưa nay chỉ còn là hoài niệm. Diễn văn khai giảng, có trường nhắc đến qua trích đoạn bài viết Tôi đi học của Thanh Tịnh, nhiều học sinh không quan tâm, ai cũng biết – một sự gượng ép, níu kéo vụng về!

Để ngày khai giảng – học sinh ở vị trí trung tâm, làm sao thầy trò có ngày khai giảng ý nghĩa, mang tính nhân văn, thấm đậm sự trong sáng, sâu sắc của học đường? Trong sự phát triển chung hiện nay, vẫn cần thiết đưa hoạt động của thầy trò vào tình huống có thực, với xúc cảm có thực (hai cực phát triển đó luôn đòi hỏi sự hài hòa, trước hết là ở học đường). Biết vậy nhưng người trong cuộc khó đột phá lúc này.

Đó là chưa nói đến có hiệu trưởng suy nghĩ mình có thanh thế, trường mình có thành tích nên lãnh đạo mới về dự khai giảng. Người dự như cũng muốn thể hiện sự ưu ái, quan tâm đến ngành giáo dục?

Không nên tổ chức lễ khai giảng chạy theo thị hiếu của học sinh (khai giảng năm nào có chuyện tại trường học có tiết mục… múa cột) như muốn thể hiện nhà trường thấu hiểu học sinh. Tiếc là làm vậy thì sai rồi!

Giáo dục có kỷ cương góp phần quan trọng phát triển phẩm cách tốt đẹp cho người học. Khai giảng hướng đến sự tự nguyện của học sinh, tạo hứng thú trong học tập, khởi nghiệp, nhân lên trong các em ước mơ, hoài bão đẹp đẽ. Được thế, sẽ có lợi lâu dài cho trò, cho thầy, cho phụ huynh, cho giáo dục hôm nay và mai sau.

Thầy cô mình làm được không?

Còn mấy ngày nữa là khai giảng năm học mới, Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT các địa phương đã có hướng dẫn tổ chức ngày khai giảng. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các trường, thầy cô cùng phối hợp với phụ huynh, các đoàn thể tổ chức lễ khai giảng chú trọng tạo ra cảm xúc tích cực, học sinh là nhân vật chính của ngày khai giảng. Tùy điều kiện, đặc thù của mỗi trường, mỗi cấp học mà xác định chủ đề cho lễ khai giảng.

Bớt đi phô trương thành tích, chớ quá lo đại biểu dự khai giảng, học sinh được tươi vui, chung tay bảo vệ môi trường, rộn ràng ngày khai giảng, gửi mong ước vào năm học mới – thầy cô mình, mà đặc biệt là người đứng đầu nhà trường, làm được không?

(Theo Nguyễn Hoàng Chương/Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều