+
Aa
-
like
comment

Lễ hội truyền thống: Văn hóa hay tha hóa

Khánh Đăng - 08/02/2023 16:48

Giữa lúc tiết trời mát mẻ, khi nắng vàng nhẹ mơn man cây cỏ, hoà mình giữa dòng người hành hương đến cửa Phật hay tham gia một lễ hội truyền thống, ai cũng sẽ thấy lòng mình thư thái biết bao. Dường như mọi lo toan của cuộc sống đời thường hay những nỗi buồn của một đời tất bật bỗng chốc mà vơi đi. Giá như, mọi khách du xuân đều được tận hưởng cảm giác đó. Giá như, lễ hội, đền chùa nào cũng tạo được không khí đó…

Bởi lẽ, từ nhiều năm trở lại đây, cái không khí thảnh thơi ấy thật hiếm có vô cùng. Vì những gì đang diễn ra ở một số điểm du lịch tâm linh hay một số lễ hội đang đi ngược lại mong muốn ấy. Văn hóa tín ngưỡng vẫn bị khai thác quá đà, thậm chí còn nhuốm màu tiền bạc.

Hình ảnh tranh cướp kinh hoàng tại Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)

Là một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời, từ hàng nghìn năm qua, cùng với những thăng trầm của dân tộc, người Việt đã có cho mình một bề dày văn hóa đủ sức khiến mọi dân tộc khắp Á – Âu phải nể phục về các phong tục, tập quán của mình. Trong số đó không thể không kể đến các lễ hội.

Theo một thống kê không đầy đủ, Việt Nam hiện nay sở hữu hơn 9000 lễ hội lớn nhỏ, phủ sóng khắp mọi miền đất nước. Nếu làm một phép toán đơn giản, trung bình mỗi ngày nước ta diễn ra gần 30 lễ hội và trong một đời người Việt, ít nhất phải tốn trên dưới 30 năm mới tham dự đủ các lễ hội này!

9000 lễ hội – một con số ấn tượng và gây kinh ngạc không chỉ với người ngoài mà cả những người Việt đôi khi, cũng không thể lường trước được. Con số ấy là minh chứng cho một lịch sử đầy gian truân của một dân tộc, nhưng, cũng bày ra trước mắt những nhà quản lý và giới nghiên cứu một hiện thực đáng quan ngại: Quản lý thế nào? Hiểu biết ra sao?

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng của người Việt. Thông qua lễ hội, tâm thức Việt trở nên rõ ràng nhất, do vậy, những biến tướng của lễ hội cũng chính là những biến tướng của đời sống tinh thần, của đạo đức và lối sống Việt.

Hiện nay, nguyên nhân của thực trạng này đến từ cơ chế thị trường, sự phát triển của truyền thông, du lịch, …tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính người Việt đang u mê với tín ngưỡng của chính mình. Vì 2/3 trong số các lễ hội bị biến tướng là những lễ hội dân gian và lễ hội tôn giáo. Thay vì lễ vật giản đơn, nhiều người nghĩ “phải dâng lên thật nhiều, thật to thì thần thánh mới chứng giám”, thay vì cầu bình an cho gia đình, sự nghiệp hanh thông, nhiều người cho rằng “đã lỡ đi rồi thì phải mong thật sang, giàu, phải nhà lầu, xe hơi mới toại”.

Biển người chen lấn dâng hương tại Phủ Dày

Sự mộc mạc, chân chất của người Việt bị bào mòn thành ra như thế. Từng lời cầu xin thần phật và sự phô diễn cống phẩm dâng lên chư thiên đã phản ánh những biến dạng đến khó coi của đời sống tinh thần. Bạn bè quốc tế từng nhiều lần đặt câu hỏi trước giới nghiên cứu Việt Nam rằng: Thấy cảnh người Việt đi đền, chùa đông như trẩy hội, vậy ra người Việt mộ đạo đến vậy sao? Không ít học giả Việt đã lúng túng, vì hầu hết họ đều hiểu về thứ niềm tin kỳ lạ của đại đa số người Việt – họ đến với Phật không phải vì mớ minh triết tuôn ra từ kinh Phật, lời tăng, mà chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực dụng hơn – đó là cảm giác mong cầu một sự “viện trợ” nào đó từ thần Phật cho hạnh phúc của cá nhân và thân nhân trong cuộc sống hôm nay và thế giới bên kia.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, sự biến đổi của lễ hội truyền thống cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là tất yếu khách quan trong đời sống văn hóa, tinh thần hiện nay. Những biến tướng là không thể tránh khỏi và hoàn toàn có thể dự đoán trước. Vì thế,cần có m ột cái nhìn khách quan, toàn diện khi phản ứng trước những biến tướng của lễ hội truyền thống.

Song, cũng nên bắt đầu có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả và ổn định đời sống tinh thần người dân thông qua việc quản lý tốt các lễ hội. Trong đó, đề cao vai trò của cộng đồng trong tổ chức, quản lý các lễ hội truyền thống, xây dựng mô hình phù hợp với từng địa phương là phương án tối ưu trước mắt.

Khánh Đăng

Bài mới
Đọc nhiều