Lễ Giỗ Tổ: Lời dặn dò giữ nước trường tồn muôn thế hệ
Cách đây 68 năm, tại khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Bác Hồ đã có lời dặn dò, nhắn nhủ – mà theo nhiều người, lời dặn dò đó như một lời hịch thiêng liêng không chỉ với thế hệ ngày ấy, thế hệ hôm nay mà cả cho thế hệ mai sau về công cuộc giữ gìn, bảo vệ đất nước.
Lời dặn dò nơi Đền Hùng
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” – đó là câu nói bất hủ của Bác Hồ với các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) cách đây 68 năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy giữa Bác Hồ và các cán bộ Đại đoàn 308 diễn ra vào sáng 19/9/1954, tại Đền Giếng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta vừa thắng lợi. Tại cuộc gặp gỡ, Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ không vì hòa bình mà nơi lỏng tay súng bởi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề.
Đã 68 năm trôi qua, lời dặn dò của Bác vẫn còn nguyên tính thời sự, nhắc nhở các thế hệ sau này trong việc giữ gìn, bảo vệ đất nước. PGS – TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, giá trị lịch sử lời dặn dò của Bác Hồ sẽ trường tồn đời đời cùng các thế hệ sau này.
Theo PGS Lê Quý Đức, thời điểm đó, Bác Hồ căn dặn các cán bộ, chiến sĩ như vậy bởi vì mặc dù cuộc cách mạng của chúng ta vừa thắng lợi, tuy nhiên đâu đó vẫn còn những mối lo, các thế lực thù địch vẫn nhăm nhe phá hoại nền độc lập của nước nhà. Hơn nữa, lời dặn dò của Bác cũng là lời nhắc nhở chúng ta nhớ về công lao của các bậc tiền bối, những người đã có công tạo dựng nên đất nước.
Ở thời điểm hiện tại, theo PGS Lê Quý Đức, việc bảo vệ, giữ gìn đất nước ngày nay vẫn là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước, nhưng nội hàm mở rộng hơn, sâu xa hơn là bảo vệ chủ quyền của dân tộc với vùng trời, vùng biển, bảo vệ cả nền kinh tế của chúng ta. Hơn thế nữa, chúng ta không phải chỉ bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển của Việt Nam mà còn tham gia vào việc bảo vệ hòa bình thế giới, đó cũng là để bảo vệ đất nước từ xa.
“Như Bác Hồ đã từng nói, liên hệ hôm nay thì bảo vệ độc lập của đất nước không phải là đứng một mình, tách biệt. Phải gắn mình với ASEAN, gắn với các nước khác, gắn với các nước và tạo dựng mối quan hệ, tạo dựng tâm thế mới cho đất nước, cho dân tộc” – PGS – TS Lê Quý Đức nói.
Tiếp tục xây dựng Việt Nam thành một biểu tượng
Theo PGS – TS Lê Quý Đức, việc giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước thời điểm hiện tại cũng không chỉ là bảo vệ các điều kiện vật chất, mà còn bảo vệ cả linh hồn của đất nước, của dân tộc, đó chính là văn hóa dân tộc.
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Ở thời điểm hiện nay, khi không có giặc xâm lăng, vậy nhân dân biểu lộ lòng yêu nước thì phải làm gì? Chúng ta yêu độc lập dân tộc, yêu sự xây dựng và phát triển Tổ quốc, yêu công cuộc công nghiệp hóa, yêu hiện đại hóa đất nước. Yêu nước hôm nay là như vậy” – PGS -TS Lê Quý Đức nhìn nhận.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển nhận định, yêu nước – chúng ta phải phát huy tinh thần con người Việt Nam, phát huy trí tuệ con người Việt Nam để cho bạn bè quốc tế thấy được tầm vóc nước nhà. Các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế, qua đó cũng góp phần truyền bá bản sắc, văn hóa con người Việt Nam đến với thế giới, tới bạn bè năm châu, đó là điều chúng ta đã thực hiện tốt.
“Điều quan trọng hơn nữa, yêu nước, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, muốn giữ gìn, phát triển đất nước thì phải phát triển sức mạnh của dân tộc về nhiều phương diện” – PGS – TS Lê Quý Đức nêu quan điểm. Ông kỳ vọng vào thế hệ trẻ, những thanh niên năng động, có ý thức làm chủ đất nước, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng.
“Lòng yêu nước bây giờ phải mang tinh thần là xây dựng đất nước phát triển thật hùng cường… Con người phải có đạo đức nhân sinh, biết ơn những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho đất nước, để từ đó thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc giữ gìn, phát triển đất nước” – PGS -TS Lê Quý Đức nhận định.
Minh Tâm