Lễ duyệt binh 70 năm quốc khánh Trung Quốc có xếp hình “đường Lưỡi bò”?
Lễ mừng 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949 – 1/10/201)9, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ là Lễ duyệt binh và Diễu hành dân sự có quy mô lớn nhất, so với các hoạt động kỷ niệm quốc khánh của Trung quốc từ trước đến nay, sẽ là sự kiện thu hút truyền thông thế giới.
Nhưng đáng chú ý, hình ảnh diễn tập tổng duyệt được công bố qua truyền thông đại chúng, có xếp mô hình diễn viên trên sân vận động thành Bản đồ Trung Quốc, hiện rõ “đường Lưỡi bò”, liếm gần hết lãnh hải Việt Nam. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang thực hiện dã tâm và yêu sách “đường lưỡi bò” trên mọi lĩnh vực, mọi cơ hội.
Đề nghị các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có phản ứng thích hợp, đặc biệt là khi xử lý Quốc thư của Trung Quốc, mời tham dự sự kiện này. Tránh để xảy ra cảnh: Người Đại diện Nhà nước Việt Nam ngồi ghế Quốc khách trên khán đài nhìn đám đông reo hò phấn kích thực hiện phân cảnh này.
Vừa mới đây Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã chiếu rộng rãi bộ phim “Nam Hải, Nam Hải” xuyên tạc lịch sử chủ quyền Biển Đông. Trong khi tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống, đã 3 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế phía Nam của Việt Nam trong suốt mấy tháng qua.
Trước đây, hàng chục du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An, Trung Quốc, mặc áo phông in hình “đường lưỡi bò” đáp xuống sân bay Cam Ranh vào đêm 13/5/2018 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Nhóm du khách Trung Quốc đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường.
Những người Trung Quốc mặc áo như thế sang Việt Nam là một hành vi không thể chấp nhận được và gây phẫn nộ đối với người dân và chính quyền Việt Nam. Và đây là một hành động cố ý chứ không phải vô tình, là một hành động khiêu khích, có tổ chức của một nhóm người.
Lãnh đạo công an tại sân bay Cam Ranh nói rằng sau khi phát hiện, công an cửa khẩu đã liên lạc với công ty lữ hành Aladin, yêu cầu du khách thay áo, và phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để giải quyết vụ việc.
Để tránh những sự cố tương tự tái diễn, Việt Nam cần xử lý vụ việc này bằng các biện pháp cứng rắn hơn bằng cách trục xuất ngay hoặc có thể tạm giữ, xử lý hình sự về hành vi tuyên truyền, xuyên tạc mang tính chất xâm lược biển đảo của Việt Nam.
Không chỉ những chiếc áo trên người các du khách Trung Quốc đi vào Việt Nam có in đường lưỡi bò, mà còn là trên hộ chiếu. Phát hành sách cho học sinh có in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc. Những chiếc móc khoá có bản đồ Trung Quốc với hình lưỡi bò tại một gian hàng bán đồ lưu niệm trong hội chợ thương mại xuân Kỷ Hợi ở Phú Quốc.
Trung Quốc có cả một chương trình để ghi dấu ấn trên tiềm thức của người dân trên khắp thế giới. Những ai không hiểu biết sẽ tưởng rằng “đường lưỡi bò từ xa xưa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
Những điều này diễn ra nhiều lần, lâu dần sẽ khiến người dân Trung Quốc và cả người dân Việt Nam có cái nhìn lệch lạc về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tại cửa khẩu Móng Cái ở tỉnh Quảng Ninh, nơi có hàng nghìn công dân Trung Quốc qua lại mỗi ngày, nhân viên Việt Nam đã không chấp nhận hộ chiếu Trung Quốc có in hình “đường lưỡi bò”. Thay vào đó, cơ quan xuất nhập cảnh của Việt Nam “cấp thị thực rời để thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ của họ dưới bất cứ hình thức nào”.
Còn tại Phú Quốc, Kiên Giang, nơi nhiều du khách Trung Quốc tới thăm mỗi ngày, nhân viên xuất nhập cảnh tại phi trường ở đây cũng làm tờ khai nhập cảnh riêng, không có hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Chủ một nhà nghỉ ở Đà Nẵng đã không cho khách thuê phòng sau khi thấy hộ chiếu của hai khách nữ người Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò”.
Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng từng gửi công hàm nhiều lần phản đối tới Trung Quốc.
Nguyễn Anh