+
Aa
-
like
comment

Lễ độc lập ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn

02/09/2020 13:15

Hàng trăm nghìn người Sài Gòn đổ về quảng trường Norodom, chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lễ đài lễ độc lập tại Sài Gòn đặt trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1), ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà. Theo kế hoạch trước đó, 14h ngày 2/9, buổi lễ sẽ bắt đầu, song từ sáng sớm, không khí Sài Gòn đã náo nức.

Báo Việt Thanh xuất bản tại Sài Gòn tháng 9/1945 miêu tả, giữa trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể quần chúng, các toán quân lũ lượt trong các trụ sở ở châu thành, các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Norodom. Biển người Sài Gòn đổ ra đường hôm đó là cảnh tượng chưa từng thấy ở thành phố này.

Cờ đỏ sao vàng, cờ của các nước đồng minh rợp trời. Khẩu hiệu bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung giăng đầy các con phố lớn ở trung tâm: “Việt Nam dân chủ muôn năm!”, “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Độc lập hay là chết”.

Lễ đài độc lập ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Ảnh: Bảo tàng TP HCM
Lễ đài độc lập ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Ảnh: Bảo tàng TP HCM.

Trực tiếp biên soạn Biên niên sự kiện Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), TS Hà Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết, tư liệu và nghiên cứu về sự kiện lễ độc lập ở Sài Gòn khá ít ỏi. Phần lớn xuất phát từ tự bạch của Giáo sư Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ khi đó.

Từ ngày 31/8/1945, Trung ương cho biết lúc 14h ngày 2/9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ quyết định tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành lớn, kêu gọi toàn dân đoàn kết quanh chính quyền cách mạng.

Một hệ thống loa phát thanh được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặt dọc tuyến đường Norodom. Máy thu thanh cũng được trang bị để tiếp sóng bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên làn sóng 32 m của Đài phát thanh Bạch Mai (Hà Nội).

Song đài phát ở Hà Nội và máy thu ở Sài Gòn quá cũ, việc tiếp sóng không thành công. Hơn nửa giờ trôi qua, dân chúng bắt đầu xì xào bàn tán, một số người nghi vấn có kẻ phá hoại. Để trấn an người dân, ban tổ chức đề nghị Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu.

Suy nghĩ ít phút, ông Giàu ghi vội ra giấy vài ý chính rồi bước lên lễ đài, giọng dõng dạc: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu. Hôm nay, theo mạng lịnh (mệnh lệnh) của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên”.

Ông Giàu nhắc nhở đồng bào, mừng chiến thắng nhưng chớ say sưa, bởi bối cảnh trước mắt, Việt Nam gặp tình cảnh nguy nan. Không khéo, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ. Rồi ông đặt câu hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?”.

Sau mỗi câu hỏi của ông, đám đông bên dưới đồng thanh đáp: “Không! Không! Không!”.

Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!… Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Tiếp lời ông Giàu, ông Nguyễn Lưu, Tổng thư ký Công đoàn Nam Bộ thay mặt nhân dân tuyên thệ, bảy tỏ ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: Không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp”, ông Lưu nói. Hàng trăm nghìn người phía dưới hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề”.

Buổi mít tinh sau đó rồi biến thành cuộc tuần hành. Từ đại lộ Norodom, một tốp đổ xuống đường Cartinat (nay là đường Đồng Khởi), một tốp khác vào đường Taberd (nay là Nguyễn Du), giăng biểu ngữ.

Đội Cộng hoà Vệ binh trên đường Norodom (nay là Lê Duẩn) ngày 2/9/1945. Ảnh: Lịch sử Đảng bộ TP HCM 1930-1945.
Đội Cộng hòa Vệ binh trên đường Norodom (nay là Lê Duẩn) ngày 2/9/1945. Ảnh: Lịch sử Đảng bộ TP HCM 1930-1945.

 

Ông Ung Ngọc Ky, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM là người từng phụ trách Đội Thanh niên Tiền phong, tham gia giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn năm 1945. Trong một cuốn hồi ký sau này, ông kể lại, buổi diễu hành hôm đó, tiếng quân nhạc, tiếng hoan hô, vỗ tay của nổi lên như sấm dậy, rung động một góc Sài Gòn.

Các đội quân được tập hợp vội vã, y phục không đồng đều, mũ giày đủ kiểu. Súng ống cũng đủ loại, chủ yếu súng trường, súng săn, súng bắn chim, có cả mã tấu, lựu đạn, tầm vông vạt nhọn. Nhưng, ai nấy trong buổi diễu hành đều ngẩng cao đầu, đầy hào hùng và niềm tin.

Tuy nhiên, cảnh báo nền độc lập bị đe dọa của ông Trần Văn Giàu trong diễn văn trước đó vài giờ đã hiển hiện. Khi đoàn người vừa diễu hành qua khỏi Nhà thờ Đức Bà, từ lầu cao của hãng Jean Comte (nay là Diamond Plaza), một số lính Pháp chĩa súng bắn.

Phạm Nhã, người phụ trách công đoàn Nhà hàng Sài Gòn ngã xuống. Đây cũng là liệt sĩ đầu tiên của thành phố Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với anh, 47 người khác chết và một số người bị thương. Trước hành động khiêu khích đó, hàng trăm người tỏa ra trèo lên các lầu cao truy lùng bắt và tước khí giới gần 100 người Pháp. Cuộc biểu tình sau đó vẫn tiếp tục.

TS Hà Minh Hồng giải thích, âm mưu phá hoại, quyết gây hấn ở Sài Gòn của Pháp được nhen nhóm từ trước ngày Sài Gòn tổng khởi nghĩa 25/8/1945. Việc trở lại Đông Dương của thực dân Pháp được chuẩn bị từ lâu.

Tài liệu Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945-1975) của Ban tổng kết chiến tranh Thành ủy TP HCM có nêu rõ âm mưu này. Ý định trở lại Đông Dương của giới quân phiệt Pháp trở nên cấp bách từ sau khi nước Pháp được giải phóng.

Ngày 22/8/1945, một máy bay không quân Hoàng gia Anh thả một nhóm nhân viên quân sự và dân sự xuống Tây Ninh, khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Đại tá Jean Cédille, người được chính phủ Pháp cử làm ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Nam Việt Nam có mặt trong nhóm nhảy dù này.

Hai ngày sau đó, kế hoạch trở lại Đông Dương được Ủy ban Đông Dương (cải tổ từ Ủy ban hành động giải phóng Đông dương) thông qua.

Ngày 27/8, dù chứng kiến Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi, Cédille tìm gặp ba người đứng đầu Lâm ủy Hành chính Nam Bộ gồm Chủ tịch Trần Văn Giàu, Ủy trưởng Nội vụ Nguyễn Văn Tạo và Ủy trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch yêu cầu thi hành bản tuyên bố 24/3/1945 tướng De Gaulle. Họ muốn phải có một chính phủ do Pháp lập ra để thực hiện quyền tự trị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và phản ánh quyền lợi của nước Pháp.

Trước thái độ thiếu thiện chí của Cédille, Trần Văn Giàu tuyên bố, sẵn sàng tiếp chuyện nếu đại biểu của De Gaulle chịu đặt sự bàn bạc trên lập trường Việt Nam hoàn toàn độc lập. “Nếu đại biểu của De Gaulle đặt sự bàn bạc lên lập trường khác thì chúng tôi xin nhường cho súng đạn trả lời”, ông dứt khoát.

Nhân dân Sài Gòn giành chính quyền ngày 25/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhân dân Sài Gòn giành chính quyền ngày 25/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Sau ngày 2/9/1945, máy bay không quân Hoàng gia Anh bay lượn thường xuyên trên bầu trời Sài Gòn và các tỉnh kế cận. Ngày 4/9, tướng Gracey, Tư lệnh sư đoàn 20 Hoàng gia Anh vu cáo chính phủ ta không giữ được trật tự và lệnh cho thống chế Teuruchi điều 7 tiểu đoàn quân Nhật từ các tỉnh Nam Bộ về Sài Gòn.

Các đơn vị lính Nhật vừa thua trận lại kéo về nghênh ngang trong thành phố. Sau đó, tướng Gracey đòi tước khí giới và các lực lượng vũ trang Việt Nam.

Ba ngày sau lễ độc lập, Trần Văn Giàu một lần nữa kêu gọi toàn dân Việt Nam sẵn sàng đối phó để bảo vệ nền độc lập. Ông khuyên mọi người bình tĩnh chung quanh Chính phủ, phải chứng tỏ cho người ngoại quốc biết dân ta có tinh thần đoàn kết.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn lần thứ hai. 29 ngày, từ 25/8 đến 22/9 là quãng thời gian nóng bỏng, chất chứa những sự kiện quan trọng của thành phố Sài Gòn trong những ngày đầu đất nước độc lập.

Hưởng ứng không khí độc lập chưa được bao lâu, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.

Hữu Công – Mạnh Tùng/VE

Bài mới
Đọc nhiều