Lệ át luật tại EURO 2020
Nếu ai đó cần thêm bằng chứng về việc lệ có thể lấn át và buộc luật phải quy phục như thế nào thì chỉ cần nhìn về châu Âu trong những ngày này. Trên châu lục hiện đang diễn ra giải vô địch bóng đá. Châu lục vẫn còn đắm chìm trong tình cảnh bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tác oai tác quái.
Ở Hungary, một nước thành viên của EU và NATO, đồng thời cũng tham dự giải Vô địch bóng đá châu lục hiện tại do Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức, vừa ban hành bộ luật với các quy định bị EU và dư luận chung trên châu lục coi là phân biệt đối xử người đồng tính và chuyển giới.
Luật pháp chung của EU cấm phân biệt đối xử người đồng tính và chuyển giới. Chính vì thế mà EU làm găng với Hungary, thậm chí dọa khởi kiện raTòa án nhân quyền châu Âu. Phía Hungary sẽ gặp khó khăn và khó xử lớn nếu duy trì bộ luật này.
Trong khuôn khổ vòng đấu loại của giải Vô địch Bóng đá châu Âu hiện tại, Hungary có trận đấu với Đức ở Munich (Đức). Để phản đối bộ luật nói trên của Hungary, phía Đức dự định chiếu sáng sân vận động bằng 7 sắc cầu vồng – biểu tượng cho sự bình đẳng giữa các giới tính khác nhau, bình đẳng đối xử cho người đồng tính và chuyển giới. Nhưng UEFA không đồng ý và quyết định cấm phía Đức làm việc này.
UEFA lập luận rằng phải tách bạch giữa thể thao và chính trị. Đối với UEFA, luật và lệ là phải đặt thể thao lên trên hết và thể thao không làm chính trị nên không được để cho thể thao bị lợi dụng hay lạm dụng vào việc phục vụ mục đích chính trị. Đối với UEFA, cái lệ này có hiệu lực cao nhất. Phía Đức cuối cùng phải tuân thủ quyết định của UEFA.
Trận chung kết của giải vô địch bóng đá này dự kiến sẽ được tổ chức ởThủ đô London của nước Anh. Chuyện này không có gì đáng được bàn luận nếu như không xuất hiện tình huống mới là dịch bệnh Covid-19 lại trỗi dậy ở Anh với biến chủng mới. Rất nhiều nước châu Âu yêu cầu UEFA chuyển địa điểm diễn ra trận chung kết sang nơi khác hoặc không để cho khán giả vào sân.
Quyết định có cho khán giả vào sân hay không thuộc quyền của chính phủ Anh còn quyết định tổ chức trận chung kết ở đâu thuộc về quyền hạn của UEFA. Sau khi thấy Thủ tướng Anh Boris Johnson ngập ngừng với việc duy trì chủ trương để cho khán giả vào sân xem trận chung kết, UEFA dọa sẽ di chuyển trận cầu này ra nơi khác nếu chính phủ Anh siết chặt biện pháp giãn cách và không để cho khán giả vào sân.
Ông Johnson vội vã cam kết để cho ít nhất 66.000 khán giả vào sân.Cảở đây cũng có thể thấy luật yếu thế như thế nào trước lệ của UEFA. Cái lệ của UEFA là tất cả phải thuần phục quyết định và tính toán của UEFA, UEFA bắt luật quốc gia hay của EU phải lụy theo lệ, quy định và quyết định của UEFA chứ không ngược lại.
Tại sao lệ lại có thể át được luật như thế? Câu trả lời rất đơn giản và rất dễ có được. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có tầm ảnh hưởng và tác động rất sâu rộng và mạnh mẽở châu Âu cũng như trên thế giới. Dùng thể thao và bóng đá làm chính trị luôn là suy tính và chủ trương được chính phủ mọi quốc gia theo đuổi và tìm cách thực hiện. Thể hiện quan điểm chính trị hay định hướng luật pháp trong thể thao và bóng đá luôn đưa lại được hiệu ứng rất to lớn và hữu dụng.
Vì thế, chính phủ quốc gia nào ở châu Âu cũng đều coi trọng và tranh thủ UEFA, nhiều khi sẵn sàng hoặc buộc phải buông bỏ cả quyền tự quyết trong nhiều quyết sách quan trọng nhất định. Không phải khi nào lệ cũng át được luật nhưng trong những trường hợp hay vụ việc quan trọng nhất và ở vào những thời khắc quyết định nhất thì xưa nay thường thấy xảy ra kịch bản lệ át luật.
Hạ Nham