Lấy Singapore làm bệ phóng cho hàng Việt ra thế giới
Xuất khẩu hàng vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, doanh nghiệp Việt còn có cơ hội tiếp cận khách hàng quốc tế.
Singapore được đánh giá là một thị trường có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam (VN). Việc khai thác tốt thị trường này còn là cơ hội để công ty Việt khẳng định vị thế, chinh phục thị trường quốc tế. Tuy vậy, hiện không ít nhà kinh doanh vẫn chưa quan tâm đúng mức đến thị trường Singapore.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Phillip Phùng, Giám đốc khu vực Đông Dương thuộc Phòng Thương mại VN tại Singapore (VietCham Singapore), xung quanh vấn đề trên.
Mì, bún khô… Việt có lợi thế tại Singapore
Ông có thể đánh giá về chỗ đứng của hàng VN tại thị trường Singapore ở thời điểm hiện nay?
+ Ông Phillip Phùng: Trong bốn, năm năm gần đây, hàng Việt xuất hiện tại các hệ thống bán lẻ lẫn kênh online của Singapore ngày càng nhiều. Trong đó phần lớn là thực phẩm đóng hộp, đồ uống đóng hộp, thanh long, bưởi… Riêng thủy, hải sản Việt bán qua thị trường này chưa nhiều.
Nhìn chung hầu hết thực phẩm tươi sống VN đều có bán tại Singapore nhưng chưa nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
. Vì sao các mặt hàng tươi sống của VN lại ít hiện diện tại Singapore, thưa ông?
+ Nguyên nhân hàng tươi sống của nước ta không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Chẳng hạn, rau, củ quả của Malaysia có thể đi bằng đường bộ sang Singapore với chi phí rẻ hơn. Hay những nhà cung cấp Indonesia, Trung Quốc với quy mô lớn có lợi thế về giá rẻ hơn so với hàng đi từ VN sang.
Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, hàng Việt vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định mà bằng chứng là lượng ngày càng nhiều lên. Đó là tín hiệu tốt. Có điều DN Việt cần cải thiện hơn nữa, đặc biệt các mặt hàng như trà, cà phê, mì, bún khô, phở khô… dù VN có lợi thế cạnh tranh nhất định nhưng vẫn cần nâng cấp hơn.
. Cụ thể là hàng Việt cần làm gì để cạnh tranh với các nước?
+ Singapore là thị trường mà người tiêu dùng mua sắm online chiếm 70%-80%. Nghĩa là chỉ có 20% người dân ra cửa hàng – siêu thị để mua những mặt hàng nào không thể mua online được.
Vì vậy, các nhà kinh doanh phải đầu tư nhiều hơn cho kênh truyền thông online, kênh phân phối online store (cửa hàng online) và quảng bá nhiều hơn trên mạng xã hội để có thể tiếp cận thị trường Singapore dễ dàng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn cả về bao bì, cách marketing và phân phối. Thực tế nhiều người VN khi sang Singapore mua sắm hàng dệt may thấy nhãn mác “made in Vietnam” nhưng dưới một thương hiệu khác. Đây là điều trăn trở và là nút thắt cần được tháo gỡ.
Lợi ích kép khi tiếp cận thị trường Singapore
. Một số ý kiến cho rằng thị trường Singapore không lớn nên giá trị kinh tế mang về cho nhà kinh doanh không cao như những thị trường khác. Theo ông, cách nhìn nhận này có đúng?
+ Thực tế thì Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính lớn của khu vực, đồng thời Singapore cũng là một trong những thương cảng bận rộn nhất thế giới.
Vì thế việc xuất khẩu hàng vào Singapore ngoài ý nghĩa phục vụ người tiêu dùng bản địa Singapore, công ty Việt còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này. Khi tiếp cận được nhóm khách hàng quốc tế không chỉ giúp các công ty Việt tăng giá trị xuất khẩu mà còn tăng được độ phủ và giá trị thương hiệu.
. Vậy thời gian qua, VietCham đã hỗ trợ cộng đồng DN Việt tiếp cận thị trường Singapore ra sao?
+ Riêng hai năm qua số lượng công ty Việt tìm đến VietCham để được tư vấn, hỗ trợ khoảng vài trăm với 450 mã SKU (đơn vị) sả̉n phẩm. Trong đó bao gồm các DN ở nhiều lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, dịch vụ đến công nghệ, game…
Đáng chú ý, một nửa số lượng DN tìm đến VietCham là muốn thâm nhập vào thị trường Singapore để thành lập trung tâm nhằm thực hiện giao dịch thương mại sang nước thứ ba, nghĩa là đưa hàng hóa VN sang các quốc gia khác trên toàn cầu. Bất chấp đại dịch COVID-19, xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.
. Singapore hiện thu hút rất nhiều công ty Việt đến làm ăn, đầu tư, nhất là để khởi nghiệp. Ông có thể lý giải vì sao?
+ Đúng vậy. Trong năm năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy rõ có một làn sóng các DN, doanh nhân Việt đã tận dụng rất tốt lợi thế của Singapore để xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu, tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.
Singapore là một trong những đất nước có hệ thống chính phủ điện tử phát triển nhất trên thế giới. Hầu hết dịch vụ công và thủ tục hành chính đều có thể thực hiện qua các kênh trực tuyến. Việc mở công ty tại Singapore cũng khá đơn giản, sau khi cung cấp đầy đủ thông tin và giấy tờ thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ là có mã số DN.
Đặc biệt môi trường pháp lý tại nước này rõ ràng, minh bạch; kết nối tài chính, thương mại rất dễ dàng và nhanh chóng với châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Đông…
Bên cạnh đó, Singapore còn đem lại những lợi ích rất thiết thực và sát sườn cho các công ty khởi nghiệp, vừa và nhỏ VN. Ví dụ, họ có chính sách miễn, giảm thuế cho công ty khởi nghiệp, vừa và nhỏ trong vòng ba năm đầu tiên.
. Xin cám ơn ông.
Giúp công ty Việt ra biển lớn
VietCham đã và đang hỗ trợ DN Việt sang Singapore để mở công ty, phát triển thị trường, xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ nhà kinh doanh sử dụng Singapore làm đòn bẩy, làm bước đệm trung gian để vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Ban lãnh đạo VietCham Singapore là người Singapore gốc Việt, nói tiếng Việt. Chúng tôi thấu hiểu nhu cầu, văn hóa kinh doanh của người VN cũng như môi trường kinh doanh đầu tư, quy cách làm việc ở Singapore… Chúng tôi luôn hướng tới việc làm bệ phóng vững chắc cho DN Việt vươn ra biển lớn.
Ông PHILLIP PHÙNG, Giám đốc VietCham Singapore
99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, tính theo sức mua tương đương, thu nhập bình quân đầu người của Singapore xếp thứ ba thế giới với 92.020 USD/người/năm.
Singapore là một thương cảng tự do và có độ mở rất lớn, gần như không có hạn chế nào với nhập khẩu. Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế, trừ ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá…
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2019, VN xếp thứ 22 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Singapore. Nước này cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa VN lớn thứ 21 trên thế giới và thứ tư ở Đông Nam Á.
TÚ UYÊN/ PLO