Lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui và lẽ sống của mình
Ngày sinh nhật Bộ trưởng Tô Lâm, người ta đưa ảnh ông lên mạng xã hội và chúc mừng ông. Hình ảnh ấy liền được chia sẻ và thu hút được nhiều bình luận. Một điều rất mừng là những bình luận ấy đều ca ngợi ông, chúc ông sức khỏe để dẫn dắt ngành Công an giữ được bình yên cho đất nước. Một trong những lời bình luận đã đánh giá ông là vị Bộ trưởng – Nhà chính trị gia được nhiều người kính trọng. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Công an đã có nhiều đổi mới, là một trong những Bộ tiên phong có nhiều thay đổi đột phá, thực hiện nghiêm nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.
Một đời người ai cũng có một niềm vui, một hạnh phúc. Có người có niềm vui, hạnh phúc của riêng mình, có người ngoài cái riêng còn có niềm vui và hạnh phúc được dâng hiến, là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người. Một trong những người tôi biết lấy niềm vui, hạnh phúc của mọi người làm niềm vui của mình, đó là Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Đưa công an chính quy tăng cường cho các xã
Tâm sự với Trung tướng Nguyễn Danh Cộng – Trợ lý Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên Chánh văn phòng Bộ công an, khi tôi nói, dư luận xã hội rất khen Bộ công an bố trí, sắp xếp lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tạo ra các đổi mới về tổ chức trong toàn ngành công an. Sự thay đổi lãnh đạo công an các tỉnh Đồng Nai, Thái Bình… đã tạo nên “những địa chấn” lớn. Tội phạm bị xử lý, các băng nhóm bị trừng trị, tình hình tội phạm giảm hẳn, lấy lại sự bình yên. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào ngành công an. Trung tướng Nguyễn Danh Cộng hiền lành mỉm cười. Ông nhẹ nhàng thong thả, đấy mới chỉ là một mặt của công tác tổ chức của ngành mà xã hội nhận thấy, còn những biện pháp tổ chức làm thay đổi hẳn công tác nghiệp vụ cơ bản mà mọi người chưa biết, đó là việc điều động, bố trí công an chính quy, đảm nhiệm các chức danh công an xã.
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng cho biết: Theo Tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15.3.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã có chủ trương “Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”. Đảng ủy Công an Trung ương có văn bản gửi Ban thường vụ các thành ủy, tỉnh ủy trực thuộc trung ương trao đổi về những nội dung liên quan đến bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã.
Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: tiếp nối cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Bộ Công an điều động, bố trí Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương, đưa lực lượng công an chính quy về các cơ sở… Đến nay (tính đến tháng 7/2020), đã có 63/63 địa phương điều động, bố trí được hơn 28.000 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 100% số xã, thị trấn trong cả nước. Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chế độ chính sách, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ công an về hướng dẫn công tác chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường các trang thiết bị nghiệp vụ, lực lượng công an xã đã trở thành một lực lượng trọng yếu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Việc sắp xếp bộ máy giúp ngành Công an giảm nhiều đầu mối, giảm cấp trung gian và giảm nhiều tầng chỉ đạo, các cơ quan đơn vị ở Bộ giảm từ 21,11% xuống còn 19,46%. Công an cấp phường, xã từ 9,88% lên 17, 45%..
Việc bố trí trưởng công an xã không phải người địa phương đã góp phần giải quyết công việc không bị ràng buộc bởi quan hệ họ hàng, dòng tộc; công tác xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc được tăng cường, củng cố và duy trì. So với năm 2018 số tổ và thành viên của tổ an ninh nhân dân; tổ và thành viên đội dân phòng đều tăng nhiều… công tác nắm tình hình và giải quyết vụ việc của công an xã chính quy, do thực hiện chế độ trực ban chiến đấu 24/24 của ngành công an, chủ động bám sát địa bàn, kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ nên đã nắm sâu sát hơn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ ngày 31/3/2020 đến nay, lực lượng Công an xã chính quy đã giải quyết hàng chục ngàn vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự,lập hồ sơ xử lý hơn 3000 vụ, xử lý gần 8.500 đối tượng. Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cơ sở thường xuyên; động viên giúp đỡ, hướng nghiệp qua đó góp phần kiềm chế đối tượng, giúp cho việc hạn chế các hành vi phạm tội xảy ra.
Bộ mặt xã hội đổi thay
Sự có mặt của công an chính quy ở xã đã phần nào răn đe, uy hiếp các đối tượng có âm mưu xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ngay từ khi có manh nha ý định. Tình hình an ninh, trật tự ở các xã đều có những chuyển biến rất tích cực và rất rõ nét. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm rõ rệt, có những xã trong tuần không xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào. Tất cả những điều đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yêu cho nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Bộ Công an cung cấp tội phạm hình sự các năm thường giảm. Năm 2015 xảy ra 75.022 vụ giảm 4,49%; năm 2016 xảy ra 54.511 vụ, giảm 4,4%; năm 2017 xảy ra 52.947 vụ, giảm 3,02%; năm 2018 xảy ra 53.240 vụ, giảm 0,61%; năm 2019 xảy ra 49.766 vụ giảm 7,39%
An ninh chính trị luôn được đảm bảo. các tội phạm loại này đều trong tầm ngắm và bị kiềm tỏa trong vòng kim cô…
Khi nói về vấn đề giảm tội phạm, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ công an khuôn mặt trở lên rạng rỡ. Khuôn mặt vốn nhiều nếp nhăn, dấu vết của những lo toan trăn trở bỗng như trẻ ra. Ông nói: chỉ tiêu của lãnh đạo Bộ phấn đấu giảm tội phạm năm 2019 là 5%, nhưng do các công tác phòng ngừa, trấn áp răn đe tội phạm nên tội phạm đã giảm trên kế hoạch đặt ra. Năm nay phấn đấu giảm 7%, nhưng tôi tin rằng số tội phạm sẽ giảm hơn do công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc làm tốt công tác phòng ngừa hơn…
Mỗi một tội phạm giảm bớt là bớt đi sự đau khổ cho gia đình họ, gia tộc họ, con em họ không phải xấu hổ trước dư luận xã hội. Và giảm đi sự phản ứng bất mãn với xã hội của bản thân họ và có thể là cả gia đình (cha mẹ, anh chị em, vợ con) của họ nữa. Xã hội sẽ bình yên hơn, cuộc sống sẽ vui tươi hơn. Khi nghe ông tâm sự tôi đã hình dung ra tại sao Việt Nam lại là nước được xếp hạng là một trong 10 quốc gia đáng sống nhât thế giới.
Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại
Tạp chí điện tử Tri Ân đã có nhiều bài viết về đề tài này. Một trong những bài viết đã rút tít: “ Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Tôi khen bài có tít hay, nhưng thật ra đây là lời của Bộ trưởng Tô Lâm trong bức thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân ngày “Toàn dân hiến máu tính nguyện”.
Triển khai hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu tình nguyện” và sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, Chánh văn phòng – Thiếu tướng Tô Ân Xô đề xuất kế hoạch thực hiện trong toàn ngành. Các đơn vị thuộc Bộ đến Công an các tỉnh, thành đồng loạt phát động phong trào hiến máu tình nguyện. Tháng 4 năm 2020, Bộ Trưởng Tô Lâm gửi thư tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ công an. Bộ trưởng biểu dương những kết quả đạt trong việc chủ động phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương trong phòng chống dịch Covid – 19, đấu tranh phòng chống tội phạm lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, đồng thời kêu gọi đề cao nghĩa cử cao đẹp, hiến máu nhân đạo “ Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mỗi cán bộ chiến sĩ công an là những chiến sĩ tiên phong đi đầu hưởng ứng phong trào tình nguyện hiến máu. Lời kêu gọi đó đã trở thành phương châm hành động cho toàn ngành. Ngày Lễ phát động hiến máu nhân đạo, lãnh đạo Bộ là những người tiên phong đầu tiên Cán bộ chiến sĩ … đều tham gia hiến máu một cách nhiệt tâm, tự nguyện.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, công an các địa phương chủ động liên hệ với Trung tâm huyết học truyền máu ở địa phương để thực hiện, giao định mức đơn vị máu cho công an địa phương phải đạt được. Công an các tỉnh đều có những sáng kiến thực hiện phong trào hiến máu. Công an Hà Nội tổ chức hành trình “ giọt máu nghĩa tình” thu về 6.157 đơn vị máu vượt 105,75% chỉ tiêu của Bộ trưởng giao. Tuổi trẻ Công an Thủ đô tổ chức cuộc thi ảnh “hành trình từ trái tim” làm cho phong trào thêm sinh động và phong phú. Trong phong trào hiến máu do Bộ Công anh phát động nhiều gương sáng quên mình cứu sống người bệnh. Thiếu úy Vàng Ly Công (Công an tỉnh Sơn La) kịp thời đến tận bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La để hiến máu cứu sống chị Thào Thị Dy, Thượng úy Nguyễn Thành Công (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã 30 lần hiến máu, trong đó có nhiều lần đến tận bệnh viện hiến máu cứu sống người bệnh… Họ đã được Bộ trưởng Tô Lâm gửi thư khen ngợi và đề nghị lãnh đạo Công an các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk có chính sách khen ngợi, động viên kịp thời… Toàn lực lượng Công an đã hiến hàng nghìn đơn vị máu góp phần đảm bảo an ninh cho ngân hàng máu đủ cơ số, chữa bệnh cứu người.
Phong trào hiến máu trong toàn lực lượng Công an do Bộ trưởng Tô Lâm khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo không chỉ hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu về lượng máu đảm bảo yêu cầu chữa bệnh cứu người mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đúng như lời kêu gọi của Bộ trưởng Tô Lâm “ Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân là những chiến sĩ tiên phong, đi đầu hưởng ứng phong trào tình nguyện hiến máu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng – Đại tướng Tô Lâm luôn tâm niệm lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui lẽ sống của mình.
Đỗ Văn Phú/TriÂn