Lật tẩy mánh khóe tránh bị đo nồng độ cồn
Hiện nay, trên mạng đang kháo nhau những biện pháp để đối phó với CSGT sau khi uống rượu bia. Không ít người đã dự tính mua áo khoác và mũ bảo hiểm xe ôm công nghệ để “né” bị đo nồng độ cồn.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng. Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nghị định quy định mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.
Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Với người chạy xe đạp, xe thô sơ mức phạt 400.000 – 600.000 đồng.
Sau khi nghị định có hiệu lực đã có nhiều trường hợp vi phạm bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Đây mức cao nhất của người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn. Còn đối với người điều khiển xe mô tô đã bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Rủ nhau mua áo, mũ xe ôm để tránh đo nồng độ cồn
Mọi người đa phần đều đồng tình với quan điểm, khi đã uống rượu bia thì nên gọi xe taxi hoặc xe ôm để về, tuân thủ đúng luật pháp quy định để tránh bị phạt. Cũng từ nhu cầu này, nhiều người đã nảy ra ý tưởng trang rao bán quần áo xe ôm công nghệ. Nhiều người rủ nhau: “Mua đồ chạy Grab đi nhậu anh em ơi”, hoặc “Mặc áo Grab đi nhậu có khi lại hay” sau thông tin về quy định xử phạt với tài xế có nồng độ cồn chạy xe.
Việc mua các bộ đồ này cũng không hề khó khăn. Hiện, quần áo xe ôm công nghệ được bày bán tràn lan trên mạng. Combo 1 áo khoác Grab, 2 nón Grab đang được bán với giá 265.000 đồng/combo. Combo 1 áo khoác Go-Viet, 2 mũ Go-Viet có giá 320.000 đồng giảm còn 295.000 đồng/combo. Đối với combo 1 áo khoác Go-Viet và 1 mũ Go-Viet được bán giá là 215.000 đồng. Nếu riêng 1 mũ Go-Viet có giá 65.000 đồng.
Tuy nhiên, việc mua bán áo, mũ xe ôm công nghệ đang diễn ra không đúng theo quy định, chính sách của các hãng gọi xe. Đại diện một số hãng gọi xe công nghệ cho biết, đối tác tài xế xe ôm mua đồng phục và chỉ được sử dụng đồng phục này trong các chuyến xe được thực hiện trên nền tảng ứng dụng của hãng. Các hãng cũng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.
Một chiến sỹ CSGT Đội 6 (Công an Hà Nội) cho biết, thực hiện đợt cao điểm, đơn vị này sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, xử phạt các lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong đó có cả những hành vi vi phạm của “xe ôm” công nghệ.
“Chỉ cần phát hiện tài xế taxi hay xe ôm công nghệ có dấu hiệu vi phạm, đơn vị sẽ kiểm tra và xử lý triệt để như những trường hợp vi phạm khác. Do vậy, tài xế dù có mặc trang phục như thế nào khi tham gia giao thông mà có dấu hiệu vi phạm thì cũng sẽ bị dừng xe kiểm tra” – chiến sỹ CSGT Đội 6 cho hay.
Nhiều dịch vụ ăn theo nở rộ
Ngoài ra, dịch vụ đưa người say về nhà “nở rộ”. Nhiều nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh đang hỗ trợ khách nhậu về nhà bằng xe của nhà hàng. Để giữ khách, các nhà hàng chỉ thu phí 100 – 200 nghìn đồng/lượt. Nhiều chủ nhà hàng cho biết, đây chỉ là tiền xăng xe và công tài xế, chứ không kinh doanh như dịch vụ. Hoặc nếu lái xe về giúp khách, một số nhà hàng chỉ thu đủ tiền xe ôm cho tài xế về lại nhà hàng. Các nhà hàng có hỗ trợ lái xe cho khách thường bố trí 3 – 5 tài xế để khách không phải đợi quá lâu…
Không chỉ vậy, dịch vụ đưa cả chủ và xe về nhà bằng xe cứu hộ cũng được dịp nở rộ. Sau khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, mỗi ngày ít nhất cũng đã có 4 – 5 cuộc điện thoại gọi cho anh nhờ vận chuyển xe về.Hiện giá cước vận chuyển cả xe lẫn người theo hình thức cứu hộ đang vào khoảng 600 nghìn đồng. Mức phí này chỉ dành cho các trường hợp trong nội thành Hà Nội với khoảng cách dưới 10 km.
Nếu so với việc thuê tài xế giá 500 nghìn đồng như trong TP Hồ Chí Minh, thì đây cũng là một sự lựa chọn hợp lý. Bởi khách hàng có thể đảm bảo tài sản trong xe nguyên vẹn.
Quỳnh Quỳnh