‘Lấp ló’ lợi ích nhóm trong các ‘biệt phủ’ trên đất nông nghiệp
Trong 1 hội nghị, Thủ tướng đã chính thức hỏi Hà Nội có dẹp được tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ; vi phạm trật tự xây dựng hay không?
Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội sáng nay (2.7), tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp, đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng đã xảy ra nhiều năm tại Hà Nội được “xới” lên bởi ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).
Theo ông Quang, đây là việc đã tồn tại từ nhiệm kỳ trước, liên quan đến cả câu chuyện kỷ luật cán bộ, mất cán bộ và Bí thư Thành ủy Hà Nội đã được đích thân Thủ tướng hỏi “Hà Nội có làm được không?”.
Ông Quang nêu thực tiễn quản lý tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), bất cứ công trình nào nhô lên cao thì chính quyền đều phát hiện và xử lý, do họ có quy chuẩn độ cao cho từng dãy phố, và so sánh: “Ta có công ty điện lực, công ty cấp nước (làm thủ tục cấp điện, nước cho các công trình xây dựng), rồi có cả hệ thông công an, cho nên, để tồn tại vi phạm kéo dài cho thấy lấp ló lợi ích nhóm”.
Theo ông Quang, để giải quyết việc này, “cần quy rất rõ trách nhiệm cá nhân”.
Kỷ cương xử lý các sai phạm chưa nghiêm túc, chưa nghiêm khắc
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, cũng cho rằng các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng là vấn đề rất nghiêm trọng, đụng chạm đến các vấn đề an ninh nông thôn, đô thị.
“Ở nông thôn, việc quản lý đất đai, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp, xây dựng trái phép, mua bán đất nông nghiệp trái phép vẫn đang xảy ra, có chiều hướng không giảm mà vi phạm còn phức tạp hơn. Chúng tôi kiểm tra, giám sát, thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Buông lỏng quản lý có, xử lý không nghiêm túc cũng có”, ông Nam nêu thực trạng, và nhấn mạnh đến vấn đề “kỷ luật, kỷ cương” khi để tình trạng này tồn tại quá lâu.
“Chúng ta vẫn nói với nhau, động viên nhau, nhưng kỷ cương xử lý các sai phạm tôi cho là chưa nghiêm túc, chưa nghiêm khắc. Một loạt sai phạm như xây dựng trên đất nông nghiệp, thậm chí dinh cơ, biệt thự; rồi ấn chiếm đất nông nghiệp thành nhà riêng, lấn chiếm rừng phòng hộ… chúng ta đều biết và biết từ lâu rồi, nhưng do c xử lý không nghiêm, không đến nơi, đến chốn, nên hiện đang tái diễn và ngày càng tái diễn nghiêm trọng”, ông Nam nói tiếp.
Sau 2 ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội điều hành nội dung họp đã đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT và Giám đốc Sở TN-MT giải trình rõ thêm.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT Chu Phú Mỹ chỉ cho biết qua “họp kiểm điểm Ban cán sự, chúng tôi đã thấy trách nhiệm của mình và sẽ phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra, thực hiện đúng nhiệm vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”.
Còn Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông thì thông tin Sở “đã thành lập 30 đoàn thanh tra xuống trực tiếp thanh tra tại 30 quận, huyện và đã có 30 kết luận về các mức độ vi phạm”.
Theo ông Đông, Sở này đang tổng hợp kết quả báo cáo UBND TP, hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Thành ủy cụ thể, và thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện kết luận thanh tra.
Tại sao không ai bị xử lý sau vụ cháy gây chết 8 người?
Liên quan đến vấn đề kỷ cương, ông Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: Vì sao vụ cháy nổ nghiêm trọng ở quận Nam Từ Liêm làm 8 người chết tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm vừa qua không có ai bị xử lý?
“Trong báo cáo của công an thì rất rõ, có sự buông lỏng của chính quyền cơ sở, để xây dựng nhà trái phép nhưng không ai xử lý cả, sản xuất ở đó cũng không ai kiểm tra”, ông Nam dẫn chứng, và cho rằng “phải xử lý ngay trách nhiệm người đứng đầu, phải kiểm điểm đã. Anh trưởng công phường ở đâu, chủ tịch phường ở đâu… Có khởi tố hay không khởi tố thì công an sẽ làm, nhưng xử lý trách nhiệm hành chính thì chúng phải làm, thì mới là kỷ cương”.
(Theo Thanh Niên)