+
Aa
-
like
comment

Lấp hồ Thành Công xây chung cư: Chuyện khôi hài

22/12/2019 16:12

Hồ Thành Công giờ như một cái ao lọt giữa các chung cư cao tầng của Hà Nội, chút lá phổi xanh ấy cần phải được giữ gìn.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ tại Hà Nội, UBND TP đang giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu.

Hiện một số khu tập thể đã và đang triển khai lập quy hoạch như: Nguyễn Công Trứ, Hào Nam, Quỳnh Mai và Nghĩa Tân. Tuy nhiên, một số khu vẫn đang tiếp tục báo cáo ý tưởng quy hoạch, trong đó có khu tập thể Thành Công.

chungcu1
Lấp hồ Thành Công xây chung cư: Chuyện khôi hài

Với khu tập thể Thành Công, nhà đầu tư là Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng đã đề xuất 2 phương án lập quy hoạch. Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng.

Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Đề xuất trên lập tức gây bão trong dư luận dù phía chủ đầu tư cho rằng, với phương án này nhà nước không cần hỗ trợ; công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn…

Chính Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng vào năm 2017 cũng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Khi ấy đề xuất này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía lãnh đạo TP cũng như người dân, chuyên gia…

Tương tự, lần này, việc Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng tiếp tục đưa ra đề xuất lấp một phần hồ Thành Công và bù đắp lại bằng một diện tích lớn hơn cũng vấp phải sự phản đối gay gắt.

Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định không thể chấp nhận một đề xuất ngược đời như vậy, không ai lại đi lấp hồ, dù chỉ là một phần để rồi sau đó lại đào một diện tích khác, dù lớn hơn, để hoàn trả.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, năm  2017, bà đã lên tiếng phản đối đề xuất lấp một phần hồ Thành Công và đến bây giờ bà vẫn giữ nguyên quan điểm này.

“Doanh nghiệp đề xuất thế nào là quyền của họ, nhưng tôi tin rằng lãnh đạo TP sẽ không duyệt. Môi trường Hà Nội đang ô nhiễm, phải giữ gìn chút diện tích mặt nước, công viên còn lại cho Thủ đô.

Cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ là việc làm khó khăn, Hà Nội đã triển khai từ lâu nhưng còn nhiều vướng mắc ở cơ chế, quy hoạch. Tìm ra một giải pháp thích hợp là điều cần thiết, tuy nhiên dù làm gì thì cũng phải tuân theo quy hoạch, phải gia tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước.

Nhà đầu tư muốn lấp hồ để xây nhà tái định cư, nhưng những nơi khác không có hồ thì họ làm thế nào? Tuyệt đối không thể xẻ thịt hay lấp bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ, mà cần tìm một địa điểm thích hợp hơn”, PGS.TS Bùi Thị An chỉ rõ.

Cùng chia sẻ quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có nhiều bài học lớn về lấp hồ, lấp ao, ảnh hưởng đến môi trường.

Mặt nước, cây xanh là lá phổi của thành phố, đặc biệt hồ còn có trách nhiệm chứa nước mưa mỗi khi trời mua to. Nhiều bài học đã xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn: trong quá trình đô thị hóa, các thành phố này đã không giữ được diện tích hồ như trước đây khiến nước mưa trút xuống không có chỗ thoát, dẫn đến ngập lụt. Những bài học ấy, theo ông Thám, Hà Nội phải nhớ và không được mắc lại sai lầm.

Đối với hồ Thành Công, theo vị chuyên gia, từ lâu đã giống như cái ao lọt thỏm giữa các chung cư cao tầng của thành phố. Từ nhiều năm trước, công viên hồ Thành Công đã bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích khiến người dân bức xúc, thành phố đã phải thực hiện giải tỏa nhiều lần để trả lại không gian xanh cho nơi đây.

“Bởi vậy, những đề xuất lấp hồ, lấp diện tích cây xanh đều phản khoa học, trái ngược lại với các quan điểm bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư chỉ nhìn ở góc độ kinh tế, có lợi cho họ, còn diện tích hồ bị lấp họ sẽ bù lại thế nào, lấy ở đâu để bù, hay có dám phá đi khu tập thể Thành Công để bù? Chuyện ấy khôi hài”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhận xét và lưu ý, những diện tích mặt nước, cây xanh còn lại của Hà Nội hiện nay còn quý hơn kim cương nên phải nâng niu, gìn giữ.

Liên quan đến đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây nhà tái định cư của Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng, ngày 21/12, báo Kinh tế và Đô thị – cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội dẫn lời đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khẳng định, đây chỉ là ý tưởng của nhà đầu tư báo cáo trước Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên Hội đồng thẩm định.

Hội đồng đã yêu cầu nhà đầu tư cần nghiên cứu lại phương án lập quy hoạch cho khu vực này phải tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

“Hồ Thành Công hay bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn thành phố đều là tài sản vô giá đang cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được.

Những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ đều được Hội đồng thẩm định đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình lập Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định”, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

Thành Luân/DV

Bài mới
Đọc nhiều