+
Aa
-
like
comment

Lấp hồ Thành Công là đề xuất đánh đổi lợi ích trước mắt không chấp nhận được

27/12/2019 20:28

Lấp một phần hồ Thành Công để xây dựng 3 tòa nhà có độ cao tối đa 35 tầng. Đây đúng là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ.

Lâu nay người dân Hà Nội đã quá sức chịu đựng các vấn đề môi trường, nào bụi mịn mờ mịt như sương, cây xanh bị chặt nhanh hơn trồng cây mới, sông biến thành cống nước thải, nên dễ hiểu là nghe thấy đề xuất lấp hồ Thành Công xây chung cư mới 35 tầng thì sẽ có rất nhiều phản đối gay gắt. Cụ thể: Công ty Việt Hưng vừa trình UBND TP. Hà Nội 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công, trong đó có phương án đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Trước đó vào năm 2017, Công ty Việt Hưng cũng đã không ngại ngần đề xuất đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép lấp 1 ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo.

ho
Đề xuất lấp một phần hồ Thành Công xây chung cư nhận được sự phản đối gay gắt từ chuyên gia, người dân.

Khách quan mà nói, cải tạo chung cư cũ là một vấn đề bế tắc hàng thập kỷ của Thủ đô, gần đây lại trở thành câu chuyện “nóng”. Điều này bắt đầu từ việc, lãnh đạo Hà Nội thực sự sốt ruột, tuyên bố sẽ có những thay đổi quyết liệt, tháo gỡ các nút thắt trong cải tạo chung cư cũ. Cụ thể, một trong những nút thắt khó giải quyết nhất là tỷ lệ đền bù, điều này khiến người dân và doanh nghiệp luôn trở thành những đường thẳng song song không tìm được tiếng nói chung. Và bài toán đầu tiên cần phải giải lại là việc, các hộ dân sẽ đi đâu, sống như thế nào trong suốt thời gian phá bỏ chung cư cũ, xây lại chung cư mới? Khi đa số người dân đều khẳng định, họ muốn tái định cư tại chỗ, không muốn dời đi đâu bởi có quá nhiều bất cập phát sinh trong việc di dời ấy. Hơn nữa, chung cư cũ hay nhiều người vẫn quen gọi là nhà tập thể ở Thủ đô không đơn thuần là tên một loại nhà để ở, nó còn bao hàm cả những giá trị tinh thần, giống như một kho di sản lưu giữ tất cả nếp sống của người Hà Nội những năm bao cấp. Và vì thế, yếu tố tinh thần, gắn kết cộng đồng ở đây rất lớn.

Lẽ đó, trở lại với đề xuất lấp một phần hồ Thành Công, theo đại diện Công ty Việt Hưng, với phương án này sẽ không gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực khi 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; tỷ lệ đền bù 1,0; chiều cao tối đa của công trình là 35 tầng, có điều chỉnh ranh giới dự án để bố trí tạm cư.

Mặc dù đề xuất này cũng được cơ quan chức năng, chuyên gia đánh giá là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng đa phần các ý kiến cho rằng, việc lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ. Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp sẽ càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi, nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh thì hồ Thành Công sẽ biến thành “ao làng” tù túng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết đây là một đề xuất hoàn toàn không phù hợp, thậm chí có phần phản cảm. “Dưới góc độ cơ quan đất đai và môi trường và cả cá nhân, tôi cho rằng đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Không đời nào lại có chuyện lấp một phần hồ này rồi lại đào thêm một hồ khác. Hơn nữa, cả TP Hà Nội đang nỗ lực tạo ra các hồ để tạo môi trường, cảnh quan. Hồ Thành Công là một địa danh đã đi vào lòng người, người ta đã quen với phong cảnh ở đây, giờ lại đề xuất lấp một phần thì không thể chấp nhận được”.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình. Ông cho rằng Hà Nội có bản sắc văn hiến, tức là tôn trọng truyền thống, trong đó các hồ nước là một trong những yếu tố phải tôn trọng. Hồ nước không chỉ cần có đủ diện tích mặt nước, đủ khối lượng nước để đảm bảo điều hòa nước mưa mà còn phải tôn trọng hình dáng, cảnh quan của hồ.

Nhận định về đề xuất này, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Các hồ nước đang góp phần tạo nên bản sắc, diện mạo của Hà Nội, trong đó có hồ Thành Công. Các hồ nước gắn với cảm xúc, kỷ niệm của người dân và tham gia vào bảo vệ môi trường, cảnh quan… Thay đổi diện mạo của hồ để giảm diện tích không gian trống tiếp cận với đường là làm giảm lợi ích chung của cộng đồng dân cư đang được hưởng. Điều đáng nói là đi liền với việc lấp đi một góc hồ, chủ đầu tư lại đề xuất khai thác chính quỹ đất đó để xây dựng chung cư cao tầng khai thác lợi thế kinh doanh. “Chủ đầu tư muốn chuyển cái lợi ích cộng đồng thành lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp. Về giải pháp đưa thêm cây xanh, mặt nước vào khu trung tâm của khu Thành Công là giải pháp tốt nhưng không được “đánh đổi” bằng lấp đi một phần hồ nước!”

Còn đại diện chính quyền cũng chưa dám quyết với đề xuất lấp một phần hồ của Công ty Việt Hưng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng từng thừa nhận: “Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được”.

Thế mới nói, trong cuộc sống, việc doanh nghiệp có những “đề xuất” này đề xuất kia là bình thường. Ở đó, có những doanh nghiệp đề xuất xin dự án bằng cái tâm, nhưng cũng có doanh nghiệp để được nhận dự án, họ sẵn sàng công khai (bằng thủ đoạn) hoặc ngấm ngầm cố thực hiện để “vơ đầy túi” tham. Điều quan trọng là chính quyền ứng xử thế nào đối với quyền và lợi ích của số đông người dân mới là quan trọng.

Diệu Hương 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều