+
Aa
-
like
comment

Lập chốt kiểm soát nồng độ cồn gần quán nhậu: Vì một xã hội văn minh hơn

Tifosi - 15/06/2020 14:36

Mới ít hôm trước, dư luận mạng bất bình vì việc một thanh niên bợm nhậu điều khiển xe máy tông vào một vợ chồng trẻ. Hậu quả là chị vợ bị sảy thai, mất đi đứa con đang được khoảng trên 30 tuần vẫn còn trong bụng mẹ.

Vụ việc này xảy ra đúng thời điểm một đại biểu quốc hội bị cư dân mạng ném đá vì đề xuất: “Có thể thiết lập chốt chặn gần các quán nhậu hoặc đầu các tuyến cao tốc”. Lý do mà phe phản đối, ném đá việc đề xuất ấy có thể được tóm tắt như sau:

– Kinh tế vừa hồi sức sau đại dịch, việc kiểm tra gắt gao thế này là làm ảnh hưởng đến kinh tế của nhân dân.

– Việc lập chốt ở gần quán rượu là ép người dân phải chịu phạt.

– Bên cạnh đó, khiến cho các hàng quán ăn uống bị ảnh hưởng về kinh doanh, thậm chí bị đóng cửa.

Rõ ràng, chúng ta thừa biết rằng, Việt Nam là một quốc gia ham nhậu. Người Việt có thể nhậu vì rất nhiều lý do, thất tình nhậu, ra mắt người yêu cũng nhậu, nghỉ việc nhậu, tìm được việc mới cũng nhậu. Trong bất cứ một số liệu nào về tình trạng tiêu thụ rượu bia, Việt Nam có lẽ “chưa bao giờ sợ” một quốc gia nào ở châu Á hay trên thế giới.

Việc chốt ở gần các quán nhậu, về cơ bản sẽ có những mặt lợi nhìn thấy rõ được như sau.

Đầu tiên, nếu kiểm tra nồng độ cồn mà không vi phạm, nồng độ bằng 0. Không sao, quá tốt rồi. Mà với bản thân người không uống rượu bia, không có nồng độ cồn trong hơi thở thì việc lập chốt ở gần hay xa quán nhậu cũng là như nhau hết. Khi đã có ý thức chấp hành thì chẳng phải sợ gì cả.

Tiếp theo, nếu kiểm tra mà phát hiện có nồng độ cồn trong hơi thở. Điều đó lại càng tốt, lực lượng cảnh sát có thể phạt tại chỗ được luôn, giam xe, thu bằng, phạt nặng, tránh việc người mang nồng độ cồn có thể tham gia giao thông và gây ra những vụ việc đáng tiếc như việc sản phụ bị sảy thai do bợm nhậu gây ra ở trên. Việc áp chốt ở gần quán nhậu nhằm mục đích hạn chế tối đa việc những người nhậu nhẹt tham gia giao thông.

Nếu đã không vi phạm, giấy tờ đầy đủ, bản thân hiểu biết luật pháp thì chẳng có gì phải sợ khi đứng trước cảnh sát giao thông. Đằng này bằng không có, mũ không có, rồi hơi thở đậm mùi rượu rồi bất hợp tác, rồi nói cảnh sát bắt phạt dân là “ép” người dân, thì là một hành động vô thiên vô pháp rồi.

Và việc bắt phạt cũng chẳng ảnh hưởng gì đến túi tiền của người dân. Bây giờ vi phạm luật giao thông, bị phạt, lại gào mồm “ăn vạ” là nghèo khó, là “chẳng may vi phạm”, thì ai mà nghe được? Bản thân mỗi người dân phải có ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật, chấp hành tốt pháp luật vừa đảm bảo an toàn xã hội, vừa đảm bảo an toàn cho cá nhân và hạnh phúc gia đình, đi cùng với đó là bảo vệ luôn túi tiền của mình.

– Tao nhậu là việc của tao, tính mạng của tao không cần mày lo.

Vậy nhậu tối mắt tối mũi, đâm vào người khác, khiến người khác nhẹ thì bị thương, nặng thì mất mạng. Tính mạng của các ông thì kệ các ông, phải tự biết giữ, nhưng nhậu xỉn rồi thì điều khiển giao thông đâm vào người khác, gây tai nạn cho người khác, thì đó không còn là việc của riêng các ông nữa rồi.

Rồi việc nhậu nhẹt khi có gia đình, về thì thái độ trịnh thượng với vợ con. Trên bàn nhậu thì oai phong, lúc sướng thì có các chiến hữu, nhưng những lúc khó khăn thì chỉ có vợ con, gia đình ở bên cạnh.

Lắm ông đi nhậu tốn vài trăm ngàn thì không tiếc, đến lúc say xỉn thì gọi vợ con ra đón. Thân hình thì to, miệng thì nồng nặc mùi rượu, có khi vợ con ra đón lại quát ngược lại vợ con, thể hiện uy phong của đàn ông.

Đi nhậu, tốt nhất là gọi tài xế công nghệ hay xe ôm, vừa an toàn cho bản thân, gia đình và cả xã hội, thể hiện nét đẹp văn minh trong ứng xử. Việc gọi tài xế công nghệ hay xe ôm thì quá là đơn giản, chỉ cần vài cái quẹt tay là được, chi phí thì chắc chắn cũng chỉ quanh lại đâu đó dăm ba cốc bia.

Việc lập chốt như vậy có “ép” các hàng quán nhậu phải đóng cửa không?

Mục tiêu của việc lập chốt gần quán nhậu là “hạn chế người có nồng độ cồn tham gia giao thông” chứ không phải là “cấm người dân uống rượu bia”. Người dân hoàn toàn có thể nhậu bình thường, thuê xe đi và về và đó là điều đáng hoan nghênh trong một xã hội văn minh.

Toàn một đám người nói rằng luật để tăng bảo kê, o ép người dân mà đám người đó không hiểu rằng luật này tác động đến một đám bợm nhậu vô ý thức. Rằng khi có nồng độ cồn thì đừng tham gia giao thông, chân tay lảo đảo đi bộ còn không vững, miệng thì phê pha, lao xe vào người khác gần như là một hành vi giết người rồi.

Tại Hàn Quốc, có một hình ảnh rất đáng để chúng ta học hỏi. Đó là việc khi người đàn ông nhậu thì phụ nữ sẽ cầm lái, nếu không có ai đi kèm thì người chủ phương tiện sẽ giao chìa khóa cho nhân viên để đưa về, hoặc là về nhà bằng taxi mai đến lấy. Chúng ta muốn văn minh, thì chúng ta phải hành xử khác đi, chứ đừng bảo thủ, cộng thêm ngu dốt, lúc đấy thì trở thành một kẻ phá hoại rồi.

Đã uống rượu bia thì không lái xe, nói vậy cho nó vuông.

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều