Lập “bệnh viện ảo” cứu giúp F0 trong dịch Covid-19
Giữa lúc dịch Covid-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM, có một đội ngũ người trẻ dưới sự dẫn dắt của một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cùng thành lập dự án cộng đồng sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn điều trị chăm sóc cứu giúp F0 cách ly tại nhà từ xa, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM.
Đó là dự án Tele-Triage Covid-19, được sáng lập bởi thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Tường Vũ (50 tuổi), Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Đến nay, đội ngũ bao gồm hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, điều phối viên, chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng, chuyên gia công nghệ đang làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố ở VN, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan…
Làm 200% năng suất
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Tường Vũ, trưởng dự án, cho biết: “Dự án ra đời vào giữa tháng 7.2021, lúc dịch đang ở giai đoạn khốc liệt tại TP.HCM. Trước đó 1 tháng, từ ý tưởng ban đầu sau khi tham khảo các mô hình ứng dụng y tế từ xa cho F0 của các nước như: Anh, Mỹ, Ấn Độ, tôi kết nối đội ngũ công nghệ và nhân viên y tế lại để chính thức xây dựng và vận hành”.
Bác sĩ Vũ cho hay F0 tại nhà kết nối với hệ thống sẽ khai báo thông tin ban đầu và được điều phối viên y tế từ xa kết nối. Dựa trên các thông tin người bệnh khai báo theo biểu mẫu về lâm sàng, sinh hiệu, chỉ số SpO2, hệ thống sẽ cập nhật bệnh án điện tử, phân loại tình trạng sức khỏe. Đồng thời đội ngũ chuyên gia y tế sẽ sàng lọc, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc mỗi ngày. Trong suốt 21 ngày, đội ngũ nhân viên y tế cùng phối hợp với nhau sẽ tư vấn quyết định y tế kịp thời: khi nào được tiếp tục theo dõi ở nhà; khi nào cần nhập viện. Tất cả đều miễn phí.
Có những thời điểm chúng tôi làm tới 200% năng suất. Ai cũng muốn góp một chút giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế ở TP.HCM, làm thế nào để F0 nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện cách ly tại nhà được sàng lọc, hỗ trợ điều trị, tư vấn chăm sóc tốt nhất, không bị hoang mang bởi những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ Khoa – Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM; trưởng dự án Tele-Triage Covid-19
Anh Dương Công Đông, giảng viên Trường ĐH FPT, thành viên ban điều hành, cho hay dự án như một phòng VIP ảo cho các F0. Dự án có các chuyên gia từ bác sĩ, dược sĩ lâm sàng, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý và dinh dưỡng, công nghệ… Do đó có thể lên kế hoạch chăm sóc cho người bệnh trên hệ thống dữ liệu bàn giao lại cho nhau mỗi ngày, hỗ trợ trọn vẹn quá trình F0 điều trị.
Không chỉ vậy, khi các trạm y tế lưu động tại TP.HCM chưa thành lập, dự án còn hỗ trợ mua, chuyển giúp thuốc, tặng máy đo SpO2, dây mặt nạ thở ô xy và bình ô xy tới người bệnh. Có nhiều người gọi điện đến hệ thống hỏi nhiều thành viên trong nhà mình đã nhiễm, làm sao để cách ly người còn lại an toàn? Nhân viên y tế gọi video call tới để nắm được không gian ngôi nhà, phòng vệ sinh thiết kế ra sao để đưa cho họ những lời khuyên hợp lý trong phòng chống nhiễm khuẩn, động viên tinh thần để họ an tâm.
“Có những thời điểm chúng tôi làm tới 200% năng suất. Ai cũng muốn góp một chút giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế ở TP.HCM, làm thế nào để F0 nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện cách ly tại nhà được sàng lọc, hỗ trợ điều trị, tư vấn chăm sóc tốt nhất, không bị hoang mang bởi những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội”, bác sĩ Vũ nói.
Trưởng dự án vì cộng đồng này cũng mong muốn từ dự án này, những bạn trẻ là nhân viên y tế, công nghệ, điều phối viên… được học hỏi nhiều hơn. Là tình nguyện viên, họ không có thù lao, nhưng được bồi dưỡng thêm về chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc từ xa, biết cách phân loại, chăm sóc bệnh nhân, để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng…
Giúp hơn 900 F0
Anh Dương Công Đông cho biết cái hay của hệ thống này là cùng lúc hỗ trợ được cả một gia đình F0 với 2 – 3 thế hệ cùng chung sống, cùng nhiễm bệnh, cùng vượt qua. “2 doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên là F0 cùng thời điểm cũng được hệ thống tư vấn và chăm sóc liên tục trong 2 tuần. Tất cả đều khỏi bệnh”, anh Đông khoe.
Trong mỗi nhóm, chúng tôi thấy mỗi ngày có lời hỏi thăm bệnh, khám từ xa của bác sĩ; hướng dẫn và nhắc uống thuốc, hướng dẫn đo SpO2 thường xuyên, tư vấn nên ăn uống món gì, cách thở ra sao, làm gì để lạc quan hơn. Nhiều F0 lớn tuổi có bệnh nền sẽ được khám từ xa qua cuộc gọi video với các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia tâm lý để họ yên tâm điều trị, mau bình phục hơn. Nhân viên y tế cũng luôn theo sát chỉ số SpO2 của người bệnh, nếu chỉ số giảm đột ngột dưới 94% thì chỉ định nhập viện khẩn cấp.
Hơn 200 thành viên của dự án có công việc chính thức ở các bệnh viện, trường ĐH, người đang đi học ở Đài Loan, Thái Lan. Nhiều thời điểm căng thẳng, mỗi đêm họ chỉ ngủ được vài tiếng. Tới nay, khi TP.HCM về lại nhịp sống bình thường mới, học sinh lớp 9, lớp 12 đến trường học trực tiếp, các ca F0 trong cộng đồng vẫn nhiều, họ vẫn thầm lặng với công việc của mình.
Bác sĩ Vũ bộc bạch: “Niềm vui của chúng tôi là cứu giúp được người bệnh. Tới nay, hơn 900 F0 đã được dự án hỗ trợ chăm sóc. Có những câu chuyện rất cảm động, những cụ ông cụ bà khi đã khỏi bệnh nhắn tin cảm ơn, người còn làm thơ tặng khiến chúng tôi có thêm nhiều động lực hơn nữa”.
Y tế từ xa trong trường học
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Tường Vũ và những người thực hiện dự án đã có các buổi làm việc tại nhiều trường mầm non ở TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai), thiết lập những phương án “an toàn F0 về y tế” cho nhà trường khi mở cửa trở lại, xây dựng phòng khám từ xa cho y tế học đường; lên quy trình sàng lọc trước khi đến trường, tại cổng trường, trong lớp học và xử lý F0 tại trường học khi xảy ra… Điều này giúp nhân viên y tế tại nhà trường kết nối với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa từ xa, đưa ra những lời khuyên, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các em nhỏ, không chỉ về Covid-19.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới chăm sóc sức khỏe từ xa (Tele-Medicine) trong các nhà máy, khu công nghiệp, để việc sản xuất thích ứng an toàn với dịch Covid-19, không phải cứ có F0 là nhà máy phải đóng cửa.
Mai Mai