+
Aa
-
like
comment

Lão nông nghèo canh gác dự án tỷ đô

27/05/2020 11:00

5 năm qua, trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, diễn ra cuộc đối đầu giữa một lão nông nghèo và một nhà thầu doanh thu hàng năm 7 tỷ nhân dân tệ.

Giữa tháng 5, trong căn nhà cấp 4 sứt sẹo, ông Phạm Tấn Lực ngồi tập trung vào cặp tài liệu vừa soạn ra, tỉ mỉ sắp xếp lại. Khối tài liệu đó là kết quả suốt nửa thập niên ông Lực tự giám sát nhà thầu Trung Quốc xây đường cao tốc. Bộ hồ sơ đổi bằng mồ hôi và máu.

Mới mùa hè hai năm trước, đến ngay cả người em họ ông Sáu Lực cũng xông vào tận nhà đấm đá anh mình tới tấp, vì cho rằng việc giám sát của ông làm ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của anh ta. Ông nằm viện bảy ngày vì trận đòn thù của người họ hàng, vốn làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc. Trong hành trình cô độc ấy, người đàn ông 61 tuổi đã bị đánh và khủng bố nhiều lần tới mức tuyên bố “không sợ chết nữa”.

Ông Phạm Tấn Lực bên khối hồ sơ tự xây dựng về chất lượng cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Ông Lực là con liệt sĩ, mồ côi cha khi mới lên 7. Ở đất Bình Trung này, chỉ có nắng và nắng. Đất đai khô cằn, trồng cấy cực khổ. Lúa năm được năm mất. Nhiều người bỏ xứ, đi miền Nam làm ăn. Ông Lực thì không. Mẹ mình, anh em còn ở thì mình cũng sống được, ông nghĩ. Xuất ngũ ông về quê lập gia đình, làm thợ mộc, rồi nhận thầu vài hạng mục xây dựng nhỏ của trường học.

Bà Cường, vợ ông, thì có tay buôn bán, dọc ngang khắp vùng thu gom dưa hấu. Nhưng chục năm trước, bà đổ bệnh. Việc chữa xơ gan phải ra tận Hà Nội, đất rẫy đến đất ở phải bán dần, chỉ còn chừa căn nhà mẹ để lại. Ông Lực bỏ nghề đi theo chăm vợ. Bà Cường biết chồng trực tính, cũng không dám cản.

Năm 2015, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vắt qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khởi công. Bà Cường đều đặn mỗi tháng một lần vẫn phải ra Hà Nội, chi phí cỡ 6 triệu đồng. Gia đình cần tiền mà không còn thứ gì đáng giá để bán. Người quen biết gia cảnh, thương ông tuổi đã cao, giới thiệu vào làm bảo vệ đội xe cơ giới ở công trường của một nhà thầu Trung Quốc.

Đó là Công ty TNHH tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (JTEG) – một đại gia ngành hạ tầng Trung Quốc – cái tên quen thuộc ở những dự án có vốn ODA tại các nước đang phát triển. Doanh thu công ty này, theo công bố trên website của họ, là 7 tỷ nhân dân tệ – tương đương với 23.000 tỷ đồng.

JTEG trúng thầu gói A3 trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá hơn 1.300 tỷ đồng, bằng một lợi thế hiển nhiên của các nhà thầu Trung Quốc: bỏ giá thầu thấp. Công ty này sở hữu một bản thành tích dày dạn ở các nước nghèo, từ Trung Phi, Mông Cổ, Fiji, Campuchia đến Bangladesh.

Vị trí gói thầu A3 trong giai đoạn 2 (vay World Bank) của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Gói thầu A3 nằm trong giai đoạn 2 của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi – nhận hơn 600 triệu USD vốn từ World Bank. Nó kéo dài từ km99+100 đến km110+500. Và gói thầu kéo dài hơn mười cây số trên địa phận Bình Trung của JTEG chắc sẽ không gây nhiều chú ý, nếu họ không tuyển dụng ông bảo vệ có vóc người thấp bé, từ ngôi làng vô danh cạnh công trường.

Kể từ đó là một cuộc đối đầu chưa có hồi kết. Một bên là người đàn ông ít học với vũ khí duy nhất là chiếc máy ảnh kỹ thuật số đời cũ. Bên kia, có đến hai thiết chế kinh tế khổng lồ cần giữ “bình yên” cho dự án của họ: ngoài JTEG, thì chủ đầu tư của con đường, Tổng công ty phát triển cao tốc Việt Nam VEC, cũng đã quá đủ điều tiếng để bị báo chí để tâm.

Phạm Tấn Lực là một trong những người đầu tiên có mặt trên công trường cao tốc. Đọc thông tin về dự án có vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, thi công trong nhiều năm, ông Lực chắc mẩm “công việc gần nhà, thu nhập 5 triệu mỗi tháng đủ lo cho vợ”. Bà Cường thấy ông có việc làm ổn định, cũng vui lây.

Nhưng chỉ vài hôm, ông cứ về nhà là lại than phiền với vợ về việc nhà thầu làm ăn cẩu thả: Họ giải toả đường nhưng phong hoá không múc đi mà san lấp tại chỗ; nhiều đoạn còn ủn cả gốc cây lớn vùi xuống; gần 300.000 mét khối bùn cũng không múc ra ngoài bãi thải…

Với kiến thức ngày còn làm xây dựng của mình, ông Lực tự kết luận hàng loạt điểm bất hợp lý: Vật liệu san nền dùng cả viên đá lớn, xe ủi còn không qua được để đổ mặt nền, dập qua dập lại chìm xuống dưới; cấp phối quá dày; xe lu không có người quản lý, chạy qua chạy lại cho có lệ để bán dầu nhưng khi kỹ sư đục mẫu ghi lại vẫn đạt.

“Nghĩ ăn cây nào rào cây đấy, nên tôi mới nói với người thông dịch viên là yêu cầu nhà thầu làm đúng, chứ không muốn làm lớn chuyện. Nhưng đáp lại là sự im lặng”, ông Lực nhắc lại chuyện cũ, giọng trầm buồn. Công việc bảo vệ không còn vui nữa, dù vẫn giúp ông có tiền trang trải.

Sau hơn một năm, ông bị cho nghỉ việc vì hay xen ngang chuyện một số người của nhà thầu Giang Tô.

Về nhà, cứ nghĩ đến những việc mình mắt thấy tai nghe, ông Lực lại ăn không ngon, ngủ chập chờn. Ông quyết định viết “Đơn báo cáo” rồi thuê người đánh máy để gửi đến Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, công an huyện Bình Sơn… trình bày hàng loạt sai phạm khi thi công, đề nghị cho kiểm tra lại việc làm ăn gian dối, thay những người tắc trách.

Đơn ghi ngày 6/1/2016. Nhưng ông Lực không dám ký. Đi đến gõ cửa nhiều nhà trong vùng cũng không ai dám ký. “Sợ chứ. Mình là dân thấp cổ bé họng, đi tố cáo cả một dự án hàng chục nghìn tỷ đồng, sợ bị trả thù. Với lại tố cáo mà không có chứng cứ, dễ gì người ta tin”, ông nói. Rồi lá đơn cũng được gửi. Nhưng chờ hoài không có hồi âm.

“Tôi cần mua một chiếc máy ảnh”, ông Lực đưa cho người quen ba triệu đồng. Ít ngày sau, ông sở hữu một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Sony to bằng nửa bàn tay, mất cả tuần mới biết cách dùng.

Ông Lực và chiếc máy ảnh – công cụ giám sát suốt 5 năm qua.

Tường tận những khu vực nhà thầu thi công ẩu, ông lợi dụng lúc công nhân nghỉ trưa để lẻn vào chụp ảnh. “Càng đi tìm bằng chứng, càng phát hiện thi công không theo thiết kế, đe dọa chất lượng công trình”.

Ông có thể kể cả ngày về những thứ mà ông tin là “sai phạm”: nhựa đường không được đun nóng đủ 150 độ C; sắt để nằm phơi giữa trời cả mùa mưa gỉ sét, khi thi công cầu thì không cho công nhân rửa lại; nền đang bùn vẫn đổ bê tông xuống ào ào.

Vài tháng sau, người thông dịch viên của JTEG được giao nhiệm vụ theo dõi ngược lại ông Lực. Mỗi lần ông có mặt ở công trường là bị cản lại. Ông lão lý sự: “Người dân có quyền giám sát nhà thầu. Trừ khi Ban quản lý dự án có văn bản nêu rõ lý do không cho tôi vào thì tôi không vào”. Họ đành chịu.

Rồi ông Lực nhận thấy một chiến thuật mới từ nhà thầu: ban ngày xe cơ giới và công nhân làm việc cầm chừng, ban đêm thi công đủ tiến độ. “Họ làm giờ đó thì ai giám sát nổi”, ông ca thán.

Nhưng vài tháng sau, không biết bằng cách nào mà nhiều công nhân, người trong vùng có số điện thoại của ông Lực, gọi báo tin những đoạn cao tốc đang thi công có dấu hiệu làm ẩu. Những cuộc điện thoại đến bất chợt, chủ yếu vào ban đêm.

Ông Sáu Lực bật dậy đến ngay nơi có người báo tin, dù trong lòng cũng quan ngại, vì đêm tối, nơi được “chỉ điểm” lại là chỗ vắng vẻ. Nhưng ông tin chỉ có sự xuất hiện của mình mới khiến nhà thầu không làm sai.

“Nếu không có những người công nhân, kỹ sư còn lương tâm, thì tôi không thể biết hết những chỗ nhà thầu hay ban quản lý dự án làm gian dối được”, ông Lực nói.

Có người ghé nhà đặt vấn đề “ông đừng chụp ảnh, gửi đơn hay gọi điện cho giám sát thi công nữa, mỗi tháng sẽ có 6 triệu đồng”. Nói với ông không được, họ lại thỏ thẻ với bà Cường. “Biết tính chồng nên tôi để ông ấy quyết”, bà Cường nhớ lại. Bà cũng nhiều hôm khuyên chồng “thôi ông đừng lấy trứng chọi với đá”. Nhưng ông gạt đi. Ông bà không dám nghĩ có ngày người ta chọi đá vào nhà mình thật.

Những viên đá cuội to bằng nắm đấm bắt đầu trút xuống căn nhà dột vào những đêm tháng 3/2016. Ông Lực đã qua làm bảo vệ cho một công trình đập nước gần đó, bà Cường ở nhà với đứa cháu ngoại.

Bà nằm trong nhà, nghe tiếng mái ngói, cánh cửa kêu ầm ầm vì đá ném, chỉ nằm im không dám bật điện. Chờ khi đám người lạ mặt rời đi, bà mới dám soi đèn. Đá sỏi chúng ném vào nhà đủ xếp đầy một bao. Bà nhặt lại, xếp ra góc vườn để “ông ấy làm bằng chứng”.

Sau sự kiện ấy, ông Lực xuất hiện trên cao tốc nhiều hơn. Ông tức giận. Xưng “tao” gọi “mày” với cánh công nhân. Gọi điện nói ra rả “như chửi con” với cánh giám sát thi công. Ông không sợ bị đánh, nhưng nếu “vợ con có mệnh hệ gì sống sao yên được”. Nhưng cách đáp trả duy nhất mà ông biết, là tiếp tục tăng cường giám sát, nhắc nhở công nhân “làm cho dân mình, chứ không phải ông nhà thầu xong việc là họ về nước”.

Bà Cường vẫn giữ những viên đá người lạ ném vào nhà 4 năm trước. Ảnh: Nguyễn Đông.

Quy trình giám sát của ông là ghi hình đoạn thi công không đảm bảo, rồi gọi điện cho ban quản lý dự án và kỹ sư giám sát công trình yêu cầu phải có mặt và bắt buộc nhà thầu thi công đúng thiết kế, “nếu không sẽ gửi hình đến báo đài”. Ông kể, nhiều đoạn cao tốc nhà thầu đã phải làm lại.

Để có được những bằng chứng, ông Lực đã phải đổi bằng máu. Khoảng 17h chiều một ngày cuối thu năm 2016, ông Lực tranh thủ hết giờ làm bảo vệ cho công trình đập nước để vào công trường cao tốc ghi hình. Nam thanh niên tên Hùng ở xã kế bên, lái xe chở đất đá cho nhà thầu Giang Tô, nhờ một người quen ông Lực vào lán nhậu cùng. Nghĩ sự việc chỉ đơn thuần là người quen muốn xem mấy tấm ảnh hiện trường thi công hôm báo tin, ông Lực trưng ra thì bất ngờ bị Hùng chửi bậy, đấm mạnh vào mặt và bồi thêm cú đạp khiến ông nằm vật xuồng nền, máu tứa ra.

Ông Lực vào bệnh viện khâu đâu sáu mũi. Vết thương cạnh mí mắt để lại sẹo. Những ngày sau đó, nhiều cuộc điện thoại từ số lạ gọi đến đe doạ. Ông Lực phản ứng lại bằng việc trình báo công an. Mọi việc sau đó lắng xuống. Người dân lại thấy ông bất kể nắng, mưa lên cao tốc ghi hình, tay lại lăm lăm điện thoại gọi điện phản ánh nếu phát hiện nghi vấn thi công ẩu.

Chuyện ông lãol âu lâu lại bị gọi điện, nhắn tin doạ “giết” vẫn diễn ra, nhất là mỗi khi truyền thông đưa tin về những sai phạm của nhà thầu Giang Tô, và mặt ông Lực thường xuất hiện trên báo. Nhưng ông không nghĩ việc mình hay tố cáo sai phạm là nguyên nhân bị chính cháu họ hành hung.

Khoảng 15h chiều một ngày cuối hè năm 2018, ông Lực đang ngồi trên giường xem thời sự trên tivi thì Nguyễn Thái Hưng, đang làm thuê cho công trình trên cao tốc phóng xe máy đến nhà. Người này không nói lời nào mà lao vào đánh tới tấp. Bà Cường ở dưới nhà chạy lên, vác cây đập vào người Hưng để giải cứu chồng.

Ông Lực cố gồng người giữ tay Hưng lại. Còn bà Cường lao như tên ra khoá cổng để Hưng không thể lên xe máy chạy thoát. Người này trèo rào bỏ trốn, khi nghe ông Lực gọi điện báo công an. Nằm viện điều trị bảy ngày, ông Lực không yêu cầu Hưng bồi thường nhưng mong muốn sự việc được xử lý.

Chủ tịch xã Bình Trung Trịnh Phú Định thông tin, công an đã lập biên bản và mời Hưng đến làm việc. Tuy nhiên do người đánh và nạn nhân có mối quan hệ họ hàng – Hưng là em con cậu ruột ông Lực – nên hai bên gia đình đã hoà giải. Hưng chỉ bị phía xã chỉ xử phạt hành chính. Còn ông Lực thì quyết tìm ra chân tướng cơ sự. Lý do là Hưng bị nhà thầu nhắc nhở chuyện bớt xén sắt trên công trường, nghi ngờ ông Lực báo tin nên tìm đến nhà.

“Xóm làng người ta bảo ông điên mới đi lo chuyện bao đồng”, bà Cường trách móc khi phải vào viện chăm chồng. Còn ông Lực thì bảo “bằng tuổi này rồi, không sợ chết nữa”.

Ông Lực không có tiền. Nhiều hôm nhận tin báo của công nhân trên cao tốc nhưng xe hết xăng, ông nghĩ ra cách sang hàng xóm hoặc nhà người quen mượn xe “đi đón cháu” hoặc “đi mua đồ” để kịp có mặt ở hiện trường. Có hôm hết tiền nạp điện thoại vì phải gọi cho nhiều người, ông lại ngửa tay xin tiền vợ. Nhiều công nhân biết ông đi tố cáo, thường dúi vào túi mấy chục ngàn bảo “chú Sáu nạp thẻ mà phản ánh”.

Cảm giác bao trùm những ngày tháng đó là sự cô đơn. Nhiều hôm trong họ tộc có việc, ông lão gặp riêng người họ hàng đang công tác tại một sở của tỉnh nhờ xử lý giúp đơn thư. Bữa khác, ông lại xin gặp riêng người bạn làm trong ngành công an nhờ xác minh, nhưng nhận lại là những cái lắc đầu. Lặn lội chạy xe máy hơn trăm cây số ra gặp lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc đóng ở Đà Nẵng, hết lần này đến lần khác ông bị lánh mặt.

Ngày đêm giăng nắng, phơi mưa, về nhà nhìn cơm ông không còn cảm giác muốn ăn. Ông Lực gầy sọp, chỉ còn 45 kg.

Tài sản duy nhất của vợ chồng ông Lực là căn nhà mẹ để lại, đã 20 năm không sang sửa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông bảo mình đã “thất vọng”, nhưng vẫn bám trụ trên cao tốc với niềm tin “mỗi khi tôi có mặt, cầm theo chiếc máy ảnh là nhà thầu đều cho công nhân thi công đoạn tuyến đó cẩn thận hơn”. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thi thoảng vẫn ghé nhà. Bữa thì nhắc ông làm lại nhà để đỡ phải lên cao tốc, hôm lại nhắn “chú Sáu cần xin việc cho con cháu làm ở trạm thu phí cao tốc thì cứ nói với bọn cháu”.

Những lá đơn vẫn đều đặn được gửi đi. Tinh thần của ông Lực lan tỏa: người dân nơi có cao tốc đi qua bắt đầu nghe ông hướng dẫn những phương pháp kỹ thuật để biết đường giám sát nhà thầu. Có hôm, người báo tin gọi điện cảm ơn, bảo nhờ có chú Sáu mà nhà thầu phải thi công lại, đoạn đường mới đảm bảo chất lượng.

Hai năm kể từ lá đơn đầu tiên và kể từ những cái lắc đầu tiên của người làng, lá đơn ngày 28/11/2017 gửi đến báo đài và các cơ quan Trung ương đã có mười lăm người đồng ký tên.

Tên tuổi của “Giang Tô tỉnh giao thông công trình tập đoàn” đã hơn một lần bị gắn với những dự án giao thông tai tiếng khắp thế giới.

Dự án buýt nhanh của thủ đô Dhaka, Bangladesh từ nhiều năm nay là nỗi thống khổ của cư dân một thành phố vốn đã quá tải. Các con đường trọng yếu trong nội đô đều biến thành công trường. Dự án chắc chắn chậm tiến độ, trong đó thành tích của JTEG nổi bật nhất: qua hơn 80% thời gian hợp đồng, gói thầu của họ mới đi được… hơn 20% tiến độ, theo báo cáo giám sát của Ngân hàng châu Á.

Dự án cải tạo đường cao tốc Srinagar-Jammu tại Ấn Độ đã chậm tiến độ 6 năm. Khi JTEG cùng trúng thầu dự án này năm 2011, nó được hứa hẹn sẽ xong trong 3 năm. Sau gần 10 năm với vô số lần hẹn và đội vốn, dự án vẫn chưa thấy ngày nghiệm thu. Con đường huyết mạch nối Kashmir với phần còn lại của thế giới vẫn ngổn ngang với “những lời đổ lỗi ngô nghê”, như nhận xét của một cán bộ địa phương trên báo Greater Kashmir năm 2016.

Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng cho chất lượng của dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không thuộc về những nhà thầu như JTEG. Nó thuộc về chủ đầu tư: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC, những người phải giám sát và chịu trách nhiệm cuối cùng nghiệm thu những gì JTEG làm ra.

Ông Lực bên một hạng mục ông cho rằng “chưa đảm bảo chất lượng” của con đường. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Sáu Lực bảo, chuyện mình tố cáo sai phạm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có thể đã bị lãng quên, nếu không có cơn mưa cuối tháng 11/2018. Tuyến Tam Kỳ – Quảng Ngãi mới thông xe và đưa vào khai thác hai tháng thì sau vài ngày mưa, mặt đường bắt đầu lượn sóng, xuất hiện một số vết nứt. Ghi hình ảnh và gọi ngay cho một số nhà báo, ông Lực nói chắc nịch: “Mưa sẽ lộ ra chất lượng thật của cao tốc”. Những lá đơn tiếp tục được gửi đi.

Báo chí sau đó vào cuộc quyết liệt hơn. Ông Lực được chú ý. Nhiều người đặt câu hỏi: Đường cao tốc đã lộ ra thi công kém, liệu có khen thưởng ông Lực vì nỗ lực tố cáo? Chính quyền địa phương khi ấy trả lời “chưa có kết luận” về những nội dung ông tố cáo là đúng hay sai.

Tháng 6/2019, đoạn Km21 qua tỉnh Quảng Nam xuất hiện tình trạng mặt đường bị lún. Tháng 9/2019, nhiều vết ổ gà xuất hiện tại cao tốc, đoạn gần nút giao Túy Loan (đầu tuyến) thuộc địa phận Đà Nẵng. Nguyên nhân được lãnh đạo Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thông báo là do mưa lớn.

Ngay tại gói thầu A3, nhiều vấn đề thi công cũng nhìn thấy được bằng mắt thường. Nút giao với Dung Quất đang chậm tiến độ nhất trên cả cao tốc, bất chấp độ quan trọng của việc kết nối với khu kinh tế trọng điểm vùng.

Kịch bản quen thuộc của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi suốt từ mùa mưa năm 2018 là báo chí, người dân phản ánh, Bộ xuống thanh tra, VEC thanh minh và hứa sẽ đôn đốc nhà thầu khắc phục. Rồi những vết nứt, ổ gà và sụt lún lại xuất hiện, và lại là những lời hứa khắc phục.

Những lời hứa không giúp được VEC tránh một vụ án hình sự. Tháng 11/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam 4 người với cáo buộc đã có sai phạm và gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án.

Đầu tháng 5 vừa qua, ông Lê Quang Hào (Phó tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) bị bắt. Tổng số bị can của dự án đã là 10 người.

Khi hàng loạt lãnh đạo liên quan đến dự án bị tạm giam, chính quyền xã Bình Trung đã làm đơn gửi UBND huyện Bình Sơn đề nghị khen thưởng ông Lực. Nhiều năm qua, nỗ lực tố cáo của ông không được ghi nhận vì còn chờ “cơ quan có thẩm quyền đánh giá, nhận xét”.

Ông Lực vẫn chờ một ngày những “bằng chứng” mình đã lưu sẽ được để tâm tới. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cho tới khi vụ án được xét xử xong, sẽ không có kết luận chính thức nào về việc các nhà thầu dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sai phạm tới đâu, và chủ đầu tư VEC đã làm ngơ những gì. Nhưng ông Lực không quan tâm đến “khen thưởng” hay “đánh giá”. Ông nuôi niềm tin, rằng chính sự có mặt của mình ở công trường suốt mấy năm qua, đã khiến nhà thầu làm ăn có trách nhiệm hơn.

Ở Đà Nẵng đi làm bảo vệ cho các toà nhà, ông Lực cập nhật tin tức qua báo đài. Gặp ai thắc mắc, ông lại kể rành rọt từng chi tiết. “Tôi đã làm đúng lương tâm của mình và rất vui khi Trung ương thể hiện vai trò chống tham nhũng. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dù có nhiều sai phạm, chất lượng có thể sẽ lộ ra nữa mỗi khi mưa lớn, nhưng sẽ là bài học cho các cao tốc khác ở Việt Nam được bền vững hơn”, ông kết luận.

Bây giờ ông không còn cảnh thức trắng đêm, lăm lăm điện thoại và chiếc máy ảnh để chờ người báo tin, hay châm thuốc đốt đỏ tay để viết đơn rồi ngồi hì hục lựa trong hàng trăm tấm ảnh như hơn một năm về trước. Ông khoe đã tăng trở lại 5 cân, ngủ ngon giấc hơn.

Nhưng ông vẫn chưa yên lòng. Ông giữ lại chiếc điện thoại “cục gạch” vì trong đó còn lưu “biết bao nhiêu tin nhắn hăm doạ” và biết đâu công an sẽ gọi mình lên đối chứng.

Giữa tháng 5, phó tổng giám đốc VEC Lê Quang Hào bị bắt. Ông Lực đọc được tin khi đang đi làm bảo vệ ở Đà Nẵng, gọi ngay cho vợ. “Thêm Hào mới bị bắt. Đơn thư, chứng từ, hình ảnh tôi chụp cao tốc bà nhớ cất giữ cho cẩn thận dùm. Nếu công an cần thì mình cung cấp và đối chứng, bà nghen”, ông Lực gọi điện qua Zalo, nói như hét vì không quen dùng smartphone.

Dặn dò thế, nhưng ông Lực vẫn bồn chồn. Sáng hôm sau, ông xin nghỉ đúng một ngày, chạy xe máy hơn 130km từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi.

Và ông Lực chưa được cười mãn nguyện, vì xóm làng vẫn nghĩ ông lo chuyện bao đồng. Thậm chí có người vẫn râm ran đồn đại, ông lão “đi tố cáo để ăn tiền”.

(Theo VNE)

Bài mới
Đọc nhiều