Lão nông kể chuyện về Bác Hồ qua những bức ảnh
Từ gốc đa đầu làng xóm Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hỏi thăm nhà ông Cao ai cũng biết.
“Xóm Đường chúng tôi rất phấn khởi, tự hào có cụ ông Trần Văn Cao là nông dân chất phác nhưng sưu tầm trên 300 bức ảnh về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Trung Phồn (80 tuổi, người dân xóm Đường) nói giọng hồ hởi.
Về hưu rồi, học Bác như thế nào?
“Thuở thơ ấu gian khổ, sau này có cách mạng, có Bác Hồ, có Đảng, tôi mới được học hành, được đi công tác rồi tham gia đánh Mỹ. Sau này về hưu, tôi làm ruộng. Tôi nghĩ thế này: “Tất cả cơ quan đoàn thể đều có câu: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhưng tôi về hưu chỉ làm ruộng thôi, học Bác như thế nào? Vậy là tôi nghĩ phải làm cho tốt, nuôi dạy con cái, đóng góp xây dựng nông thôn, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Rồi phải viết, phải làm điều gì đó để kỷ niệm lâu dài về sau”, lão nông Trần Văn Cao, 85 tuổi bộc bạch.
Mới đầu ông viết “Sử ca” với 1.456 câu thơ lục bát, đi đến đâu gặp ai ông cũng đọc cho mọi người nghe. Trong “Sử ca” ông viết, có đoạn: “Thanh cao lý tưởng bác Hồ/Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam/Lời nói cũng như việc làm/Con người phúc hậu dân càng mến thương”.
Về sau ông ngẫm, thanh niên bây giờ đi làm ăn xa chẳng có thời gian nghe chuyện, mà các cụ ông cụ bà “gần đất xa trời” có người nghe được người không.
“Tôi quyết định sưu tầm những bức ảnh quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, những tấm ảnh Bác hoạt động cách mạng. Qua những bức ảnh, ai cũng có thể xem được, lưu lại được để từ đó mọi người hiểu hơn về Bác Hồ, để cùng nhau noi theo gương Bác “, lão nông ở Hà thành quả quyết.
Thăm nhà người quen, bạn bè ông đều ngó nghiêng sưu tầm những bức ảnh quý về Bác Hồ và tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đài báo, sách vở.
“Có những bức ảnh tôi xin được, có bức ảnh thì chụp lại, cắt ở báo chí… tất cả đều là chính thống cả. Đi đâu tôi cũng để tâm xem ai có ảnh của Bác mà ảnh đó tôi chưa có là xin ngay”, ông Cao nhớ lại.
Suốt 10 năm trời, đến năm 2019 ông sưu tầm được hơn 300 bức ảnh quý giá về Bác Hồ. Ông xin vợ con riêng tầng 3 để làm phòng trưng bày ảnh Bác. Một căn phòng lưu niệm chừng 14m2 trưng bày những bức ảnh quý giá về Bác được hoàn thành, trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân xóm Đường.
Những tấm ảnh về Bác được ông Cao lưu giữ theo từng giai đoạn: từ ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đến giai đoạn những năm 1930 thành lập Đảng; Bác về chiến khu Việt Bắc xây dựng Đảng, lãnh đạo cách mạng toàn quốc kháng chiến, lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuối cùng là sưu tầm những bức ảnh về việc học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dưới mỗi bức ảnh trưng bày, ông Cao còn tỉ mẩn ghép những dòng chú thích được đánh máy.
Lan tỏa việc làm tốt
Hơn một năm qua, cửa nhà ông Cao luôn rộng mở đón các cụ ông cụ bà, các em học sinh đến thăm quan. Đến đây không chỉ được xem những bức ảnh quý giá, họ còn được nghe lão nông Trần Văn Cao kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong căn phòng lưu niệm, những bức ảnh về Bác Hồ được lồng kính trang trọng, bên cạnh đó còn có những bức chân dung về Bác Hồ tự tay ông Cao phác họa. Những nét vẽ dù chưa mềm mại, sắc nét nhưng gói trọn tâm tư, lòng kính trọng của ông Cao dành cho Bác.
Tuổi đã ngoài 80 nhưng ngày ngày, bà Dương Thị Đảm vẫn thường lui tới phòng sưu tầm của cụ Cao để được nghe chuyện về Bác Hồ. Bà bộc bạch: “Tôi thích nghe ông Cao kể chuyện về Bác Hồ. Ông nhớ giỏi lắm, nhớ hết cuộc đời và sự nghiệp của Bác, từ thời trẻ cho đến thời đánh Pháp, đánh Mỹ. Từ trước tới giờ tôi chưa thấy ai nhớ giỏi như vậy”.
Ông Trịnh Văn Huynh (72 tuổi) xúc động chia sẻ người dân xóm Đường từ già đến trẻ đều truyền tai nhau học theo việc làm tốt của ông Cao. Họ nhắc nhớ nhau, trong bối cảnh hiện đại càng cần “có thêm nhiều cụ Cao” để cùng nhau gìn giữ lịch sử, noi gương Bác Hồ.
“Điều này cần học tập, mô hình này cần được nhân rộng ra. Qua tham quan mô hình của ông Cao, chúng tôi thường nhắc nhở con cháu: “Có Bác Hồ mới có được độc lập tự do, mới có cuộc sống như hôm nay”. Thông qua học hành, báo chí, các con phải thấm nhuần lời dạy của Bác, học tập theo “Năm điều Bác Hồ dạy”, phải luôn ghi nhớ để sau này xây dựng đất nước tốt đẹp hơn”, ông Huynh chia sẻ.
“Tôi tuổi già thật, nhưng về già cũng thực hiện vai trò là ông bà phải gương mẫu trong nhà. Mới đầu không phải ai cũng biết nhưng mình cứ làm thôi, bây giờ các cụ ông cụ bà trong xóm cũng đến hỗ trợ, đến đây uống nước ăn trầu là “liều thuốc” động viên mình làm được đến đâu hay đến đó. Còn sức khỏe là còn làm được”, ông Trần Văn Cao tâm niệm.
Cụ ông Trần Văn Cao là cán bộ thủy lợi về hưu, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong căn phòng khách nhà ông trang trọng treo tấm bằng khen huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, bằng khen gia đình có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch HĐND xã Đại Yên, chia sẻ từ lúc phòng trưng bày của ông Cao mở cửa, người dân trong và ngoài xã thường xuyên ghé thăm để tìm hiểu về cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tới đây, chính quyền xã sẽ động viên các thầy cô giáo tổ chức tham quan phòng trưng bày thông qua hoạt động ngoại khóa, để từ đó các cháu có thể được xem những bức ảnh về hoạt động của Bác Hồ. Phòng trưng bày như một “bảo tàng” thu nhỏ mà ông Cao đã dùng tâm huyết của mình để gây dựng nên.
HÀ THANH – DƯƠNG LIỄU/TT