+
Aa
-
like
comment

Lao động ở khu công nghiệp, chế xuất quận 7, Củ Chi được đi làm lại

18/09/2021 11:19

Nhà máy ở các khu công nghiệp quận 7, Củ Chi tổ chức sản xuất theo phương thức “4 xanh”, tức bảo đảm phòng dịch cho lao động, nơi ở, làm việc và di chuyển.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa có văn bản xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc khu giai đoạn từ 16-30/9.

Theo đó, các doanh nghiệp tại khu chế xuất – khu công nghiệp nằm trong các địa phương kiểm soát được dịch an toàn là quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được thí điểm lựa chọn phương thức hoạt động.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được lựa chọn một 3 phương thức sản xuất.

“Để được hoạt động theo các phương thức này, doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo các hướng dẫn của ngành y tế. Tỷ lệ người lao động làm việc tại doanh nghiệp không quá 50% tổng số. Doanh nghiệp đạt các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP.HCM ban hành”, lãnh đạo Hepza nêu rõ.

Ngoài các yêu cầu trên, với mỗi phương thức sẽ có thêm yêu cầu cụ thể. Đối với phương thức sản xuất “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh), người lao động được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc và nơi ở theo một cung đường.

Một góc Khu chế xuất Tân Thuận.

“Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có thẻ xanh Covid-19 làm việc và cư trú tại các địa bàn thuộc vùng xanh của quận 7. Đồng thời không phát sinh các ca nhiễm trong 7 ngày gần nhất”, Ban quản lý yêu cầu.

Đối với phương thức vừa sản xuất vừa cách ly (3 tại chỗ, 1 cung đường – 2 địa điểm, 1 cung đường – 2 địa điểm mở rộng), doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có Thẻ xanh/Thẻ vàng Covid-19 hoặc đã tiêm mũi 1 chưa đủ 14 ngày nhưng đang làm việc theo phương thức “3 tại chỗ”.

Đối với phương thức kết hợp “4 xanh” và “3 tại chỗ”, doanh nghiệp có thể lựa chọn cả 2 phương thức sản xuất nêu trên phù hợp nhu cầu, kế hoạch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khi đảm bảo đủ điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.

Tại huyện Củ Chi, đối với các doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, từ ngày 16-23/9 được lựa chọn 1 trong 2 phương thức là “4 xanh” hoặc “3 tại chỗ”.

Các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” vẫn tiếp tục hoạt động. Từ ngày 23-30/9, Hepza sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và diễn biến dịch bệnh.

Tại Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp cơ khí ôtô, Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” đến 23/9. Sau đó, Hepza cũng sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm.

Đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp còn lại trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động theo “3 tại chỗ”. “Ban quản lý sẽ phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành thẩm định mức độ an toàn phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động sau khi có kết quả thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước”, lãnh đạo Hepza yêu cầu.

Công ty cổ phần cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương

TP HCM hiện có 1,2 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 người với gần 1.600 doanh nghiệp. Từ ngày 15/7, theo yêu cầu của chính quyền thành phố, nhà máy không đảm bảo yêu cầu phòng dịch phải dừng hoạt động. Thống kê của Liên đoàn lao động TP HCM, tính đến ngày 15/9, hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ với gần 14.000 người ở lại nhà máy.

Theo Hepza, 4 xanh bao gồm:

“Người lao động xanh” phải đáp ứng các điều kiện gồm có thẻ xanh Covid, cư trú tại các địa bàn thuộc “vùng xanh” của địa phương và xét nghiệm PCR âm tính.

Về “cung đường xanh“, nếu người lao động đi bằng xe cá nhân phải cam kết với chủ doanh nghiệp đảm bảo tuân theo lộ trình đã đăng ký, đi từ “nơi ở xanh” đến nơi làm việc. Trường hợp đi lại bằng xe đưa đón của nhà máy phải tuân thủ 5K, giãn cách, tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ.

Nhà máy được xem là “vùng sản xuất xanh” phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá an toàn sản xuất do thành phố ban hành và không phát sinh ca nhiễm trong 7 ngày qua. Người đến giao dịch tại doanh nghiệp phải có thẻ xanh, nếu thẻ vàng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Định kỳ 5 ngày, nhà máy tổ chức xét nghiệm cho lao động và gửi kết quả về cơ quan chức năng.

Hepza cũng khuyến khích doanh nghiệp bố trí sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi, ca kíp tương ứng từng loại thẻ người lao động được cấp.

Nơi ở xanh” là “vùng xanh” được địa phương công bố mà người lao động sống.

Ngoài phương thức sản xuất “4 xanh”, từ ngày 16/9 các nhà máy vẫn tiếp tục thực hiện các phương án vừa sản xuất vừa cách ly gồm “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm” hoặc kết hợp cả hai hình thức.

Theo hướng dẫn của Hepza, tại quận 7 nơi có Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), doanh nghiệp được chủ động áp dụng một trong 3 phương thức phù hợp nhu cầu, kế hoạch hoạt động sản xuất của mình. Các nhà máy thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi phải được Hepza và chính quyền xem xét đánh giá dựa trên diễn biến dịch tại địa phương.

Thanh Thương

Bài mới
Đọc nhiều