+
Aa
-
like
comment

Lao động nữ không nghỉ làm kỳ kinh nguyệt được hưởng thêm lương

17/12/2020 17:02

Trong kỳ kinh nguyệt, lao động nữ làm việc bình thường, không nghỉ mỗi ngày 30 phút được trả thêm một khoản ngoài lương.

Quy định chăm sóc sức khỏe lao động nữ tại nơi làm việc được nêu trong Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ 1/2/2021.

Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nữ, sẽ chịu tác động điều chỉnh của Nghị định mới có hiệu lực từ 1/2/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nữ, sẽ chịu tác động điều chỉnh của Nghị định mới có hiệu lực từ 1/2/2021. 

Theo quy định, lao động nữ đến kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng nguyên lương. Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.

Thời điểm nghỉ từng tháng do lao động nữ chủ động thông báo tới chủ sử dụng. Nếu lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn, thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp.

Nếu lao động nữ không nghỉ, vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong khoảng thời gian này, ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm. Luật hiện hành không quy định chi tiết điều này.

Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương. Trước đây, khi lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động lần thứ nhất, cơ quan soạn thảo từng bỏ quy định này khiến dư luận phản đối, buộc phải giữ lại trong dự thảo lần kế tiếp.

Nếu người mẹ có nhu cầu nghỉ linh hoạt, có thể tự tỏa thuận với chủ doanh nghiệp để được bố trí. Ngược lại, lao động nữ không có nhu cầu nghỉ ngơi trong thời gian này, ngoài tiền lương sẽ được trả thêm một khoản theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ. Quy định hiện hành không có điều khoản này.

Chính phủ khuyến khích chủ doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Đây là không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh, đảm bảo đầy đủ điện, nước, quạt hoặc điều hòa, phải che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng, để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa. Doanh nghiệp có 1.000 nữ trở lên, bắt buộc phải có phòng vắt sữa tại nơi làm việc. Chính phủ giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể triển khai phòng vắt sữa theo quy định này.

Lao động nữ trong thời gian mang thai được nghỉ để đi khám thai 5 lần, mỗi lần một ngày, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Nếu ở xa nơi khám bệnh mà có bệnh lý hoặc thai không bình thường, thai phụ được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám. Nghị định khuyến khích chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động nữ được nghỉ đi khám thai nhiều hơn so với quy định.

Cùng với Nghị định, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 bổ sung nhiều quyền lợi cho lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, trong kỳ họp thứ 8, khóa XIV. 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ 90%), 9 người không tán thành và 9 người không biểu quyết. Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, tăng giờ làm thêm từ năm sau là những điểm đáng chú ý của luật này.

Hoàng Phương/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều