+
Aa
-
like
comment

Lào đã “sập bẫy nợ” của Trung Quốc?

23/09/2020 16:40

Người Lào thì rất đáng yêu. Họ sống chậm rãi, ít ganh đua, người nông dân thì mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, người công sở và người làm dịch vụ chỉ làm việc đến 16 giờ chiều rồi về nhà hoặc hẹn hò cà kê với nhau.

Đổ tiền xây đập thủy điện, Lào rơi vào nguy cơ ngập trong bẫy nợ Trung Quốc

Lào không có biển, chỉ có tuyến đường sông Mekong là có thể chạy đến biển được (qua Campuchia và Việt Nam). Nhưng với 8 tới 12 dự án thuỷ điện lớn đã và sẽ được xây dựng trên dòng chính Mekong, cộng với hàng trăm thuỷ điện nhỏ ở các dòng nhánh, Lào đã chặn triệt để tuyến đường thuỷ lớn của khu vực và của chính họ.

Để thực hiện các dự án thuỷ điện lớn, với tham vọng trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, Lào đã chọn hợp tác với Trung Quốc thông qua các khoản vay nợ khổng lồ. Hiện nay, Lào vay nợ khoảng gần 14 tỉ USD, thì 8 tỉ trong số đó thuộc về con nợ Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào, chủ nợ chính là Trung Quốc.

Đầu tháng 9 vừa rồi, tình hình tài chính của Lào bị các tổ chức đánh giá tài chính quốc tế đánh giá mức độ xấu. Dự trữ ngoại hối của Lào chỉ còn không đầy một tỉ USD, số tiền không đủ để trả các khoản nợ đến hạn.

Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm qua, Lào đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Lần trước, công chức Lào từng bị chậm trả lương do ngân sách suy kiệt.

Đương nhiên rồi, đến hạn mà không trả được nợ, Chính phủ Lào sẽ phải đàm phán với các chủ nợ để gia hạn trả nợ hoặc đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ). Trung Quốc thì họ sẵn lòng thôi, với các điều kiện cho vay ngày càng nhiều ràng buộc.

Trong tương lai, nếu các khoản vay không thể trả được bằng tiền, thì nhiều khả năng Lào sẽ phải đem các dự án thuỷ điện ra để “gán nợ”, tiếp theo là các dự án hạ tầng khác. Các công ty Trung Quốc sẽ đứng ra làm vai trò “tiếp quản” dự án, trả nợ thay cho Chính phủ Lào. Và tất nhiên, công ty Trung Quốc sẽ đưa thêm nhiều công nhân của họ đến Lào để vận hành các nhà máy, xây dựng tương lai “tươi sáng” bên dòng Mekong.

Lào có địa chính trị quan trọng, bên sườn Tây dải trường Sơn, là nóc nhà của Đông Dương. Một bên là Thái Lan, bên kia là Myanmar. Đối với Việt Nam, Lào ở vào địa thế phía trên nhìn xuống, địa quân sự càng quan trọng, đặc biệt là với một Việt Nam mảnh dẻ.

Việt – Lào có quan hệ bền chặt, nghĩa tình, truyền thống rất quý báu. Vì họ cũng hiểu rằng, nước Lào muốn phát triển thịnh vượng thì cũng phải gắn bó với Việt Nam, vì Việt Nam là cửa ngõ gần nhất để Lào tiến ra Thái Bình Dương rộng lớn.

Nhưng ngặt nỗi, Lào nghèo, dân số lại ít. Họ giống như một cộng đồng thiểu số ở vùng sâu vùng xa, còn khoảng cách rất lớn với thế giới trong thời đại toàn cầu hoá. Trong khi toàn cầu hoá mà không có tiền thì rất khó đi đó đi đây.

Lê Kiên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều