Lãnh đạo TP.HCM hứa 5 tháng tới sẽ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh
Sáng 8-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm cũng như cho ý kiến về các kiến nghị nhằm khôi phục kinh tế.
Thủ tướng đánh giá TP.HCM đã rất nhanh chóng và quyết liệt trong phòng chống dịch COVID-19, không để lây nhiễm ra các tỉnh thành khác và ra cộng đồng, đồng thời, về kinh tế, dù khó khăn nhưng có nhiều mô hình tốt, mới nên kinh tế không bị đổ gãy. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần bàn cụ thể biện pháp để vực dậy nền kinh tế.
“TP.HCM thời gian qua đã làm hết sức mình. Các bộ trưởng và các phó thủ tướng phải chịu trách nhiệm chung tay cùng TP tháo gỡ những vấn đề đặt ra trên cơ sở tuân thủ pháp luật” – Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết buổi làm việc hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ lắng nghe, cho ý kiến về các đề xuất của TP trong phạm vi thẩm quyền, với quan điểm nhất quán là tập trung các giải pháp để giúp TP.HCM khôi phục kinh tế, góp phần đưa cả nước tiến lên trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, dù gặp khá nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP chiếm 25% trong tổng giá trị GRDP cả nước, giải ngân vốn đầu tư cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, vốn là những yếu tố “làm tiền đề phát triển cho thời gian tới”.
Ông Phong cho hay theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GRDP của TP.HCM năm 2020 sẽ tăng 6,7%, tuy nhiên theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tốc độ tăng trưởng này chỉ đạt khoảng 5% nếu kinh tế thế giới không biến động, rơi vào suy thoái và lãnh đạo TP tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình khôi phục phát triển kinh tế.
Theo ông Phong, riêng tốc độ tăng trưởng quý 1-2020, theo tính toán ban đầu là 0,4%, nhưng quy mô TP đóng góp cho quốc gia và ngân sách cho trung ương vẫn đạt tỉ lệ khá cao, và khi tính toán lại, con số này có thể đạt trên 1%.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ sớm phục hồi hoạt động các ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân trong nước. Ngành dịch vụ du lịch TP.HCM sẽ “mở cửa” có chọn lọc dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát dịch bệnh của các nước khác.
Theo ông Nhân, trong quý 2-2020 có thể phục hồi hoạt động sản xuất của các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Riêng ngành hàng xuất khẩu cần làm việc với từng nước để có bàn bạc về lộ trình mở cửa.
“TP hứa 5 tháng tới sẽ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM đã có chủ trương về gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên gói hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng.
Ông Nhân cho rằng TP.HCM có tỉ lệ đóng góp cao cho ngân sách và GDP cả nước nên kiến nghị Chính phủ phân bổ 20% gói hỗ trợ để TP chủ động rà soát hỗ trợ sớm cho doanh nghiệp, sau đó sẽ hậu kiểm.
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2020
Mới đây, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho biết cơ quan này đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong năm 2020.
Các kịch bản này được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và rủi ro, trong khi kinh tế trong nước chịu sự tác động ngày càng sâu sắc bởi các yếu tố bên ngoài.
Kịch bản cũng dựa trên các giả định tiêu cực nhất như dịch bệnh kéo dài, bất ổn địa chính trị gia tăng, kinh tế thế giới suy thoái, các đối tác kinh tế lớn của TP.HCM như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… khó hồi phục.
Theo đó, kịch bản 1 và 2 là giảm dần mức độ tiêu cực của các biến số tác động giả định. Kinh tế TP khi đó tăng trưởng ở mức 3,4 đến 4,12%.
Đây là hai kịch bản được kỳ vọng nhất vì dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt và các đối tác kinh tế lớn của TP.HCM đã triển khai nhiều gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Trong khi đó, kịch bản 3 tăng trưởng của TP.HCM sẽ xoay quanh mức 5,42%, dựa trên giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, đây là kịch bản rất khó khả thi bởi vì số liệu thống kê quý 1 của nhiều quốc gia cho thấy dấu hiệu suy thoái đã bắt đầu.
MAI HƯƠNG – TIẾN LONG/ TTO