Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói gì về văn bản cấm người lao động đi làm bằng xe máy?
Bà Rịa- Vũng Tàu yêu cầu các doanh nghiệp (DN) bố trí “3 tại chỗ” và “3 cùng” cho người lao động, nếu không đủ điều kiện thì phải có xe đưa đón, người lao động không được di chuyển bằng xe máy để đi làm.
UBND TP Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) ngày 18-7 đã có văn bản thực hiện kiểm soát lưu thông trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo TP Vũng Tàu, thực hiện hướng dẫn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM của liên Bộ LĐTB&XH -Tổng LĐLĐ Việt Nam- Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và áp dụng văn bản của tỉnh về thực hiện giãn cách xã hội, TP Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp, bố trí “3 tại chỗ” cho người lao động để phục phụ hoạt động (ăn, ở, sản xuất) và “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi trên phương tiện giao thông, cùng nghỉ ngơi một nơi) để phòng chống lây lan dịch bệnh và thuận lợi trong việc kiểm soát, truy vết, khống chế khi xuất hiện yếu tố dịch tễ.
Trường hợp không thể tổ chức 3 tại chỗ, yêu cầu DN tổ chức xe ô tô đưa cán bộ, công nhân viên, người lao động đi, về; Vũng Tàu không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ đi làm.
Đối với nhân viên giao hàng và người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm được sử dụng xe mô tô đi lại, ra vào thành phố và trong thành phố khi có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm.
Theo tìm hiểu, ngoài TP Vũng Tàu, 2 địa phương khác là huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức cũng có văn bản tương tự.
Sau khi văn bản được ban hành, nhiều lao động lẫn chủ DN đều khá bất ngờ vì cho rằng việc cấm người lao động di chuyển bằng xe máy khi đi làm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty, vì không phải công ty nào cũng đủ điều kiện để bố trí “3 tại chỗ” và “3 cùng” hay đủ điều kiện để đưa đón công nhân đi làm. Ngoài ra, văn bản được đưa ra quá gấp gáp khiến nhiều DN “trở tay không kịp”.
Liên quan đến quy định này, sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức họp lắng nghe ý kiến của các địa phương và các sở, ngành. Theo cơ quan chức năng, việc áp dụng quy định không sử dụng xe gắn máy đi làm đã được đúc kết từ thực tế trong đợt dịch tại tỉnh Bắc Giang, việc để người lao động di chuyển bằng phương tiện cá nhân rất khó kiểm soát điểm đi, đến, nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao.
“Việc làm này cũng mục đích duy nhất là bảo vệ người lao động, lực lượng sản xuất nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp” – lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho hay.
Cũng theo thống kê của địa phương, hiện toàn tỉnh đã có 65 DN với hơn 6.000 người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” và “3 cùng”. Ngoài ra, Công ty Hóa dầu Miền Nam với hơn 10.000 công nhân cũng đang sắp xếp để người lao động ăn, ở, làm việc tại công ty. Công ty này cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính cho toàn bộ lao động.
Đối với các DN không thể bố trí cho công nhân ăn, ở tại chỗ thì ngoài việc bố trí xe đưa đón, cũng phải chú ý với lượng công nhân đang ở tại các khu nhà trọ.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu yêu cầu BQL các khu công nghiệp thông báo cho các DN nhanh chóng lập danh sách, địa phương cần làm việc với các chủ nhà trọ để đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế người lao động di chuyển nhiều điểm, tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết dù quyết định này sẽ vấp phản ý kiến của một số DN nhưng quan điểm của địa phương là cần phải kiên quyết thực hiện. Như vậy mới đảm bảo được yếu tố an toàn cho người lao động, đặc biệt là để duy trì sản xuất trong các khu công nghiệp.
“DN nào đủ điều kiện áp dụng 3 tại chỗ và 3 cùng, DN nào đủ điều kiện đưa đón công nhân thì cho phép hoạt động, còn DN nào không đủ điều kiện thì phải tạm dừng sản xuất theo quy định. DN phải đồng hành, chia sẻ cùng tỉnh, chỉ cần 1 ca F0 trong khu công nghiệp, trong DN thì thiệt hại còn hơn vậy nữa” – ông Nguyễn Công Vinh chia sẻ.
Ngọc Giang