Lãnh đạo Tiền Giang giải thích lý do vẫn ‘cát cứ’ làm khó người dân và doanh nghiệp
Lý do còn áp dụng quy trình sản xuất “3 tại chỗ” là độ phủ vắc xin thấp, nguy cơ tái bùng phát dịch cao. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thông tin tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 sáng 21-10.
Ông Nguyễn Văn Mười – phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – cho biết hiện tỉnh có trên 15.249 ca COVID-19 với 2.734 ca được phát hiện qua 4 lần tầm soát cộng đồng trên diện rộng, kéo dài từ ngày 18-8 đến ngày 10-10, số ca tử vong là 380.
Theo ông Mười, Tiền Giang đang từng bước kiểm soát dịch COVID-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã giúp kiểm soát được tình hình, số ca COVID-19 trong cộng đồng giảm rõ rệt, bình quân trong tuần qua số ca nhiễm tại Tiền Giang chỉ ở mức 2 con số.
Tuy vậy, tỉnh Tiền Giang vẫn áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch mà theo doanh nghiệp và người dân là “quá gắt gao” so với các tỉnh khác trong khu vực, vẫn áp dụng hình thức sản xuất “3 tại chỗ”.
Mới đây nhất, 19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang với số lượng hàng chục ngàn lao động vừa gửi thư đến Thủ tướng, cho rằng việc tỉnh Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động “rất khổ sở”.
Về chuyện này, ông Nguyễn Nhật Trường – trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang – giải đáp: “Do người lao động chưa nhận thức đúng việc phòng, chống dịch COVID-10 và chủng virus Delta phức tạp nên dịch COVID-19 bùng phát tại 10 doanh nghiệp. Sau ngày 5-8, địa phương đã phải ngừng ‘3 tại chỗ’ để khắc phục một số bất cập, sau đó cho tiếp tục hình thức sản xuất này”.
Lý giải việc hầu hết các tỉnh, thành ở miền Tây đã cho công nhân đi làm tự do nhưng Tiền Giang vẫn áp dụng “3 tại chỗ”, ông Trường nói thời điểm đưa ra quyết định này, độ phủ vắc xin cho công nhân rất thấp, chỉ khoảng 45%.
“Việc áp dụng sản xuất 3 tại chỗ là để xử lý tình huống khi độ phủ vắc xin còn thấp. Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe của công nhân, của cộng đồng được vì hiện nay nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất cao.
Hiện nay độ phủ vắc xin mũi 1 cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh và đạt gần 100% với khoảng 109.000 công nhân. Nhưng đó là do mới được phân bổ vắc xin và triển khai chích ngừa nên vẫn chưa đủ 14 ngày theo quy định” – ông Trường nói thêm.
Bà Châu Thị Mỹ Phương – trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, cho biết thêm ngoài mô hình sản xuất 3 tại chỗ, tỉnh Tiền Giang còn có 3 mô hình sản xuất khác đang áp dụng là “1 cung đường 2 điểm đến”; kết hợp giữa “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”; và mô hình “xanh – xanh”.
“Mô hình xanh – xanh nghĩa là người trong vùng xanh có thể đi làm tại nhà máy cũng trong vùng xanh. Hiện một số công ty trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng mô hình này. Chúng tôi có tới 4 mô hình sản xuất để thích hợp với từng cấp độ dịch khác nhau trên địa bàn” – bà Phương nói.
Với quy định hạn chế ra đường (19h tối hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau), ông Nguyễn Văn Mười cho biết nguy cơ bùng phát dịch trở lại ở tỉnh rất lớn nên quy định trên có “mục đích nhằm hạn chế người dân ra đường chứ không cấm, đây là nhằm khuyến cáo thôi”.
Ngọc Anh