Lãnh đạo sâu sát, dân được nhờ
Hình ảnh Thủ tướng xuống với dân, kiểm tra cụ thể, chi tiết xem lãnh đạo địa phương phục vụ dân ra sao khi đang thực hiện giãn cách; những hành động của Thủ tướng để kiểm tra sự sẵn sàng của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc phục vụ nhân dân đã lan tỏa ra nhiều nơi và đem lại những tín hiệu tích cực khi người dân đang vất vả chống dịch.
Các chính sách chỉ tốt ngang bằng với việc chúng được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Các chính sách về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh cũng như vậy. Cung cấp các dịch vụ y tế, dịch vụ an sinh qua đường dây nóng và đến tận nhà người dân, quả thật là những chính sách vừa có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế dịch bệnh lây lan, vừa bảo đảm sự tiện lợi tối đa cho người dân phải sống cách ly tại nhà. Vấn đề chỉ là chúng đang được thực thi như thế nào trong cuộc sống mà thôi.
Và để biết chúng đang được thực thi như thế nào trong cuộc sống, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “vi hành”, sâu sát tận cơ sở để tìm câu trả lời. Ông đã không tìm câu trả lời bằng cách nghe báo cáo và cũng không tìm câu trả lời bằng cách đi xuống cơ sở theo chương trình sắp xếp sẵn của các địa phương. Ông tự chọn các cơ sở và tự đi xuống mà không báo trước. Và câu trả lời ông tìm được là khá lẫn lộn. Có những nơi đường dây nóng thực ra khá nguội: Người dân gọi 3-4 lần mới được bắt máy. Nhưng cũng có nơi người dân gọi một lần là được bắt máy ngay.
Sử dụng đường dây nóng chỉ là một trong rất nhiều giải pháp được đề ra để vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Và thực tế cho thấy các đường dây này vẫn có thể nóng lạnh rất khác nhau ở những địa phương khác nhau. Đó là chưa nói tới việc, gọi được đường dây nóng là một chuyện, nhận được sự trợ giúp kịp thời qua đường dây nóng lại là chuyện hoàn toàn khác. Cho dù Thủ tướng mới chỉ kiểm tra được chuyện thứ nhất, thì tác dụng nhắc nhở, cảnh báo vẫn rất lớn. Chắc chắn chất lượng dịch vụ của các đường dây nóng sẽ được cải thiện trong thời gian sớm nhất. Mà như vậy, thì những người dân đã phải ở trong nhà hàng tháng trời sẽ bớt vất vả, thiếu thốn hơn.
Thực ra, để hoạch định và điều chỉnh chính sách, các báo cáo, các số liệu điều tra vẫn là căn cứ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng đi sâu, đi sát xuống tận cơ sở để kiểm tra, thì chất lượng của các báo, các số liệu điều tra sẽ được bảo đảm chắc chắn hơn. Đơn giản là vì các cơ quan có liên quan sẽ không dám vẽ ra thành tích bằng cách lấy các số liệu từ trên trần nhà xuống. Họ biết rằng Thủ tướng có thể vi hành để kiểm tra trên thực tế.
Ngoài ra, cảm nhận thực tế của người đứng đầu cũng rất quan trọng. Nhờ vi hành xuống tận cơ sở, Thủ tướng sẽ cảm nhận được các giải pháp chính sách đang ảnh hưởng, tác động đến đời sống và sinh mạng của người dân như thế nào. Trên thực tế, chi phí của Nhà nước trong việc thực thi các giải pháp phòng chống dịch thường đo đếm được, nhưng chi phí của những người dân thì khó đo đếm hơn rất nhiều. Trong không ít trường hợp, cái giá người dân phải trả cho việc tuân thủ và thực thi các giải pháp đã được đề ra là lớn đến vô cùng. Thủ tướng cảm nhận được mới có cơ hội để các giải pháp chính sách chưa phù hợp được điều chỉnh kịp thời. Tình trạng thấy việc mà không thấy người mới nhanh chóng được khắc phục.
Mong rằng, tất cả lãnh đạo , hãy xuống với dân, “trăm nghe không bằng một thấy” để tận mắt chứng kiến chính sách đi vào cuộc sống ra sao? Chủ trương đúng nhưng phải được triển khai đúng trong thực tiễn cuộc sống. Hình ảnh Thủ tướng xuống với dân, kiểm tra cụ thể, chi tiết xem lãnh đạo địa phương phục vụ dân ra sao khi đang thực hiện giãn cách; những hành động của Thủ tướng để kiểm tra sự sẵn sàng của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc phục vụ nhân dân đã lan tỏa ra nhiều nơi và đem lại những tín hiệu tích cực khi người dân đang vất vả chống dịch.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng