+
Aa
-
like
comment

Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai bị xem xét trách nhiệm trong 2 dự án

26/10/2021 17:53

Trong vụ án Tất Thành Cang, cơ quan điều tra trước đó đã xác định các cá nhân Công ty Quốc Cường Gia Lai “không sai phạm” nhưng VKS đã đề nghị xem xét lại.

Đây là một trong 5 vấn đề VKSND TP HCM vừa yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM điều tra bổ sung vụ án Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) chuyển nhượng 2 dự án Khu dân cư Phước Kiển và Khu dân cư Ven Sông giá rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia, gây tổng thiệt hại gần 250 tỷ đồng cho Nhà nước.

Khu đất ven sông Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra, tháng 5/1999, Công ty Tân Thuận được UBND TP HCM chấp thuận cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư Ven Sông – Khu đô thị mới Nam Thành phố (phường Tân Phong, quận 7). Dự án có tổng diện tích 269.229 m2, được chia thành 4 khu.

Năm 2008, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 22 với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với tỷ lệ 55/45 để đầu tư xây dựng dự án Khu cao ốc căn hộ – thương mại ven sông Tân Phong tại khu đất số 4, rộng gần 32.000 m2. Đến năm 2012, số cổ phần này được chuyển qua Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Cuối năm 2015, 45% góp vốn được nhượng lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 15/12/2015, Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp, để vay vốn đầu tư triển khai dự án hoặc chuyển nhượng tiếp cho phía mình 55% vốn còn lại để họ tự làm. Đến ngày 18/3/2016, hợp đồng được hai bên ký kết và Quốc Cường Gia Lai sở hữu thêm 45% (tổng 90%) phần vốn.

Theo Công an TP HCM, bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai) trực tiếp đàm phán, ký kết các hợp đồng.

Đến ngày 9/9/2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục gửi văn bản đề nghị mua 10% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận, đồng thời lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho phía mình để làm chủ đầu tư. Đề nghị này sau đó được chấp thuận, với phương án hoán đổi 10% vốn góp của Tân Thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh thành sản phẩm căn hộ, đơn giá hoán đổi là 20 triệu đồng/m2.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty Tân Thuận đã không xây dựng giá, không không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Giá chuyển nhượng dự án chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2, sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2. Việc này được cho là gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng của Nhà nước.

Ở dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Công ty Tân Thuận được giao nhiệm vụ đầu tư tháng 11/2000. Tổng diện tích dự án là 509.214 m2 nhưng đến hết năm 2013 doanh nghiệp này mới đền bù được 324.970 m2.

Tháng 8/2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Đến tháng 6/2017, đại diện Công ty Tân Thuận đã đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 324.970 m2 đất nêu trên cho bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai) với giá 1.290.000 đồng/m2.

Lý do Công ty Tân Thuận cho Quốc Cường Gia Lai đầu tư chung mà không phải doanh nghiệp nào khác, được giải thích là “vì hai bên từng hợp tác tại dự án Khu dân cư ven sông”. Đây là điều kiện thuận lợi cho Công ty Tân Thuận do đã hiểu biết nhất định về đối tác, không mất thời gian tìm hiểu lâu.

Sau khi khu đất đã được bán đứt, Văn phòng Thành ủy phát hiện giá chuyển nhượng rẻ bất thường, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Theo Sở này, trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó đã bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai số tiền trên cùng tiền lãi, gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn được nhận hơn 21 tỷ đồng là mức lãi suất ngân hàng (6,9%/năm) cho số tiền trả trước đó. Đây cũng được xem là sai phạm làm thiệt hại vốn Nhà nước.

Trong kết luận điều tra gửi VKSND TP HCM hồi tháng 8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM cho rằng, trong 2 dự án trên, bà Nguyễn Thị Như Loan đều trực tiếp đàm phán, ký kết các hợp đồng. Tuy nhiên, việc Quốc Cường Gia Lai mua các phần đất là “đúng pháp luật” nên không có cơ sở xử lý hình sự bà này.

Liên quan đến ông Tất Thành Cang (50 tuổi), nhà chức trách xác định, bị can với vai trò là Phó bí thư Thường trực nhưng đã không thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Thành ủy khi chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận bán rẻ dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cụ thể là ông này không báo cáo Ban Thường vụ trước khi cho chủ trương. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.

Ông Tất Thành Cang tại cuộc họp HĐND TP HCM hồi tháng 7/2020. Ảnh:Hữu Khoa

Ngoài việc cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân Công ty Quốc Cường Gia Lai, Cơ quan An ninh điều tra cũng phải xác định trách nhiệm của bà Thái Thị Bích Liên (nguyên chánh Văn phòng Thành uỷ TP HCM, hiện là Bí thư quận 4) và ông Phạm Nhớ Hồng Thương (Phó trưởng phòng quản lý đầu tư – kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành uỷ TPHCM).

Bà Liên giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy tháng 11/2015 đến 10/2018 – khoảng thời gian xảy ra các sai phạm tại 2 dự án. Cơ quan điều tra xác định, với vai trò là người đứng đầu, bà Liên phải có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng Thành ủy kiểm tra nhằm phát hiện Công ty Tân Thuận đưa ra đơn giá chuyển nhượng chỉ căn cứ duy nhất vào Chứng thư thẩm định giá, không áp dụng đúng quy chế xây dựng giá dẫn đến điều chỉnh hợp đồng, hủy hợp đồng (tại phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển), chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Ven Sông với giá thấp, gây thất thoát vốn.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, trong thời gian này khối lượng các đầu việc của Văn phòng Thành ủy rất lớn, Chánh Văn phòng rất khó sâu sát, kiểm tra hết từng lĩnh vực, các mặt công tác do các Phó chánh Văn phòng phụ trách. Bà Liên cũng không thuộc nhóm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, không có bút phê hay chỉ đạo liên quan đến các sai phạm. Do vậy, hành vi của bà Liên “chưa đến mức xử lý hình sự”.

Hồi tháng 8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố ông Cang và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều