Lãnh đạo nói đúng quy trình khi cưỡng chế đất dân rồi bán lại giá cao gấp hàng chục lần
Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định việc thu hồi đất của dân rồi đền bù với giá thấp hơn hàng chục lần so với giá bán là theo đúng quy định.
Video Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trả lời về việc thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất của dân:
Liên quan đến việc gia đình 2 quán quân cuộc thi Sao Mai và hàng chục hộ dân thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) gửi đơn thư kêu cứu lên các cấp chính quyền về việc bị UBND huyện thu hồi đất với giá rẻ mạt, mới đây, UBND huyện Lục Ngạn ban hành nhiều quyết định cưỡng chế tới một số hộ dân trong giai đoạn 1 thực hiện dự án.
Trong khi 4/88 hộ dân trong diện bị thu hồi đất không chấp nhận bàn giao đất và chưa nhận tiền bồi thường vì chưa được giải quyết thỏa đáng thì ngày 7/8, lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Về sự việc trên, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn giải thích: “Hiện nay, thực trạng đô thị của huyện rất xập xệ, mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư cho thị trấn 5 tỷ đồng. Số tiền này chưa đủ để sửa đường chứ chưa nói đến phát triển.
Như vậy thì 100 năm sau, đô thị của thị trấn Chũ chưa trở thành thị xã được. Nếu phát triển thị trấn Chũ trở thành thị xã thì chúng tôi dự tính cần hơn 1.000 tỷ đồng.
Do vậy, UBND huyện Lục Ngạn đã xem xét và trình UBND tỉnh thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài, thị trấn Chũ là để thu ngân sách Nhà nước thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc bồi thường hỗ trợ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc xác định giá cũng đầy đủ theo đúng quy trình, quy định”.
Để giải đáp những bức xúc của người dân, phóng viên VTC News đề nghị UBND huyện Lục Ngạn đưa ra những văn bản thể hiện việc thu hồi đất và đền bù, hỗ trợ theo đúng trình tự quy định pháp luật, nhưng vị đại diện UBND huyện Lục Ngạn cho biết chưa thể cung cấp bởi vẫn “đang tổng hợp”!
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lục Ngạn cho rằng, mục tiêu thực hiện dự án là để mở rộng, phát triển đô thị, hình thành khu dân cư, tạo nhu cầu đất ở cho nhân dân. Nguồn vốn được vay từ ngân sách Nhà nước.
Việc bồi thường được lập theo các quy định pháp luật hiện hành. Đơn giá lô đất ở mới được tính bằng đơn giá bồi thường cộng với chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo những tài liệu mà người dân cung cấp thì giá một số lô đất mà Ban Quản lý dự án dự kiến bán lại cho người dân đã tăng lên gấp hàng chục lần so giá đền bù ban đầu.
Trước đó, UBND huyện Lục Ngạn có Thông báo số 08/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 1). Theo đó, diện tích đất dự kiến thu hồi là hơn 60.435 m².
Do vậy, nhiều hộ dân ở khu phố Lê Hồng Phong bị thu hồi hàng nghìn m² đất, có những hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở và hoa màu để phục vụ nhu cầu về đất ở cho những người dân thị trấn.
Ông Lương Đình Thắng (bố đẻ của 2 quán quân cuộc thi Sao Mai) ở số nhà 139, Khu phố Lê Hồng Phong, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, gia đình ông có 2.992 m² đất sử dụng ổn định từ năm 1950, được UBND tỉnh Bắc Giang cấp sổ hồng năm 1998.
Mới đây, UBND huyện Lục Ngạn quyết định thu hồi 1.778,6 m² để thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài.
“Đất của gia đình tôi là đất ở lâu dài, trồng cây lâu năm, huyện Lục Ngạn chỉ bồi thường giá 221 nghìn đồng/m², cộng cả hai khoản hỗ trợ là 372 nghìn đồng/m². Toàn bộ tiền bồi thường chỉ được 897 triệu đồng.
Trong phần đất bị thu hồi có gần 600 m² theo quy hoạch sẽ được phân làm khu biệt thự, trong đó có ao và công trình phụ của gia đình. Chủ tịch UBND huyện là ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, nếu muốn giữ lại chỉ còn cách mua và không thông qua đấu giá (tức là 12 triệu đồng/m²), nếu không thì UBND huyện buộc phải cưỡng chế”, ông Thắng bức xúc cho biết.
Video bố đẻ của 2 quán quân Sao Mai chia sẻ về việc gia đình bị cưỡng chế đất:
Bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1967, ở khu phố Lê Hồng Phong), sống độc thân và được cư dân ở khu phố ký đơn kiến nghị giúp đỡ, nhưng UBND huyện Lục Ngạn vẫn áp mức bồi thường với giá thấp.
Bà Mùi chia sẻ: “Tôi sinh sống tại thửa đất 2.500 m² do bố đẻ để lại từ năm 1991, đến nay đã cải tạo thành vườn, ao, nhà cửa và trồng hoa màu để mưu sinh. Nhưng UBND huyện Lục Ngạn thu hồi toàn bộ diện tích đất và bồi thường hỗ trợ tổng thể chỉ được 1,5 tỷ đồng, trong khi đó để mua lại 100 m² đất tái định cư tôi mất hơn 1 tỷ đồng.
Tôi mất nhà cửa, ao vườn. Số tiền được đền bù chỉ đủ mua lại trăm mét đất, muốn có lại nhà để ở thì cũng chả có tiền đâu mà xây dựng. Người dân chúng tôi vô cùng lo lắng và bức xúc”.
Ông Nguyễn Xuân Biên, là cựu chiến binh, chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày tại Phú Quốc, hiện nay cả hai ông bà đều ốm yếu, phải dùng nạng đi lại, nhưng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
“Đất của gia đình tôi ở ổn định từ năm 1975, từ khi tôi đi bộ đội về. gia đình bị thu hồi 900 m². Trong đó đất thổ cư 70 m² thì chỉ được đền bù hơn 3 triệu đồng, nhưng lại bắt gia đình tôi mua lại với giá 10 triệu đồng/m², thì hỏi rằng công bằng ở đâu.
Nếu dự án trên là dự án quốc phòng – an ninh hoặc xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng thì tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, dự án chỉ một phần làm đường, còn lại là để phân lô, bán nền. Trong khi chúng tôi chưa nhận tiền đền bù nhưng dự án đã phân lô bán nền với giá 10 triệu đồng/m²”, ông Biên bức xúc.
BBT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
(Theo VTC News)